2019.07.19 - 1424 lượt xem
Nắng nóng kéo dài hiếm gặp là một trong những nguyên nhân chính đẩy Trung Bộ vào tình trạng hạn hán căng thẳng.
Nếu năm 2018 số ngày nắng nóng là 21 thì đến năm 2019, con số này đã lên tới 36 ngày nắng nóng đằng đẵng. Cái nắng nung đốt, vắt kiệt cỏ cây, khiến chúng khô héo. Nước bốc hơi cũng rất nhanh, cứ mỗi mét vuông đất ruộng lại mất đi 5 - 7 mm mỗi ngày. Nếu nhân con số này với hàng chục nghìn ha thì ước tính lượng nước bốc hơi vào khí quyển phải lên tới hơn nửa triệu m3 một ngày. Mất nước, đất khô cằn không còn sự sống.
Đáng nói là tình trạng hạn hán sẽ còn gay gắt hơn và mở rộng thêm từ giờ đến hết vụ Hè Thu. Nối dài thêm danh sách Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Định và Phú Yên sẽ là Thanh Hóa, Nghệ An cũng hứng chịu hạn hán, trong đó, theo tính toán của các chuyên gia thủy lợi, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định sẽ là ba khu vực hạn hán nặng nhất.
Trước tình hình này, sáng 18/7, đoàn công tác đặc biệt của Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) đã có cuộc khảo sát thực tế tại các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam để đề xuất hướng khắc phục.
Theo báo cáo từ các địa phương, tình trạng hạn hán đã gây thiếu nước nghiêm trọng cho vụ lúa Hè Thu. Nhiều hồ đập trên địa bàn các tỉnh từ Quảng Nam đến Phú Yên xuống thấp đến mức kỷ lục, lượng nước chỉ còn từ 10 - 30%, nhiều hồ đã xuống đến dưới mực nước chết. Các sông suối cũng rơi vào tình trạng khô cạn.
Quảng Nam và Phú Yên là hai địa phương có diện tích cây trồng thiệt hại nặng nhất với khoảng 4.000 ha, tỉnh Quảng Ngãi khoảng 3.000 ha. Mặc dù các địa phương đã huy động tổng lực máy bơm để cứu lúa, nhưng các khu vực cuối nguồn kênh mương vẫn bị thiếu nước. Nếu tình trạng khô hạn kéo dài thêm vài tuần nữa, nguy cơ mất trắng các diện tích lúa Hè Thu là điều khó tránh khỏi.
Đoàn công tác sẽ tiếp tục khảo sát thêm một số địa phương tại các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam để có thể đưa ra giải pháp hiệu quả nhất trong việc chống hạn./.
Nguồn: vtv.vn