Ô nhiễm các con sông nội đô và các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm cải thiện môi trường

2021.02.05 - 13027 lượt xem

Ngoài sông Hồng là sông lớn thứ 2 ở Việt Nam, chảy qua thành phố thủ đô, Hà Nội còn có hệ thống sông, trong đó phải kể đến 6 con sông chảy qua trong nội đô là các sông Nhuệ, Đáy, Tô Lịch, Kim Ngưu, Sét và sông Lừ. Hiện nay gần như toàn bộ hệ thống sông nội đô Hà Nội đã bị ô nhiễm trầm trọng, đã và đang biến thành những “dòng sông chết”. Các con sông nội đô được thiết kế thành những kênh tiêu nước thải không qua xử lý gây nên ô nhiễm nước và ô nhiễm cả môi trường không khí ngày càng trầm trọng. Theo đánh giá của Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội, lượng nước thải sinh hoạt khoảng 350.000 - 400.000m3 mỗi ngày và hơn 1.000 m3 rác thải mỗi ngày được thải ra ở khu vực Hà Nội, trong đó chỉ có 10% được xử lý, số còn lại đều không qua xử lý mà đổ thẳng vào các ao hồ, sông ngòi. Hiện chỉ có 5/31 bệnh viện có hệ thống xử lý nước thải; 36/400 cơ sở sản xuất có hệ thống xử lý nước thải.

Hiện trạng ô nhiễm

Từ nhiều năm trước Hà Nội đã đưa ra và thực hiện một số giải pháp để giảm ô nhiễm và làm sạch hệ thống sông, hồ nội đô. Nhiều trạm xử lý nước thải đã được xây dựng (từ năm 2013 thành phố Hà Nội đã đưa nhà máy xử lý nước thải Yên Sở quận Hoàng Mai có công suất 200.000m3/ngày đêm, với nhiệm vụ thu gom, xử lý nước thải của sông Sét và Kim Ngưu, 10/2016 Thành phố khởi công nhà máy xử lý nước thải Yên Xá huyện Thanh Trì với công suất 270.000m3/ngày đêm, nhà máy dự kiến hoàn thành vào năm 2019, sẽ xử lý nước thải sinh hoạt ở các quận Ba Đình, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông, Cầu Giấy và huyện Thanh Trì. Ngoài ra, nhiều dự án với kinh phí hàng nghìn tỷ đồng cũng được thành phố Hà Nội đặt ra nhằm thu gom và xử lý nước thải như hệ thống thu gom và xử lý nước thải đô thị khu vực quận Hà Đông và Sơn Tây, dự kiến công suất 45.000m3/ngày đêm và 20.000m3/ngày đêm; hệ thống thu gom và Nhà máy xử lý nước thải Phú Đô với công suất 84.000m3/ngày đêm. Đến nay, trên địa bàn Thành phố đã có 6 trạm, nhà máy xử lý nước thải được đưa vào hoạt động. Một số dự án khác đã và đang khẩn trương triển khai thực hiện. Tuy nhiên những giải pháp nhằm làm giảm ô nhiễm, phục hồi các sông nội đô, kể cả sông lớn như Nhuệ, Đáy cũng như các sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ và Sét vẫn chưa được cải thiện nhiều. Có nhiều nguyên nhân cho sự thất bại, trong đó có nguyên nhân chưa có những giải pháp đủ thuyết phục và khả thi.

Các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm, cải thiện môi trường

Những việc đã và đang thực hiện        

+ Hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn Thủ đô;

+ Nâng cao chất lượng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; Đề án bảo vệ môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường;

+ Tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường;

+ Thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải;

+ Tăng cường kiểm soát ô nhiễm và đầu tư xây dựng các trạm xử lý nước thải công nghiệp tập trung;

+ Quy hoạch xử lý nước thải sinh hoạt và triển khai đầu tư các trạm xử lý nước thải tập trung của Thành phố

Thực hiện Quyết định số 725/QĐ-TTg ngày 10/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hà Nội đã phát triển hệ thống thu gom và xử lý nước thải đô thị giai đoạn đến năm 2020, trong đó trọng tâm vào việc đầu tư các hệ thống thu gom và xử lý nước thải đô thị, tiêu thoát nước, bao gồm 17 dự án về thu gom và xử lý nước thải với  tổng công suất dự kiến đến năm 2020 là 780.000 m3/ngày đêm và tổng công suất dự kiến đến năm 2030 là 1.040.000m3/ngày đêm.

+ Tích cực triển khai các dự án đầu tư xử lý nước thải;  Triển khai thực hiện các chương trình, nhiệm vụ thuộc nội dung Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy

+ Truyền thông, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường

+ Hợp tác quốc tế: Điển hình như dự án thí điểm về phân loại rác thải tại nguồn tại 4 phường được tổ chức JICA tài trợ; dự án xử lý nước thải làng nghề Thanh Thùy, Thanh Oai theo khuôn khổ dự án VPEG.

+ Xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường nước mặt

Những hạn chế

+ Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật còn chồng chéo và nhiều bất cập; Thiếu các cơ chế, chính sách về môi trường đặc thù từ cấp trung ương đến địa phương

Kể từ khi ban hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, việc chậm ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật cũng gây khó khăn trong công tác triển khai thi hành Luật trên địa bàn thủ đô, cụ thể như: Về cơ bản hệ thống văn bản đã đáp ứng được công tác quản lý môi trường đối với các dự án đầu tư mới, cũng như đối với các cơ sở đã đi vào hoạt động. Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn một số những khó khăn, vướng mắc và khó áp dụng do văn bản chậm được sửa đổi, bổ sung; chưa đáp ứng kịp thời với thực tế phát sinh việc gây ô nhiễm môi trường của các đối tượng bị điều chỉnh; Việc bất cập giữa Luật bảo vệ môi trường với Luật đầu tư công năm 2014 trong quá trình xin phê duyệt chủ trương đầu tư để làm cơ sở xác định thời điểm lập báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án đầu tư công theo quy định tại Khoản 1 Điều 19 Luật Bảo vệ Môi trường; cũng như chưa làm rõ được trách nhiệm thực hiện các cam kết đã nêu trong Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường khi triển khai dự án khi xảy ra trường hợp đơn vị được giao lập đề xuất Dự án đầu tư không phải là đơn vị được giao làm chủ đầu tư trong giai đoạn triển khai Dự án; Hiện nay Luật Thủ đô và Luật Bảo vệ môi trường nói chung cũng chưa quy định cụ thể việc thực hiện cưỡng chế thi hành trong lĩnh vực môi trường dẫn đến quyết định xử phạt không đảm bảo tính nghiêm minh; Nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư cho hoạt động bảo vệ môi trường, nhất là cơ chế, chính sách hỗ trợ để di chuyển các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng và không phù hợp quy hoạch ra khỏi khu vực nội thành còn thiếu và chậm ban hành.

+ Công tác bảo vệ môi trường tại nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp còn vướng mắc, khó khăn.

+ Việc triển khai các dự án đầu tư cho xử lý ô nhiễm môi trường còn chậm triển khai, thu hút các dự án ngoài ngân sách cho đầu tư xử  lý môi trường còn ít

+ Mạng lưới quan trắc môi trường còn nhiều bất cập; Việc nâng cao trình độ cho kỹ thuật viên xử lý số liệu quan trắc tự động chưa được chú ý đúng mức.

+ Hạn chế về nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về môi trường, tài nguyên thiên nhiên; Tình trạng đổ rác thải phế thải không đúng nơi quy định làm ảnh hưởng tới nguồn nước mặt vẫn còn, nhất là phế liệu xây dựng

+ Nhiều cơ sở công nghiệp, sản xuất kinh doanh, dịch vụ chưa có ý thức chấp hành Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên nước, không đầu tư xây dựng các công trình xử lý ô nhiễm mặc dù đã được các cơ quan chuyên môn hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra xử lý vi phạm.

+ Kinh phí chi thường xuyên từ nguồn sự nghiệp hằng năm của thành phố tuy đạt tỷ lệ gần 4%/năm, song chủ yếu dành cho các hoạt động duy trì vệ sinh môi trường, duy tu hạ tầng đô thị. Việc hướng dẫn sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường vẫn chưa cụ thể dẫn đến việc sử dụng kinh phí tại một số quận, huyện chưa đúng mục đích theo yêu cầu.

+ Bộ máy quản lý Nhà nước về môi trường nói chung, cán bộ quản lý môi trường từ Thành phố đến quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn còn thiếu, thậm chí kiêm nhiệm, chưa đáp ứng được yêu cầu của quá trình phân cấp quản lý. Nhiều khu, cụm công nghiệp, Ban quản lý hoặc đơn vị quản lý hạ tầng, các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh chưa thực sự quan tâm đầu tư cho công tác quản lý môi trường.

Dự báo những thách thức và các áp lực chính đối với môi trường nước các sông nội đô thành phố Hà Nội trong thời gian tới:

+ Việc các khu công nghiệp đi vào hoạt động sẽ làm sinh ra nhiều loại chất thải khác nhau, các nguồn nước thải này chưa được xử lý triệt để trước khi xả thải vào môi trường; Đô thị hoá phát triển nhanh liên quan đến rất nhiều vấn đề như xây dựng cơ sở hạ tầng, sửa chữa, mở rộng đường xá, xây dựng các hệ thống cấp, thoát nước… Sự phát triển nhanh về quy mô và tính chất sản xuất của các làng nghề trong thành phố sẽ tạo ra một lượng nước thải lớn trong thời gian tới mà với cơ sở hạ tầng, trình độ công nghệ như hiện nay thì việc thực hiện xử lý các nguồn thải này là điều chưa thể thực hiện ngay trong một khoảng thời gian ngắn; Sự lạm dụng quá mức các loại phân bón, hoá chất trong sản xuất nông nghiệp; Sự phát triển nhanh của các khu du lịch …sẽ trở thành áp lực vô cùng lớn đối với môi trường nước của nhiều khu vực trên địa bàn Thành phố;

+ Kết cấu hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường còn chưa phát triển đồng bộ, nguồn lực bảo vệ môi trường của Nhà nước và các doanh nghiệp đều hạn chế;

+ Thách thức trong việc lựa chọn giữa lợi ích trước mắt (phát triển kinh tế, xã hội) và lợi ích lâu dài (phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường) cũng là vấn đề cần đặc biệt quan tâm trong việc đề xuất các chính sách phát triển của Thành phố và tập trung các nguồn lực cho phát triển của thủ đô để có hướng đi đúng đắn cho sự phát triển bền vững.

Một số kiến nghị với UBND Thành phố như sau:

+ Tăng cường hoàn thiện hệ thống tổ chức quản lý môi trường của Thành phố, đặc biệt chú ý đến việc phân cấp và phân công trách nhiệm rõ ràng, cụ thể giữa các ngành; nâng cao năng lực bộ máy quản lý môi trường các cấp, các ngành.

+ Đối với công tác quản lý môi trường tại các khu, cụm công nghiệp: Xem xét lại tình trạng chủ đầu tư hạ tầng KCN tách rời với chủ đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung của KCN theo Quy chế bảo vệ môi trường khu kinh tế, khu công nghệ cao, KCN và cụm công nghiệp. Chỉ cho phép xây dựng hoặc cho phép khởi công công trình xây dựng nhà máy đối với các dự án trong KCN khi đã có báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc xác nhận; nâng cao chất lượng công tác lập, thẩm định và phê duyệt báo cáo ĐTM, xác nhận  Kế hoạch BVMT; kiểm tra, giám sát việc vận hành các công trình xử lý nước thải trong giai đoạn thử nghiệm và thực hiện đúng quy hoạch phân khu chức năng KCN đảm bảo giảm thiểu những tác động xấu tới môi trường xung quanh.

+ Tăng cường nguồn lực cho công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các chủ nguồn thải;

+ Đối với công tác quản lý tài nguyên nước: Nghiên cứu đề xuất việc phân vùng chức năng của nguồn nước làm cơ sở quan trọng để xác định các nội dung chính của quy hoạch tài nguyên ước, thực hiện các hoạt động cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước nhằm quản lý, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên hiệu quả trong tình hình hiện nay và những năm tiếp theo.

+ Hoàn thiện cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước hiện có để tổ chức quản lý dữ liệu về tài nguyên nước mặt một cách toàn diện, bao gồm tất cả các thông tin liên quan đến mức độ ô nhiễm, tính chất nguồn nước (ở cả ba phương diện: lý - hóa - sinh), đa dạng sinh học, chức năng của nguồn nước.

Nguồn: Phòng Thí nghiệm và Tư vấn quản lý chất lượng nước, môi trường – Viện Quy hoạch Thủy lợi