2017.01.10 - 2371 lượt xem
Ngày 26/8, tại Hà Nội, Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội thảo khoa học “Thủy lợi Việt Nam trước thách thức của biến đổi khí hậu và yêu cầu tái cơ cấu nông nghiệp”. Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, để đáp ứng yêu cầu phát triển trong bối cảnh hiện nay, ngành thủy lợi phải nỗ lực nâng cao tính chủ động sáng tạo, đổi mới tư duy trong công tác quản lý.
Trong những năm qua, hàng nghìn công trình thủy lợi được xây dựng. Trong đó, gần 6 nghìn 700 hồ chứa nước, 10 nghìn trạm bơm điện lớn và hàng trăm nghìn km kênh mương, đê kè các loại. Các hệ thống thủy lợi đảm bảo tưới 7 triệu 500 nghìn ha đất gieo trồng lúa, 1 triệu 700 nghìn ha rau màu, cây công nghiệp, cung ứng 6 tỷ mét khối nước phục vụ sinh hoạt và công nghiệp…
Các hệ thống thủy lợi trước đây chủ yếu tập trung cung cấp nước cho cây lúa, phần lớn các cây trồng cạn chưa được tưới hoặc tưới bằng các biện pháp lạc hậu và lãng phí nước. Việc xây dựng một số cơ sở hạ tầng đô thị, công nghiệp, giao thông đã làm cản trở việc thoát lũ, gây thêm áp lực cho các hệ thống công trình thủy lợi.
Theo ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, quản lý tài nguyên nước đang bị chồng chéo và trùng lặp. Ít nhất có 3 Bộ quản lý gồm: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Công Thương, nhất là trong lĩnh vực quản lý theo lưu vực sông. Trên thực tế, đây là vướng mắc phải tháo gỡ, cần làm rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước trong quy hoạch và quản lý tài nguyên nước, đặc biệt chỉ cần thống nhất 1 quy hoạch để phát triển bền vững.
Đồng tình với quan điểm này, ông Chu Phương Chí, Hội Thủy lợi, nêu ý kiến, t hực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, công tác thủy lợi không chỉ phục vụ cây lúa mà còn phải hướng đến phục vụ cây công nghiệp và những loại rau màu có giá trị kinh tế cao, theo hướng sản xuất hàng hóa. Bên cạnh đó, ngoài việc đáp ứng nguồn nước sản xuất còn phải đảm bảo chất lượng cho sinh hoạt của người dân.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng nhấn mạnh, năm 2015 và những tháng đầu năm nay, tác động tiêu cực của hạn hán, mặn xâm nhập ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Nam bộ và Tây Nguyên, cũng như mưa lũ ở các tỉnh phía Bắc.
Biến đổi khí hậu là tác nhân chính ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân. Ngành thủy lợi phải đáp ứng sát hơn những yêu cầu về thích ứng và giảm nhẹ tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, cũng như phục vụ quá trình tái cơ cấu nông nghiệp. Trong đó, thực hiện đồng bộ các giải pháp về thể chế quản lý kinh tế, xây dựng nguồn nhân lực, đẩy mạnh xã hội hóa trong đầu tư và ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác dự báo…
Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng phân tích, ngành Thủy lợi đang hoạt động theo cơ chế hành chính bao cấp, để đáp ứng mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu và tái cơ cấu ngành phải chuyển sang hoạt động theo cơ chế thị trường. Trong đó cốt lõi phải huy động được sự tham gia của người dân và doanh nghiệp, biến nước trở thành hàng hóa gắn với an sinh xã hội và an ninh lương thực. Mục tiêu đặt ra là phải huy động được nguồn lực, sự tham gia của các thành phần kinh tế xã hội tạo tiền đề cho phát triển bền vững. Qua những cơ chế này sẽ giúp cho người nghèo, khu vực chịu ảnh hưởng hạn hán do thiên tai sẽ có cơ hội tiếp cận được nguồn nước và ứng phó thiên tai./.
Nguồn http://www.omard.gov.vn