Cần phân định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước đối với tài nguyên nước

2023.03.20 - 867 lượt xem

Theo dự kiến Chương trình Phiên họp thứ 21, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Quan tâm tới dự thảo luật, tại Hội thảo Góp ý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức mới đây, một số ý kiến đại biểu đề nghị: Cần quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước...

Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) dự kiến trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 21 gồm 87 điều và được bố cục thành 10 chương. So với Luật Tài nguyên nước năm 2012, dự thảo Luật không tăng về số chương (trong đó giữ nguyên 19 điều, sửa đổi, bổ sung 55 điều, bổ sung mới 13 điều) và bãi bỏ 05 điều.

Nhất trí với sự cần thiết kịp thời xây dựng và ban hành Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, Dự thảo Luật đã tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đơn vị, tổ chức góp ý và cơ bản bao trùm được các vấn đề quản lý nhà nước đối với Tài nguyên nước. Tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung đòi hỏi cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát nhằm hoàn thiện, trong đó cần làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước.

Góp ý tại hội thảo, GS. TS. Vũ Minh Cát, Trường Đại học Thủy lợi cho biết, tại điều 79, khoản 2, luật Tài nguên nước (sửa đổi) quy định: Bộ Tài nguyên Môi trường có trách nhiệm ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên nước; ban hành quy chuẩn kỹ thuật, định mức, đơn giá về quy hoạch, điều tra cơ bản, thăm dò, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước.

Trong khi tại điều 56, khoản 2, luật thủy lợi 2017 quy định trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về thủy lợi với đầy đủ các nội dung từ quy hoạch, điều tra cơ bản, thăm dò, khai thác, sử dụng, bảo vệ, phát triển thủy lợi và cấp phép sử dụng.

“Theo nội dung của điều 56 luật Thủy lợi thì việc quản lý nhà nước về thủy lợi cũng bao gồm những nhiệm vụ mà điều 79 của Luật Tài nguyên nước sửa đổi đã nêu và dường như phạm vi bao trùm cả luật Thủy lợi. Vấn đề này cần được làm rõ trong luật Tài nguyên nước sửa đổi để tránh chồng chéo trong công tác quản lý nguồn tài nguyên nước giữa 2 Bộ....”, GS. TS. Vũ Minh Cát kiến nghị.

GS. TS. Vũ Minh Cát nhấn mạnh, hiện nay cả nước có trên 900 hệ thống công trình thủy lợi với khoảng 70,000 công trình gồm 6750 hồ chứa nước, gần 20,000 trạm bơm, gần 300.000 km kênh mương và hàng chục ngàn km đê sông, đê biển. Việc quản lý nhà nước từ quy hoạch, điều tra cơ bản, thăm dò, khai thác, sử dụng, bảo vệ. phát triển thủy lợi chiếm một tỷ lệ rất lớn trong quản lý nguồn nước. Do vậy, nếu không làm rõ và phân định chức năng quản lý nhà nước của mỗi Bộ thì sẽ làm giảm hiệu quả hoạt động do sự chồng chéo về nhiệm vụ.

Cùng nội dung quản lý tài nguyên nước, Bộ Công Thương có trách nhiệm quản lý nhà nước các hồ chứa thủy điện; Bộ Xây dựng quản lý nước cho đô thị, Bộ Giao thông quản lý hoạt động của các phương tiện thủy trên sông, …Tât cả các nội dung này cần được xem xét một cách đầy đủ để tránh chồng chéo, làm giảm hiệu quả quản lý nước giữa các Bộ, Ngành.

Liên quan tới quản lý lưu vực sông, GS. TS. Vũ Minh Cát đề nghị, vấn đề thành lập các ban quan lý lưu vực sông là một trong các nhiệm vụ cấp thiết cần được xem xét đưa vào dự luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Việc quản lý theo lưu vực sông hay quản lý theo hệ thống công trình thủy lợi là phương thức quản lý theo hướng tiếp cận hiện đại của thế giới hiện nay nếu như không có sự thống nhất quản lý theo lưu vực sông, sẽ xảy ra mâu thuẫn trong việc khai thác, sử dụng nước giữa các tỉnh.

Quan tâm tới quy định này tại Dự thảo, bà Nguyễn Thị Việt Nga, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật – Bộ Tư pháp cho biết, qua rà soát, đối chiếu với các quy định của pháp luật hiện hành như Luật Thủy lợi năm 2017, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), Luật Đầu tư công năm 2019, một số nội dung tại dự thảo liên quan đến thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc phân phối tài nguyên nước và quản lý công trình thủy lợi cần được xem xét, cân nhắc thêm.

Theo bà Nguyễn Thị Việt Nga, dự thảo Luật Tài nguyên nước năm 2023 đã đưa ra phương án chỉnh sửa đối với điểm c khoản 2 Điều 56 như sau: “Chỉ đạo điều hòa, phân phối nước và tổ chức thực hiện xây dựng kế hoạch sử dụng nước trong hệ thống công trình thủy lợi phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp và các ngành kinh tế khác; phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương thực hiện việc điều tiết nước hồ chứa thủy điện phục vụ thủy lợi trong trường hợp hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn;”.  Với 02 điểm thay đổi nổi bật, một là bổ sung vai trò của Bộ Tài nguyên và Môi trường và hai là đưa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ra khỏi vị trí “chủ trì” trong hoạt động phối hợp nêu trên. Cách quy định như vậy phần nào đáp ứng được nhu cầu về nâng cao trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong lĩnh vực quản lý tài nguyên nước, đặc biệt là trong trường hợp cấp thiết như hạn hán, thiếu nước hay xâm nhập mặn tại các hồ chứa thủy điện.

Tuy nhiên, nếu trong quan hệ phối hợp giữa các cơ quan ngang cấp không có đơn vị chủ trì thì có thể gây ra khó khăn nhất định về mặt quy trình thực hiện, tổng hợp, báo cáo. Đồng thời, do đây là quy định liên quan trực tiếp đến lĩnh vực thủy lợi, việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phải thể hiện vai trò cơ quan chủ quản về chuyên môn là hết sức cần thiết, điều này cũng phù hợp với quy định các nguyên tắc chung về thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Luật Thủy lợi năm 2017. Do đó, bà Nguyễn Thị Việt Nga kiến nghị cần có sự cân nhắc nhiều hơn đối với sự điều chỉnh này tại điểm c khoản 2 Điều 56 của Luật Thủy lợi.

Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 (5/2023) và xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 6 (10/2023). Để đảm bảo chất lượng dự luật trước khi được thông qua, dự thảo luật tiếp tục được xin ý kiến, tham vấn chuyên gia, các đối tượng chịu sự tác động nhằm chỉnh lý, hoàn thiện đảm bảo phù hợp với thực tiễn, khắc phục những bất cập, hạn chế trong luật hiện hành./.

Nguồn: quochoi.vn