Thừa Thiên Huế - Hiệu quả từ các công trình thủy lợi

2023.04.06 - 934 lượt xem

Hệ thống trạm bơm điện hoàn thiện, hồ chứa nước xây dựng kiên cố, hay những công trình trên cầu dưới đập đã cơ bản giải quyết tình trạng xâm nhập mặn, đảm bảo phục vụ tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh.

Đợt mưa lớn kéo dài đầu vụ lúa đông xuân này làm hàng ngàn ha lúa bị ngập nặng. Lúa ngập đúng vào thời điểm đang đẻ nhánh, gặp mưa ngập kéo dài dễ dẫn đến bị rạ bẹ cây, có nguy cơ chết, hoặc ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng sản phẩm...

Để bảo vệ an toàn cây lúa xanh tươi, sinh trưởng tốt cho đến nay phải kể đến hệ thống trạm bơm điện, kênh mương tiêu thoát nước trên địa bàn tỉnh. Công ty TNHH NN MTV Quản lý - Khai thác công trình thủy lợi tỉnh huy động lực lượng, vận hành tất cả các trạm bơm điện hết công suất, cả ngày lẫn đêm đấu úng cho lúa. Sự nỗ lực đó được đền đáp khi toàn bộ diện tích lúa bị ngập được đấu úng kịp thời, không có diện tích lớn nào bị chết, gây thiệt hại.

Giám đốc Công ty TNHH NN MTV Quản lý - Khai thác công trình thủy lợi tỉnh, ông Dương Đức Hoài Khánh chia sẻ, một thời, đập Thảo Long chỉ là con đập ngăn mặn, giữ ngọt (NMGN) tạm bợ, các cánh cửa ngăn nước được làm bằng gỗ, hoặc bê tông. Mưa lũ hằng năm khiến đập ngày càng xuống cấp, không đảm bảo tác dụng NMGN cho sông Hương phục vụ nguồn nước dân sinh và sản xuất nông nghiệp. Cứ vào vụ lúa hè thu, gần như hầu hết các xứ đồng phía hạ lưu sông Hương đều nhiễm mặn. Có thời điểm, nước mặn tràn lên phía giữa dòng sông Hương ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của người dân.

Khi chưa có cầu Thảo Long, người dân đi làm, học sinh đi học đều bằng xuồng vượt sông, vượt phá thiếu toàn, tốn nhiều thời gian. Cách đây chừng mười lăm năm, cầu - đập Thảo Long được xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng như một kỳ tích đối với Nhân dân tỉnh nhà. Hệ thống cầu, đập được xây dựng kiên cố, vững chắc. Phía dưới đập là hệ thống cửa van tự động được vận hành bằng công nghệ hiện đại. Trên đập là cầu giao thông, thuận tiện cho việc giao thương, đi lại, rút ngắn khoảng cách giữa các vùng.

Từ ngày có đập Thảo Long, hệ thống ruộng lúa ở các địa phương ven sông, đầm phá Tam Giang, phía hạ lưu sông Hương không còn xảy ra tình trạng nhiễm mặn trong mùa khô hạn. Độ mặn trên vùng đầm phá được bão hòa, ổn định, dao động mức an toàn cho nuôi trồng thủy sản nước lợ. Các vùng nuôi thủy sản nước ngọt chừng mười lăm năm nay không bị nhiễm mặn gây ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm.

Đập Thảo Long cũng là nơi cuối cùng thoát lũ từ các con sông đổ ra cửa biển Thuận An. Hệ thống cửa van được mở rộng với công nghệ hiện đại, đội ngũ kỹ sư, công nhân có tay nghề đáp ứng yêu cầu vận hành đóng, mở cửa van phục vụ NMGN và tiêu thoát lũ kịp thời. Từ nhiều mùa lũ qua, công trình đập Thảo Long luôn vận hành đảm bảo an toàn, không để xảy ra bất kỳ sự cố nào đã góp phần rất lớn cùng với các công trình hồ, đập đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản Nhân dân trong mùa mưa lũ.

Đập NMGN Cửa Lác được ví như một trong những công trình huyền thoại, hình thành từ trước ngày đất nước giải phóng. Đập NMGN Cửa Lác từ những ngày đầu chỉ là con đập bằng bùn đất, gia cố bằng cọc tre để phục vụ sản xuất lúa một vụ, nuôi trồng thủy sản. Từ năm 2000, đập NMGN này được tỉnh đầu tư, triển khai xây dựng bằng bê tông, cốt thép vững chắc, kiên cố, đưa vào sử dụng sau đó một năm.

Trên hệ thống đập được xây dựng một số cầu, đường bê tông phục vụ kết nối giao thương, đi lại giữa các địa phương vùng Ngũ Điền (Phong Điền) với các địa phương ven phá Quảng Điền và các vùng lân cận. Phía dưới đập có hơn 70 cửa cống khá hiện đại, có vai trò NMGN cho hệ thống thượng lưu Cửa Lác đến Lai Hà, xã Quảng Thái. Cửa Lác còn có nhiệm vụ bảo vệ mùa màng, cấp nước tưới cho hơn 5.100ha lúa/vụ vùng Ngũ Điền và các xã Phong Hòa, Phong Bình, Phong Chương (Phong Điền), Quảng Thái, Quảng Lợi (Quảng Điền).

Ông Văn Trí, Trạm trưởng Trạm NMGN Cửa Lác khẳng định, từ khi Cửa Lác được nâng cấp, xây dựng với kết cấu, công nghệ cửa cống hiện đại không chỉ giúp dân sản xuất được hai vụ lúa/năm, mà còn đảm bảo nguồn nước trong lành phục vụ nuôi trồng thủy sản khi ngăn chặn triệt để xâm nhập mặn do triều cường. Phong trào nuôi cá lồng trên sông Ô Lâu cũng từ đó phát triển mạnh, mang lại nguồn thu nhập khá, góp phần xóa đói giảm nghèo cho nhiều hộ dân. Với nhiệm vụ ngăn chặn xâm nhập mặn, con đập này còn góp phần quan trọng cho sự đa dạng sinh học, sự sinh tồn của các loài thủy sản nước ngọt khu vực vùng cửa sông Ô Lâu.

Cùng với hai con đập trọng yếu, phía thượng nguồn các con sông trên địa bàn tỉnh mọc lên hàng loạt công trình hồ chứa thủy lợi, thủy điện như hồ Truồi, hồ Thọ Sơn, hồ Hòa Mỹ, hồ Khe Ngang, hồ Tả Trạch, Thủy Yên, hồ thủy điện Bình Điền, thủy điện Hương Điền… có vai trò, nhiệm vụ vô cùng quan trọng trong cấp nước sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và sinh hoạt. Trong điều kiện thời tiết khô hạn kéo dài trong nhiều vụ lúa hè thu, nhưng các công trình vẫn đảm bảo vận hành, cấp nước phục vụ tưới, không để đồng ruộng thiếu nước.

 Trên địa bàn tỉnh có khoảng 112 hồ chứa lớn nhỏ, trong đó hồ chứa thủy lợi 73 hồ, hồ chứa thủy điện 5 hồ, hồ chứa nước tự nhiên 34 hồ. Hệ thống hồ chứa trên địa bàn tỉnh với dung tích chứa hơn 2 tỷ m3 nước góp phần cắt lũ tiểu mãn, giảm lũ chính vụ cho các địa phương hạ lưu các sông. Thực tế cho thấy, nhiều năm qua không còn xảy ra tình trạng lũ lên nhanh, bất ngờ mà nhờ việc tích nước, điều tiết xả lũ hợp lý của các công trình hồ chứa giúp người dân chủ động, có thời gian triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời, nhất là sơ tán người và tài sản đến nơi an toàn.

Nguồn: baothuathienhue.vn