Phối hợp xử lý ô nhiễm môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy

2019.07.31 - 827 lượt xem

Thời gian qua, môi trường nước lưu vực sông Nhuệ - Đáy liên tục bị ô nhiễm, thậm chí có xu hướng gia tăng mức độ ô nhiễm đối với một số thông số. Để giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường, đồng thời cải thiện chất lượng nước lưu vực sông, đảm bảo đáp ứng cho mục đích sử dụng theo quy định, ngày 29/7, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản gửi: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố: Hà Nội, Hà Nam, Hòa Bình, Ninh Bình và Nam Định đề nghị phối hợp xử lý ô nhiễm môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy.

Trước tình trạng ô nhiễm môi trường nước lưu vực sông Nhuệ - Đáy, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo Tổng cục Môi trường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố: Hà Nội, Hà Nam, Hòa Bình, Ninh Bình và Nam Định tiến hành thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT) đối với các cơ sở thuộc loại hình có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và có lưu lượng xả thải lớn, xả thải trực tiếp và gián tiếp ra lưu vực sông theo đúng quy định. Căn cứ kết quả thanh tra, kiểm tra về BVMT; kết quả khảo sát, thu thập thông tin và kết quả quan trắc nước lưu vực sông Nhuệ - Đáy từ các địa phương và Tổng cục Thủy lợi, ngày 29/7, Bộ Tài nguyên và Môi trường có Văn bản số 3638/BTNMT-TCMT về việc phối hợp xử lý ô nhiễm môitrường lưu vực sông Nhuệ - Đáy với một số nội dung như sau:

Kết quả thanh tra, kiểm tra cho thấy vẫn còn nhiều cơ sở có hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, cụ thể: trong số các cơ sở được Tổng cục Môi trường thanh tra năm 2018, có đến 57% cơ sở bị xử phạt; trên địa bàn thành phố Hà Nội, có 60% cơ sở được thanh, kiểm tra bị xử phạt; đối với tỉnh Hòa Bình, có 25% cơ sở được thanh, kiểm tra bị xử phạt. Xả thải vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải vẫn là hành vi vi phạm phổ biến, trong đó: năm 2018, có 37% cơ sở được Tổng cục Môi trường thanh tra có vi phạm về xả thải; có 52% cơ sở được thanh tra, kiểm tra trên địa bàn tỉnh Nam Định không có hệ thống xử lý nước thải hoặc có hệ thống xử lý nước thải nhưng không đáp ứng yêu cầu về BVMT.

Nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy là do nước thải chưa được xử lý hoặc xử lý không đạt quy chuẩn trước khi thải ra môi trường. Trong khi hầu hết các khu công nghiệp đều có hệ thống xử lý nước thải tập trung và cơ bản tuân thủ các quy định về BVMT thì các cụm công nghiệp đã và đang xây dựng trạm xử lý tập trung chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ (dưới 30%), ngoại trừ thành phố Hà Nội (khoảng trên 60%); nước thải làng nghề cơ bản không được thu gom và xử lý. Nguồn gây ô nhiễm môi trường lớn nhất là nước thải sinh hoạt, chiếm tỷ lệ lên tới 70% tổng lượng nước thải vào sông Nhuệ - sông Đáy nhưng không được thu gom, xử lý và thải thẳng ra nguồn tiếp nhận. Kết quả quan trắc chất lượng môi trường nước tại 42 điểm trên lưu vực sông Nhuệ - Đáy do Tổng cục Môi trường thực hiện từ năm 2016 đến 2018 cho thấy: sông Nhuệ, sông nội thành Hà Nội và sông Châu Giang bị ô nhiễm các thông số DO, COD, BOD5, N- NH4+, TSS và có xu hướng gia tăng mức độ ô nhiễm qua các năm; sông Đáy, sông Hoàng Long, sông Đào với đoạn từ điểm quan trắc cầu Mai Lĩnh và Ba Thá, nước bị ô nhiễm các thông số: DO, COD và N-NH4+; đoạn sông Đáy từ điểm Tế Tiêu xuống Trung Hiếu Hạ bị ô nhiễm thông số N-NH4+.

Một trong những nguyên nhân cơ bản khác gây ô nhiễm nguồn nước lưu vực sông Nhuệ - Đáy là dòng chảy trên sông không đáp ứng được khả năng tự làm sạch chất ô nhiễm, đặc biệt là đối với sông Nhuệ. Biện pháp để giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước sông Nhuệ là đảm bảo dòng chảy tối thiểu thông qua việc tăng cường bổ sung nước từ sông Hồng (qua cống Liên Mạc). Việc vận hành cống Liên Mạc hiện nay được thực hiện theo Quy trình kỹ thuật về quản lý khai thác và bảo vệ cống Liên Mạc ban hành năm 1968 và Quyết định số 105/2002/QĐ-BNN ngày 19/11/2002 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Quy trình vận hành hệ thống công trình thủy lợi sông Nhuệ. Tuy nhiên, vào mùa khô khi mực nước sông Hồng thấp hơn cao trình vận hành của cống Liên Mạc thì không thể lấy nước từ sông Hồng vào bổ cập cho sông Nhuệ. Việc lấy nước chỉ thực hiện được trong các đợt các hồ chứa phía thượng lưu xả theo quy định của quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng, các ngày còn lại trong tháng 11 đến tháng 5 năm sau hầu như phải đóng cống để tránh chảy ngược nước từ trong hệ thống ra sông Hồng. Ngoài ra, trong những năm gần đây việc khai thác cát cũng diễn ra gần khu vực lấy nước của cống, dẫn đến tình trạng hạ thấp lòng dẫn, suy giảm mực nước sông Hồng nên cũng ảnh hưởng đến việc lấy nước trong mùa cạn của cống.

Để giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường, đồng thời cải thiện chất lượng nước lưu vực sông Nhuệ - Đáy, đảm bảo đáp ứng cho mục đích sử dụng theo quy định, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố: Hà Nội, Hà Nam, Hòa Bình, Ninh Bình và Nam Định quan tâm chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trực thuộc thực hiện một số nội dung như sau:

Đối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn:

Có biện pháp chặt chẽ kiểm soát nước thải, chất thải trong sản xuất nông nghiệp để giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước trong các kênh, mương tưới tiêu thủy lợi trên lưu vực sông Nhuệ - Đáy;

Tăng cường, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Hà Nam, Hòa Bình, Ninh Bình, Nam Định và Hà Nội đẩy mạnh công tác thẩm định, cấp phép xả nước thải vào các công trình thủy lợi thuộc lưu vực sông Nhuệ - Đáy đặc biệt chú trọng công tác hậu kiểm, nhằm phát huy hiệu quả công tác phòng ngừa ô nhiễm;

Nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh, bổ sung Quy trình kỹ thuật về quản lý khai thác và bảo vệ cống Liên Mạc ban hành năm 1968 và Quy trình vận hành hệ thống công trình thủy lợi sông Nhuệ (được ban hành kèm theo Quyết định số 105/2002/QĐ-BNN nêu trên) theo hướng cập nhật năng lực vận hành các công trình thủy lợi đảm bảo duy trì dòng chảy tối thiểu (đặc biệt là vận hành cống Liên Mạc phù hợp theo lịch xả nước của quy trình vận hành liên hồ chứa trên sông Hồng);

Tiếp tục chỉ đạo thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số: 937/QĐ-TTg ngày 01 tháng 7 năm 2009 về việc Phê duyệt Quy hoạch tiêu nước hệ thống sông Nhuệ; Quyết định số 1821/QĐ-TTg ngày 07 tháng 10 năm 2014 về việc phê duyệt Quy hoạch phòng, chống lũ và đê điều hệ thống sông Đáy. Theo đó, ưu tiên nội dung liên quan đến Trạm bơm cống Liên Mạc công suất 170 m3/s vào sông Nhuệ và đưa nước chủ động từ sông Hồng vào sông Đáy với công suất tối đa vào mùa kiệt là 170 m3/s.

Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường để xác định rõ phạm vi, chức năng quản lý nhà nước về quản lý, bảo vệ nguồn nước, BVMT đối với các lưu vực sông nhằm giải quyết được sự chồng chéo trong quản lý, bảo vệ nguồn nước, BVMT giữa ngành tài nguyên môi trường và ngành nông nghiệp như hiện nay.

Đối với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội:

Chỉ đạo các Sở, ban, ngành trên địa bàn thành phố đẩy nhanh tiến độ các dự án cải thiện nguồn nước sông Nhuệ, sông Đáy, các dự án xử lý nước thải (Dự án xây dựng cụm công trình đầu mối Liên Mạc, Từ Liêm, Hà Nội; Dự án nâng cấp trục chính sông Nhuệ kết hợp với làm đường giao thông cải thiện môi trường gắn với chỉnh trang sông Nhuệ; Dự án nạo vét, cải tạo lòng dẫn sông Đáy thành phố Hà Nội; Dự án tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích; Dự án cụm công trình tiếp nước và các dự án xây dựng các nhà máy thu gom, xử lý nước thải) theo các quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

Chỉ đạo việc vận hành các nhà máy xử lý nước thải, các công trình điều tiết nguồn nước hiện hữu nhằm đảm bảo giảm thiểu ô nhiễm nước sông Nhuệ, sông Đáy;

Tiếp tục thực hiện các biện pháp cải thiện chất lượng môi trường sông Tô Lịch, chất lượng các hồ trên địa bàn, đặc biệt là các hồ nội đô;

Tiếp tục thực hiện Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 725/QĐ-TTg ngày 10 tháng 5 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ;

Chỉ đạo việc lập và ban hành danh mục nguồn nước nội tỉnh, trong đó xác định rõ các nguồn nước nội tỉnh trên lưu vực sông Nhuệ-Đáy; việc xác định, cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước;

Quy hoạch các điểm tập kết chất thải rắn; tổ chức thu gom, xử lý toàn bộ chất thải rắn, chuyển giao cho đơn vị có chức năng xử lý đúng quy định; chấm dứt và xử lý nghiêm tình trạng thải chất thải rắn bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường;

Kiểm soát chặt chẽ các nguồn xả nước thải và chất lượng nước sông Nhuệ, sông Đáy trước khi chảy vào địa bàn các tỉnh phía hạ lưu; tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra chấp hành pháp luật về BVMT tại các khu đô thị, khu dân cư tập trung (có chủ đầu tư hạ tầng), các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, các khu, cụm công nghiệp, làng nghề, trong đó tập trung vào các cơ sở có lượng xả thải lớn (trên 200 m3/ngày, đêm), các cơ sở xả thải trực tiếp ra lưu vực sông Nhuệ - Đáy; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đình chỉ hoạt động, cưỡng chế đình chỉ hoạt động theo quy định của pháp luật;

Đầu tư hệ thống quan trắc chất lượng nước mặt tự động trên hệ thống sông Nhuệ - Đáy; xây dựng phần mềm cơ sở dữ liệu quan trắc chất lượng nước mặt, nước thải, hoạt động xả nước thải của các cơ sở xả nước thải và cơ chế quản lý, sử dụng phần mềm;

Phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong công tác thẩm định, cấp phép xả nước thải vào các công trình thủy lợi và công tác hậu kiểm nhằm tăng cường hiệu quả phòng ngừa ô nhiễm;

Ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ các hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong làng nghề di dời hoạt động vào các khu, cụm công nghiệp.

Đối với Ủy ban nhân dân các tỉnh: Hà Nam, Hòa Bình, Nam Định và Ninh Bình

Đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng đưa vào vận hành các công trình xử lý nước thải, đặc biệt là hệ thống xử lý nước thải tập trung cho các khu đô thị, khu dân cư tập trung, khu công nghiệp, cụm công nghiệp và làng nghề trên địa bàn, đảm bảo nước thải phát sinh phải được xử lý đáp ứng yêu cầu về quy chuẩn kỹ thuật cho phép trước khi thải ra môi trường;

Kiểm soát chặt chẽ các nguồn xả thải trên địa bàn, đặc biệt là những nguồn xả thải lớn (trên 200 m3/ngày.đêm), xả thải trực tiếp ra lưu vực sông;

Quy hoạch các điểm tập kết chất thải rắn; tổ chức thu gom, xử lý toàn bộ chất thải rắn, chuyển giao cho đơn vị có chức năng xử lý đúng quy định; chấm dứt và xử lý nghiêm tình trạng thải chất thải rắn bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường;

Tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra chấp hành pháp luật về BVMT tại các khu đô thị, khu dân cư tập trung (có chủ đầu tư hạ tầng); các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; các khu, cụm công nghiệp, làng nghề có hoạt động xả thải vào lưu vực sông Nhuệ - Đáy; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đình chỉ hoạt động, cưỡng chế đình chỉ hoạt động theo quy định của pháp luật;

Phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong công tác thẩm định, cấp phép xả nước thải vào các công trình thủy lợi và công tác hậu kiểm nhằm tăng cường hiệu quả phòng ngừa ô nhiễm;

Đầu tư hệ thống quan trắc chất lượng nước mặt tự động trên hệ thống sông Đáy; xây dựng phần mềm cơ sở dữ liệu quan trắc chất lượng nước mặt, nước thải, hoạt động xả nước thải của các cơ sở xả nước thải và cơ chế quản lý, sử dụng phần mềm;

Chỉ đạo việc lập và ban hành danh mục nguồn nước nội tỉnh, trong đó xác định rõ các nguồn nước nội tỉnh trên lưu vực sông Nhuệ-Đáy; việc xác định, cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước;

Ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ các hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong làng nghề di dời hoạt động vào các khu, cụm công nghiệp.

Nguồn: monre.gov.vn