2019.07.29 - 889 lượt xem
NDĐT- Từ tháng 6 và 7 đến nay, liên tục xảy ra các vụ sạt lở bờ sông tại các huyện, thị xã, thành phố tại An Giang, đẩy người dân ven sông gạt nước mắt dỡ nhà, chạy lở.
Hiu hắt xóm ven sông
Con sông Vàm Cái Hố chảy qua ấp An Thị, xã An Thạnh Trung, huyện Chợ Mới bấy lâu nay hiền hòa nay bỗng nhiên trở mình hung tợn, kéo đất đai, nhà cửa trôi tuột xuống đáy sông. Ngày 9 và 19-7 vừa qua, đã xảy ra hai vụ sạt lở đất với tổng chiều dài hơn 160 m, đe dọa hàng chục căn nhà khiến các hộ dân ven sông phải nháo nhào tháo chạy.
Lúc trước, 27 hộ dân ven sông Vàm Cái Hố sống đời yên vui nay bỗng nhiên lâm cảnh mất đất, tan nhà. Làng xóm trước đây đông vui, lúc nào cũng vang tiếng nói cười nay trở nên quạnh hiu, những căn nhà ngày nào cửa rộng mở nay cửa khóa im lìm, trước cổng nhà là hàng rào dây căng ngang cảnh báo người lạ không nên vào nhà vì đây là khu vực sạt lở nguy hiểm.
Ông Bành Thanh Xuân, 60 tuổi, đứng bần thần trước căn nhà khóa trái cửa. Chỉ mấy tuần trước, ông và người thân còn sống đầm ấm trong căn nhà, nhưng chớp mắt cái ngày đó đã xa xôi diệu vợi. Ông Xuân nói, do căn nhà nằm sát bờ sông cho nên bây giờ ông và người nhà không ai dám ở hay ngủ lại mà qua tá túc nhà người thân. Sống trong vùng sạt lở cho nên ông Xuân không dám mạo hiểm với thủy thần, chỉ cần vạt đất lở ùm xuống sông là nhấn chìm người và của.
Các hộ dân vùng sạt lở thở dài, ai cũng biết có nhà ven sông thì sống cận kề cùng hiểm họa sạt lở. Nhưng biết được mà không tránh được vì căn nhà là nơi chôn cắt rốn của nhiều thế hệ, là mảnh đất ông cha để lại cùng tình làng nghĩa xóm. Ông Phạm Thành Long, 63 tuổi, ngơ ngác ngó ra sông, nơi sạt lở cách xa nhà ông vài chục mét. Bao đời nay ông Long sống yên vui ở vùng này, chưa biết chạy lở là gì. Ông nói, nếu có lở cũng chỉ là vài mảnh đất nhỏ rơi lỏm tỏm xuống lòng sông, thế rồi chuyện ông không ngờ đã ập đến. Đó là đất nứt kéo dài loằng ngoằng như con rắn bò, rồi ngày 9-7, đất ven sông rùng rùng ụp xuống sông với chiều dài cả 100 m, trận lở đất xảy ra nhanh như chớp nhưng dư âm dai dẳng như nhát dao cứa vào da thịt những người dân chạy lở. Do căn nhà nằm cách sông không xa, có thể sạt lở bất cứ lúc nào cho nên ông và con cháu phải đi ở tạm nhà người quen. Lâu lâu, nhớ nhà cũ ông lại quay về ngó cho vơi đi phiền muộn.
Sống bên sông nguy cơ mất đất mất nhà luôn xảy ra.
Hiểm họa sạt lở
Theo thống kê của ngành chức năng, từ đầu năm đến nay đã xảy ra 12 điểm sạt lở, sụp lún đất bờ sông kênh rạch với chiều dài 1.089 m, ảnh hưởng 68 căn nhà, gây thiệt hại hơn 3,3 tỷ đồng. Vụ sạt lở gần đây xảy ra ở xã Châu Phong, thị xã Tân Châu kéo theo 20 m đất chìm xuống lòng sông Hậu. Mới đây nhất là vụ nứt đất trên Quốc lộ 91 đoạn qua ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú khiến UBND tỉnh, UBND huyện phải lo lắng khẩn trương tìm cách khắc phục vì cung đường này lượng xe các loại qua lại rất đông cả ngày lẫn đêm.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, kết quả quan trắc đợt một năm 2019 cho thấy, toàn tỉnh có 51 đoạn sông có nguy cơ sạt lở, trong đó sáu đoạn được cảnh báo ở mức độ đặc biệt nguy hiểm, 31 đoạn ở mức độ nguy hiểm, 11 đoạn ở mức độ trung bình và ba đoạn ở mức độ nhẹ đe dọa hơn 20 nghìn hộ dân. Và các vụ sạt lở vừa xảy ra vừa qua đều nằm trong danh mục cảnh báo hằng năm và đã được chủ động cảnh báo cho người dân nên hạn chế được thiệt hại về tài sản và không gây thiệt hại về người. Nhưng điều lo ngại là hiện đang bước vào mùa mưa cùng tình hình lũ về muộn thiếu phù sa bồi đắp cho nên đất ven sông bị “hổng chân” kéo theo nguy cơ sạt lở bờ sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Nao… tăng cao. Do vậy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần An Thư đã yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh tiếp tục nâng cao công tác cảnh báo, dự báo sạt lở vùng nguy hiểm để chủ động ứng phó hạn chế thấp nhất thiệt hại người và của, các sở, ngành phối hợp các huyện, thị xã, thành phố thành lập các đội ứng cứu để khi xảy ra sạt lở các đội này sẽ nhanh chóng hỗ trợ dân vùng sạt lở di dời tài sản, nhà cửa
Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang cũng kiến nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh, UBND các huyện thị thành tăng cường quản lý các hoạt động xây dựng, dân cư sinh sống ven sông, rạch, các hoạt động giao thông thủy bộ. Về lâu dài, các địa phương cần quy hoạch lại dân cư, sắp xếp di dời dân tránh sạt lở…
Người dân thường ví von, hỏa hoạn là tai họa nhưng chỉ gây mất nhà, còn sạt lở là đại họa lấy tất tần tật nhà và đất, đẩy người dân vào cảnh ăn nhờ ở đậu, xa quê xa làng. Sạt lở là nỗi ám ảnh suốt cả cuộc đời của người dân ven sông như trường hợp ông Đỗ Thanh Vân sống ở ấp Tây Khánh 5, phường Mỹ Hòa, TP Long Xuyên. Ông Vân có nhà cửa bên sông Long Xuyên nhưng ngày 3-2-2018, sông Long Xuyên rùng rùng nối sóng kéo theo đất và nhà ông cùng hai căn nhà kề cận đi mất. Ông vẫn nhớ, cái ngày thảm họa đó xảy ra buổi sáng, ngồi trong nhà ông thấy căn nhà bỗng nhiên kêu răng rắc, chao đảo, cho nên ông đã la hét để người thân nghe “lở đất rồi trời ơi” rồi cùng nhau phóng ra khỏi nhà. Ông Vân bàng hoàng, sạt lở mà không có dấu hiệu báo trước, rất may là lở ban ngày, nếu xảy ra vào đêm thì hậu quả không lường hết được…
Nguồn: nhandan.com.vn