2019.06.18 - 809 lượt xem
Ông Phạm Quốc Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Yên Bái cho biết, đến nay, việc đảm bảo an toàn hồ đập thủy lợi trước mùa mưa lũ năm 2019 đã được Yên Bái triển khai tích cực, hiệu quả.
Tuy nhiên, do thiếu kinh phí đầu tư kiên cố hóa đập đất, lắp đặt thiết bị thông tin cảnh báo an toàn cho đập và vùng hạ du đập nên vẫn còn tồn tại một số bất cập cần phải khắc phục.
Đập thủy điện Khau Mang Thượng, xã Khau Mang, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Ảnh: Việt Dũng/TTXVN
Để sẵn sàng ứng phó với mọi diễn biến bất thường của thời tiết, ngay từ đầu năm, Chi cục Thủy lợi Yên Bái đã chỉ đạo, yêu cầu các chủ hồ tiến hành kiểm tra đánh giá chung về ổn định hồ đập; phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp để xây dựng, cập nhật, bổ sung phương án phòng, chống lụt, bão của hồ, đập và phương án phòng chống lũ, lụt vùng hạ du, hạ lưu.
Ngoài ra, các đơn vị chức năng cũng trao đổi thông tin giữa chủ hồ và chính quyền địa phương, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp trong việc giám sát vận hành, điều tiết xả lũ của hồ chứa theo đúng quy trình đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt…
Theo ông Trần Đức Bảy, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Tân Phú tại thị trấn Cổ Phúc huyện Trấn Yên, vừa qua công ty đã tiến hành triển khai hàng loạt các biện pháp đảm bảo an toàn hồ đập mùa mưa lũ như kê khai đăng ký an toàn đập, hồ chứa nước; lập điều chỉnh, bổ sung quy trình vận hành hồ chứa nước; xây dựng hệ thống dữ liệu hồ chứa nước; cắm mốc phạm vi bảo vệ công trình; lập quy trình vận hành...
Đặc biệt, việc rà soát, hoàn thiện phương án bảo vệ, phương án ứng phó thiên tai, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp và kiểm định an toàn hồ, đập, hồ chứa nước đã được chú trọng thực hiện.
Thống kê của Chi cục Thủy lợi cho thấy, trên địa bàn tỉnh có 186 công trình đập, hồ chứa nước thủy lợi; trong đó, có 133 công trình hồ chứa có chiều cao đập từ 5 m trở lên hoặc có dung tích trên 50.000 m3. Các hồ chứa trên được giao cho các doanh nghiệp thủy lợi quản lý khai thác và bảo vệ.
Để thực hiện chương trình an toàn các hồ chứa của Chính phủ, những năm gần đây Yên Bái đã chú trọng đầu tư sửa chữa nâng cấp hồ đập; trong đó, năm 2018 đã triển khai 16 dự án sửa chữa, nâng cao an toàn đập thuộc Dự án WB8 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với tổng mức đầu tư 304.650 triệu đồng.
Mặt khác, các địa phương và đơn vị quản lý hồ đập đã xây dựng phương án phòng chống lũ tại mỗi hồ, đập; đồng thời, đơn vị đã thành lập Ban chỉ huy phòng chống lụt bão, phân công cụ thể từng người, phụ trách từng đơn vị; thường xuyên phối hợp với các lực lượng công an, bộ đội, dân quân tự vệ đóng trên địa bàn diễn tập, ứng cứu hồ đập; chuẩn bị vật tư như cọc, phên tre, đá, rọ thép…
Tuy nhiên, do các hồ chứa trên địa bàn tỉnh đều được xây dựng từ trước năm 1970 nên nhiều công trình bị hư hỏng và xuống cấp. Nhằm khắc phục tình trạng này, tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo các địa phương xây dựng phương án bảo vệ đập, khắc phụ hư hỏng để phục vụ nước tưới và đảm bảo an toàn mùa mưa lũ. Đặc biệt, đối với các hồ chứa có nguy cơ mất an toàn Yên Bái đã chủ động cho tích nước hạn chế tránh sự cố khi lũ bão xảy ra.
Nguồn: baotintuc.vn