Miền Trung hạn hán kéo dài, đập cạn, người khát, ruộng khô

2019.07.10 - 1458 lượt xem

Nắng nóng kéo dài thời gian qua tại Quảng Trị, Quảng Bình, Nghệ An và một số tỉnh miền Trung đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc sản xuất của người dân. Hiện lượng nước tại các hồ, đập giảm mạnh, ruộng đất khô khốc không thể sản xuất, người dân thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.

Quảng Trị: Lượng nước giảm mạnh ở hồ chứa lớn nhất tỉnh

Những ngày cuối tháng 6, nắng nóng vẫn tiếp tục uy hiếp cuộc sống của người dân. Tình trạng khô hạn trên diện rộng cũng đã ảnh hưởng rất lớn đến ngành nông nghiệp địa phương. Quảng Trị hiện có trên 2.400 ha cây nông nghiệp bị hạn, trong đó có trên 1.000 ha bị hạn nặng.

Miền Trung hạn hán kéo dài, đập cạn, người khát, ruộng khô - 1

 

Ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị (áo xanh) kiểm tra hiện trạng các hồ chứa.

Trước thực trạng trên, địa phương này đang tập trung triển khai các phương án chống hạn khẩn cấp, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra do thiếu nước sản xuất.

Theo ghi nhận, nguồn nước ở các hồ chứa trên địa bàn giảm mạnh, lượng nước còn lại khoảng 25% so với dung tích thiết kế, một số hồ chứa dung tích rất thấp.

Miền Trung hạn hán kéo dài, đập cạn, người khát, ruộng khô - 2

 

Nhiều diện tích ruộng bị khô nước nghiêm trọng.

Riêng tại hồ chứa nước La Ngà là một trong những hồ chứa lớn nhất trên địa bàn, hiện nay chỉ còn 25,5% dung tích thiết kế với khoảng 8,6 triệu m3 nước. Với mực nước này chỉ đủ cung cấp thêm 1 lần tưới cho hơn 1.100 ha lúa của các xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Lâm, Vĩnh Thủy của huyện Vĩnh Linh. Nếu trong thời gian tới không có mưa thì nguy cơ mất trắng mùa vụ này sẽ rất dễ xảy ra.

Miền Trung hạn hán kéo dài, đập cạn, người khát, ruộng khô - 3

 

Các hồ chứa bị cạn nước.

Ông Lê Văn Ty - Giám đốc Xí nghiệp thủy nông Vĩnh Linh cho hay, hiện mực nước tại đập Kinh Môn đang xuống rất thấp còn 35%, dự kiến sẽ tưới thêm được 2 lượt cho 800 ha lúa trên địa bàn. Đơn vị cũng đã huy động toàn bộ trạm bơm để vét nước nhưng hiện nay hệ thống kênh ngòi đã khô cạn hết nên rất khó khăn. Toàn bộ diện tích lúa được gieo từ ngày 20/5 đến nay đang bị khô hạn, nếu tình trạng này kéo dài thì 600 ha lúa trên địa bàn sẽ bị mất trắng.

Miền Trung hạn hán kéo dài, đập cạn, người khát, ruộng khô - 4

 

Do thiếu nước nên lúa không thể phát triển.

Tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn đang diễn ra đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt, đặc biệt trong việc sản xuất lúa Hè Thu 2019. Một số địa phương có diện tích lúa bị hạn nặng gồm Vĩnh Linh với 249 ha; Gio Linh với 446 ha; Cam Lộ với 257 ha…

Miền Trung hạn hán kéo dài, đập cạn, người khát, ruộng khô - 5

 

Bên cạnh đó, tình trạng xâm nhập mặn xâm nhập sâu vào nội đồng hết sức phức tạp. Để chủ động đối phó với tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, khắc phục tình trạng thiếu nước và cấp đủ nước sinh hoạt cho nhân dân, tỉnh Quảng Trị đã tiến hành huy động mọi nguồn lực để thực hiện các giải pháp chống hạn như: Đắp đập tạm để trữ và dâng cao mực nước bơm tưới cho lúa; đắp các đập ngăn mặn; điều tiết nguồn nước từ các hồ; triển khai nạo vét một số đoạn trên sông, kênh mương thủy lợi; lắp đặt các trạm bơm dã chiến; thực hiện chuyển đổi sang các giống cây ngắn ngày.

Miền Trung hạn hán kéo dài, đập cạn, người khát, ruộng khô - 6

 

Đồng ruộng bỏ hoang do khô hạn.

Tiến hành kiểm tra tình trạng hạn hán trên địa bàn, ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết: Trước tình trạng hạn hán xảy ra và kéo dài trên diện rộng, UBND tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp phối hợp với các địa phương và Công ty khai thác công trình thủy lợi cấp nước tiết kiệm, đảm bảo điều kiện sinh hoạt trước mắt cho người dân và sản xuất nông nghiệp.

Bên cạnh đó, huy động toàn bộ nguồn lực, người dân và xã hội tổ chức ra quân làm thủy lợi, nạo vét các kênh mương, cửa sông để tích trụ nước; thực hiện lắp đặt các trạm bơm dã chiến để phục vụ tưới tiêu với quyết tâm bằng mọi giá phải cứu lấy diện tích lúa đã gieo sạ; chuyển đổi sang các giống cây trồng hợp lý.

Quảng Bình: Dân thiếu nước sinh hoạt, ruộng đồng bỏ hoang

Thời tiết nắng hạn kéo dài và không có mưa hơn hai tháng nay đã khiến nguồn nước tại các, ao, hồ, sông, suối của Quảng Bình gần như cạn kiệt. Mực nước tại các hồ chứa nước lớn của huyện Quảng Trạch như Vực Tròn, Tiên Lang, Trung Thuần mực nước chỉ đạt 17 đến 18%. Nếu nắng hạn tiếp tục kéo dài trong thời gian tới thì hàng ngàn hộ dân phải đối diện với nguy cơ thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng.

Miền Trung hạn hán kéo dài, đập cạn, người khát, ruộng khô - 7

 

 

Miền Trung hạn hán kéo dài, đập cạn, người khát, ruộng khô - 8

 

Nhiều hồ thủy lợi tại Quảng Bình khô cạn, trơ đáy.

Đã hơn một tháng nay, hàng trăm hộ dân sống tại thôn Tam Đa, xã Quảng Lưu, huyện Quảng Trạch phải sử dụng nguồn nước sinh hoạt từ giếng làng vì những giếng nước khác đã khô cạn. Nhưng nguồn nước này không đảm bảo vệ sinh và đang cạn kiệt dần, nguy cơ không có nước sinh hoạt đang hiển hiện.

“Hiện tại nguồn nước sinh hoạt đang thiếu trầm trọng. Nếu thời gian tới không có mưa thì chúng tôi sẽ không biết lấy nước đâu mà dùng. Nhiều gia đình đã phải chấp nhận bỏ tiền mua nước đóng bình về dùng vì chẳng còn cách nào khác”, ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng thôn Tam Đa lo lắng.

Miền Trung hạn hán kéo dài, đập cạn, người khát, ruộng khô - 9

 

Người dân trông chờ nước từ giếng làng cũng đang dần cạn kiệt.

Trước tình hình hạn hán diễn ra trong diện rộng, tỉnh Quảng Bình cho biết đang xin kinh phí chống hạn từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhằm cứu hạn khẩn cấp cho người dân.

Thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài càng khiến lượng nước dự trữ ngày càng giảm, ao, hồ cạn trơ đáy. Nhiều khu vực 2 tháng qua không có mưa nên đã xảy ra hiện tượng hạn hán cục bộ. Hơn 4.000ha lúa và hàng ngàn ha cây trồng cạn tại tỉnh Quảng Bình đang bị thiếu nước và có nguy cơ mất trắng vụ năm nay.

Miền Trung hạn hán kéo dài, đập cạn, người khát, ruộng khô - 10

 

Nguy cơ không có nước sinh hoạt đang hiển hiện nếu nắng hạn còn kéo dài.

Theo lịch sản xuất, những cánh đồng phải được làm đất lại, cày ải và xuống giống vụ Hè - Thu từ đầu tháng 6. Tuy nhiên đến nay do thiếu nước những cánh đồng vẫn chưa được cải tạo lại mà chỉ là những mảnh ruộng trơ gốc rạ sau khi thu hoạch. Thực trạng trên đang diễn ra ở nhiều địa phương của Quảng Bình.

“Thời tiết ở đây hạn quá, các anh thấy đấy, ra Tết đến giờ là không có một cơn mưa nào to, cho nên chúng tôi phải bỏ ruộng để đi làm thêm thôi chứ không có cách nào khác”, ông Bùi Quang Thục, trú tại huyện Bố Trạch nói.

Miền Trung hạn hán kéo dài, đập cạn, người khát, ruộng khô - 11

 

Nhiều diện tích đồng ruộng bỏ hoang vì không có nước.

Vấn đề đất bỏ hoang đã được nhắc tới trong nhiều năm gần đây, tuy nhiên chưa năm nào tỉnh Quảng Bình phải đối mặt với tình trạng bỏ trắng đất lúa tại nhiều địa phương nhiều như hiện tại.

Trao đổi về vấn đề này, ông Phan Văn Khoa, Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Bình cho biết, địa phương đang tìm các biện pháp, giải pháp cụ thể trên từng cánh đồng để chống được cái hạn. Trước mắt sẽ rà soát, kiểm tra và nạo vét, duy tu, bảo dưỡng các hồ chứa, đập thủy lợi. Tổ chức điều tiết từ các nơi nguồn nước còn nhiều sang nơi khô hạn phục vụ đời sống và sản xuất của người dân.

Nghệ An: Dân “khóc” vì giếng cạn, ruộng khô

Đập nước Vệ Nông đóng trên địa bàn 2 xã Nam Thanh và xã Vân Diên (Nam Đàn, Nghệ An) có quy mô rộng hơn 200ha; được xem là nguồn nước chính phục vụ tưới tiêu cho hơn 10ha lúa của người dân trên địa bàn.

Miền Trung hạn hán kéo dài, đập cạn, người khát, ruộng khô - 12

 

Mùa hè đến, đập nước Vệ Nông nứt nẻ, nước chỉ còn xấp xỉ đáy.

Miền Trung hạn hán kéo dài, đập cạn, người khát, ruộng khô - 13

 

 

Miền Trung hạn hán kéo dài, đập cạn, người khát, ruộng khô - 14

 

Đập Vệ Nông rộng hơn 200ha, là nguồn nước chính tưới tiêu cho 50ha lúa và nguồn nước sinh hoạt cho người dân. 

Loay hoay cấy nốt sào ruộng bị chậm trễ do thiếu nước, bà Nguyễn Thị Hữu (SN 1976, trú xóm Hồ Sơn, xã Vân Diên) kêu ca: “Mỗi năm đến mùa hè là đập nước Vệ Nông lại cạn trơ đáy. Dân thiếu nước, ruộng thiếu nước nên khô cạn. Đập nước cạn là khổ trăm bề các chú ạ!”.

Cứ đến mùa hè, đập nước cạn, ông Bùi Hữu Dũng (SN 1967) lại thực hiện công việc thân quen, lái xe tải chở những téc nước đi bán cho người dân dùng.

Mỗi ngày ông Dũng bán được 10 bồn nước 3 khối, mỗi bồn giá 300 nghìn đồng.

 

Phát
 

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hồng Hải - Chủ tịch UBND xã Vân Diên (Nam Đàn) xác nhận tình trạng đập Vệ Nông bị cạn đã xảy ra chục năm nay và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống sinh hoạt người dân. Theo ông Hải, nước trong đập vẫn còn nhưng chỉ có ở phía trong chứ phía ngoài không có nước.

Nguyên nhân do ở giữa đập có cồn đất cao, khi mực nước xuống thấp thì bị ngăn lại bởi cồn đất này. Để giải quyết tình trạng này tạm thời, nhiều lần xã đã phải thuê máy bơm, bơm nước từ đập trong ra đập ngoài để ra khu vực tràn chảy ra ruộng dân. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tức thời không hiệu quả.

Miền Trung hạn hán kéo dài, đập cạn, người khát, ruộng khô - 15

 

Ruộng thiếu nước dẫn đến cả một vùng bị khô, người dân không thể cấy lúa.

Miền Trung hạn hán kéo dài, đập cạn, người khát, ruộng khô - 16

 

Bà Nguyễn Thị Hữu (SN 1976, trú xóm Hồ Sơn, xã Vân Diên) cho biết, do thiếu nước nên ruộng bà bị cấy muộn khoảng nửa tháng so với kế hoạch. 

“Ở giữa bị cao nên nước từ đập trong không chảy ra đập ngoài được nên không chảy ra mương thoát nước cho tưới tiêu được. Xã mong muốn các ngành chức năng nghiên cứu giúp xã để có thể thực hiện dự án đào lạch dẫn nước từ đập trong ra đập ngoài, phục vụ nước cho người dân”, Chủ tịch UBND xã Vân Diên nói.

Được biết, tình trạng đập nước Vệ Nông bị cạn trơ đáy ở giữa đã xảy ra 10 năm nay khiến nước từ đập trong không thể chảy ra ngoài được. Chính quyền địa phương và người dân đang mong muốn cơ quan chức năng huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An sớm có giải pháp giúp chính quyền địa phương thực hiện dự án đào lạch dẫn nước để người dân có nguồn nước sinh hoạt và tưới tiêu cho hàng chục ha lúa trên địa bàn.

Nguồn: dantri.com.vn