Đánh giá tác động hệ thống thủy lợi Cái Lớn, Cái Bé đối với sản xuất

2023.02.16 - 921 lượt xem

Khắc phục những khó khăn, bất cập khi vận hành hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé, phát huy hiệu quả tích cực, nâng cao thu nhập cho người dân vùng hưởng lợi.

Mang lại hiệu quả tích cực

Chiều ngày 14/2, tại TP Rạch Giá, UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức buổi làm việc với các Sở, ngành, các địa phương trong vùng hưởng lợi của dự án, Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Miền Nam (đơn vị quản lý, vận hành) về đánh giá tác động của hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé và kế hoạch điều chỉnh sản xuất nông nghiệp cho phù hợp. Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành chủ trì buổi làm việc.

Dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé gồm các công trình chính: cống Cái Lớn, cống Cái Bé và đê nối với Quốc lộ 61, 8 cống hở dọc tuyến đê biển An Biên – An Minh, hệ thống quan trắc, giám sát tự động. Ngoài ra, còn có hợp phần mô hình sinh kế và các hoạt động phi công trình trên địa bàn tỉnh Kiên Giang và Hậu Giang.

Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé đi vào vận hành đã phát huy hiệu quả, kiểm soát tốt nguồn nước phục vụ sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân trong vùng hưởng lợi. Ảnh: Trung Chánh.

Hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé có 4 nhiệm vụ: 1- Kiểm soát nguồn nước, tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững đối với các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái ngọt, mặn - lợ, ngọt - lợ luân phiên cho vùng hưởng lợi 384.120ha. Trong đó, đất sản xuất nông nghiệp, thủy sản là 346.241ha. 2- Kết hợp với tuyến đê biển Tây, tạo thành cụm công trình chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phòng chống thiên tai, giảm thiệt hại do hạn, mặn xâm nhập. 3- Góp phần cấp nước ngọt trong mùa mưa trong những năm ít mưa… 4- Kết hợp phát triển hạ tầng giao thông bộ, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trong khu vực.

Cống Cái Bé vận hành kiểm soát từ đầu tháng 2/2021, cống Cái Lớn và Xẻo Rô vận hành từ tháng 8/2021. Việc vận hành cống Cái Lớn, Cái Bé kết hợp với các cống ven biển An Biên, An Minh và các cống ven sông Cái Lớn, Cái Bé để điểu tiết nguồn nước đã cơ bản đáp ứng được mục tiêu, nhiệm vụ của dự án, phục vụ tốt cho các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái ngọt, ngọt – lợ luân phiên, mặn – lợ.

Tuy nhiên, trên tuyến đê biển An Biên – An Minh và dọc theo sông Cái Lớn, Cái Bé (từ cống ra đến cửa biển) nằm trong vùng dự án có tổng cộng 43 cửa sông, kênh, rạch thông ra biển, đến nay vẫn còn 14 cửa thông ra biển chưa có công trình kiểm soát mặn nên công tác vận hành, điều tiết nguồn nước theo quy trình vận hành còn gặp nhiều khó khăn, chưa đồng bộ.

Dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé có tác động trên địa bàn 7 huyện của tỉnh Kiên Giang, với diện tích sản xuất lúa đạt 311.436ha, sản lượng thu hoạch hơn 1,9 triệu tấn năm 2022. Ảnh: Trung Chánh.

Theo ông Toàn, hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé bước đầu đã phát huy hiệu quả đầu tư xây dựng công trình. Thời vụ sản xuất của các địa phương trong vùng dự án từ khi vận hành hệ thống cống đến nay vẫn ổn định, chưa thay đổi nhiều so với trước. Chưa ghi nhận có sự thay đổi đáng kể về cơ cấu cây trồng vật nuôi trong khu vực dự án. Qua theo dõi, chất lượng nguồn nước trong vùng dự án cơ bản không thay đổi nhiều trong các năm qua. Trong đó, chỉ tiêu về độ mặn đã được kiểm soát hiệu quả theo từng thời điểm để phục vụ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.

Trong năm 2022, tổng diện tích trồng lúa của 7 huyện (An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận, U Minh Thượng, Châu Thành Giồng Riềng và Gò Quao) thuộc tỉnh Kiên Giang nằm trong vùng dự án là 311.436ha, sản lượng thu hoạch hơn 1,9 triệu tấn. Tổng lượt diện tích nuôi trồng thủy sản là 265.309ha, sản lượng thu hoạch 223.417 tấn, riêng nuôi tôm là 125712ha, sản lượng thu hoạch 67.050 tấn.

Cần có quy chế phối hợp vận hành

Ông Nguyễn Việt Anh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Miền Nam cho biết, hiện chi nhánh ĐBSCL đang được giao quản lý, vận hành 5 công trình thủy lợi lớn, gồm: Cái Lớn, Cái Bé, Xẻo Rô (Kiên Giang), cống Vũng Liêm (Vĩnh Long) và cống âu thuyền Ninh Quới (Bạc Liêu). Đối với các công trình tại Kiên Giang, khi vận hành có một số bất cập phát sinh, do hạ lưu cống Cái Lớn, Cái Bé các công trình hạ tầng chưa đảm bảo nên dễ bị ngập lụt. Vùng ven biển Tây chưa được đầu tư đủ các công trình đồng bộ, khép kín nên chưa hoàn toàn chủ động kiểm soát được nguồn nước.

Các đơn vị đề xuất cần sớm có quy chế phối hợp trong vận hành hệ thống cống Cái Lớn, Cái Bé giữa đơn vị vận hành và các tỉnh trong vùng dự án. Ảnh: Trung Chánh.

Ông Việt Anh đề xuất cần có quy chế phối hợp trong vận hành hệ thống cống Cái Lớn, Cái Bé giữa đơn vị và các tỉnh trong vùng dự án. Kiến nghị cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình trên tuyến đê biển do địa phương quản lý và công trình nội đồng để đồng bộ, khép kín để phát huy hết hiệu quả hệ thống thủy lợi Cái Lớn, Cái Bé. Các địa phương trong vùng dự án cần tuân thủ khung lịch thời vụ được ngành nông nghiệp địa khuyến cáo.

TS Nguyễn Phú Quỳnh, Phó Viện trưởng Viện Thủy lợi Miền Nam cho biết, qua nghiên cứu ngập úng khu vực hạ lưu các cống chủ yếu là do diễn biến bất thường của thời tiết gây ra chứ không phải vận hành cống. Theo dự báo nguồn nước thượng nguồn về ĐBSCL trong mùa kiệt năm 2022-2023 nhiều hơn các năm gần đây. Tuy nhiên, dòng chảy bình quân cao hơn này mang lại hiệu quả không đáng kể so với những ảnh hưởng do vận hành bất thường của thủy điện có thể gây ra.

Dự báo xâm nhập mặn mùa khô 2022-2023 sẽ đến sớm và có thể có diễn biến bất thường do vận hành thủy điện làm ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân vùng ven biển vùng ĐBSCL.Tuy nhiên, ở mức ít nghiêm trọng hơn so với ở năm hạn lịch sử 2019-2020.

Dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé có tác động trên địa bàn 7 huyện của tỉnh Kiên Giang, diện tích lượt nuôi trồng thủy sản là 265.309ha, sản lượng thu hoạch 223.417 tấn, riêng nuôi tôm là 125712ha, sản lượng thu hoạch 67.050 tấn. Ảnh: Trung Chánh.

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành đánh giá, Dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé có quy mô rất lớn, có tác động liên tỉnh với vùng sản xuất lúa gạo, thủy sản và cây ăn trái. Qua thực tế vận hành, đã mang lại hiệu quả rất lớn, bảo vệ sản xuất hiệu quả, giảm chi phí so với trước đây do không phải đắp đập tạm. Tuy nhiên, do vận hành đáp ứng đa mục tiêu ngọt, mặn, lợ nên cũng gặp những khó khăn nhất định. Phát sinh việc ngập cục bộ vùng hạ lưu do hạ tầng chưa đáp ứng được, hệ thống cống trong vùn hưởng lợi chưa được đầu tư đầy đủ, đồng bộ, khép kín.

Để phát huy hiệu quả công trình, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang giao Sở Kế hoạch - Đầu tư cần đối, chủ động nguồn lực địa phương, đầu tư các công trình đảm bảo khép kín để đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất. Riêng đối với một số công trình đã đầu tư xong nhưng không có điện vận hành cần phải sớm khắc phục, kéo điện lưới quốc gia để vận hành.

Đơn vị khai thác cần sớm có quy chế phối hợp vận hành, thông báo lịch vận hành để các địa phương trong vùng nắm và chủ động phương án sản xuất. Ngành nông nghiệp và các địa phương tiếp tục theo dõi, thực hiện các hợp phần sinh kế, mang lại hiệu quả trong sản xuất đối với vùng hưởng lợi của dự án.

Ông Lê Hữu Toàn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang đánh giá, từ mùa khô năm 2021 đến nay, khu vực thượng lưu sông Cái Lớn, Cái Bé, gồm huyện Châu Thành, Giồng Riềng, Gò Quao không phải đắp đập tạm (136 đập) để kiểm soát mặn, tiết kiệm hàng chục tỷ đồng, vừa giảm ô nhiễm môi trường, vừa không ảnh hưởng đến giao thông đường thủy do việc đắp đập tạm gây ra. Từ khi cống Cái Lớn, Cái Bé đưa vào vận hành, khai thác cho đến nay, vùng sản lúa tại khu vực này chưa ghi nhận thiệt hại do xâm nhập mặn.

Nguồn: nongnghiep.vn