Tình hình ngập lụt trên vùng sông Bùi và các giải pháp

2018.08.02 - 2565 lượt xem

Bắt nguồn từ huyện Lương Sơn tỉnh Hòa Bình, có chiều dài khoảng 40km, đoạn thượng lưu dài 20km chảy theo hướng Tây - Đông đến Tân Trượng thì nhập với sông Tích, tiếp tục chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam và nhập vào sông Đáy tại Ba Thá. Sông Bùi đoạn qua địa phận Hà Nội chảy qua huyện Chương Mỹ, chia huyện Chương Mỹ thành 2 vùng là vùng Tả Bùi với diện tích vùng bảo vệ khoảng 28.000ha, số dân được bảo vệ 596.000 người; vùng Hữu Bùi có diện tích 6.500ha, số dân được bảo vệ 75.000 người. Tuyến đê Tả Bùi, có chiều dài 14,7km thuộc huyện Chương Mỹ, cao độ đê 7,7m ÷ 8,0m, mặt đê rộng 4-5m. Theo quy hoạch phòng chống lũ và đê điều sông Đáy, mực nước thiết kế trên sông Bùi tại Tân Trượng là 9.33m; tại Ba Thá là 8,22m. Như vậy, so với quy hoạch, cao trình đê Tả Bùi còn thiếu từ 0,5 – 1,5m. Tuyến đê chính Hữu Bùi, có chiều dài 16,5km, cao độ đê hữu Bùi từ 7-7,5m, mặt đê rộng 3-4m. Ngoài ra, hiện tại chưa có giải pháp để ngăn lũ rừng ngang từ sườn núi phía Tây đổ về nên tuyến đê Hữu Bùi chưa được liền tuyền mà được ngăn cách từng đoạn bởi các tuyến đê bao. So với quy hoạch, cao trình đê Hữu Bùi và các tuyến đê bao còn thiếu từ 1,5 – 2,5m.   

Tình hình mưa lũ trong tháng 7/2018 trên lưu vực sông Bùi

Theo số liệu quan trắc mưa từ trung tâm dự báo KTTVTW tổng lượng mưa trong tháng 7 trên trạm Lâm Sơn thuộc lưu vực sông Bùi là 1.075mm, tập trung vào 2 đợt, đợt 1 từ ngày 14-22/7 có lượng mưa 597mm; đợt 2 từ ngày 27-31/7 có lượng mưa 283mm. Theo tính toán thì lượng mưa tháng 7 tương ứng với tần suất 0,5%; vượt trung bình nhiều năm 2,6 lần.

Với lượng mưa quá lớn, độ dốc của lưu vực sông Bùi cũng lớn, nước tập trung nhanh về vùng hạ du, làm cho mực nước trên sông Bùi tại Yên Duyệt trong đợt mưa lớn từ ngày 14-22/7 lên mức 7,36m, làm cho một số đoạn đê Hữu Bùi bị tràn, gây các xã Hoàng Văn Thụ, Nam Phương Tiến, Tân Tiến đã bị tràn, gây ngập úng cho khoảng 2.200ha, bao gồm cả khu vực dân cư và khu vực canh tác. Từ ngày 24/7 đến ngày 29/7 nước trên sông Bùi rút rất chậm, chỉ vào khoảng 5cm/ngày, đến ngày 28-29/7 lại xảy ra mưa lớn với tổng lượng mưa 203mm, làm cho mực nước sông Bùi tiếp tục dâng cao đạt đỉnh 7,52m tại Yên Duyệt vào ngày 30/7. Với mực nước trên thì khoảng 2km phía thượng lưu của đê Tả Bùi đã bị tràn, thành phố Hà Nội phải dùng bao cát để bảo vệ. Nhiều đoạn đê Tả Bùi đã ở mức báo động. Đê hữu Bùi tiếp tục bị tràn trên 7km và các khu vực đã ngập 10 ngày nay lại tiếp tục bị ngập sâu hơn.

Giải pháp phòng chống lũ đối với sông Bùi

a) Giải pháp trước mắt

            - Hiện tại đê Tả Bùi cơ bản vẫn được bảo vệ, tiếp tục theo dõi thường xuyên, khi lũ lên huy động lực lượng để chống tràn cho đê Tả Bùi, bảo vệ vùng Tả Chương Mỹ là khu vực đông dân cư, diện tích lớn.

            - Hạn chế bơm tiêu ra sông Tích, sông Bùi, sông Đáy để lũ trên sông Bùi rút nhanh, giảm thời gian ngập lụt cho vùng hữu Bùi.

            - Các khu vực ngập lụt ở vùng Hữu Bùi tăng cường các giải pháp hỗ trợ nhân dân vùng ngập đê giảm bệnh tật, thiệt hại. Khi lũ trên sông Bùi rút xuống có thể dùng trạm bơm dã chiến để bơm nước cho các khu vực dân cư thấp trũng.

b) Giải pháp lâu dài

Với các số liệu nêu trên có thể khẳng định hiện tại cao trình, mặt cắt cả 2 tuyến đê Tả Bùi, Hữu Bùi đều chưa đảm bảo chống lũ thiết kế, giải pháp lâu dài để chống lũ sông Bùi bao gồm:

  • Cải tạo hai hồ chứa Đồng Sương, Văn Sơn để cắt một phần lũ rừng ngang.
  • Cải tạo sông Bến Gò sau tràn hồ Đồng Sương, kênh xả lũ hồ Văn Sơn để chuyển phần nước lũ còn lại của 2 hồ Đồng Sương và Văn Sơn ra sông Bùi.
  • Mở rộng lòng dẫn sông Bùi với B = 60 m, cao trình đáy tại Tân Trượng là -0,5 m, tại Ba Thá là -2,5 m.
  • Nâng cấp đê tả Bùi, hữu Bùi đảm bảo chống lũ với tần suất P=2% và kết hợp làm đường giao thông.
  •  Bờ bao hữu Bùi: Khép kín các đoạn bờ bao với đê Hữu Bùi để bảo vệ dân cư, kết hợp giao thông.
  • Lũ trên sông Bùi có cường độ lớn, khả năng chuyển tải lũ của sông Bùi kém do lòng sông nhỏ, ngoài giải pháp lên đê vẫn cần xây dựng các khu vực chứa lũ vùng hữu Bùi để dự phòng trong trường hợp đê Tả Bùi, Hữu Bùi có nguy cơ tràn, chuyển lũ từ sông Bùi vào khu chứa lũ.

Nguồn: Viện Quy hoạch Thủy lợi