Kiên Giang: Đảm bảo ngăn mặn, giữ ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp trong mùa khô

2023.02.06 - 800 lượt xem

Tỉnh Kiên Giang triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đảm bảo ngăn mặn, giữ ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp trong mùa khô trên địa bàn an toàn, hiệu quả.    

Theo đó, các địa phương trong tỉnh tập trung rà soát, xác định các khu vực có nguy cơ thiếu nước, xâm nhập mặn để chủ động ứng phó. Mặt khác, nạo vét kênh, mương tăng khả năng trữ nước ngọt sử dụng trong mùa khô, gia cố đắp mới các đập ngăn mặn theo thời vụ, làm bờ bao bảo vệ lúa Đông Xuân 2022 - 2023 và phòng, chống hạn mặn cho sản xuất vụ lúa Hè Thu 2023.

Tỉnh chỉ đạo ngành chức năng và các địa phương vận hành hiệu quả hệ thống cống thủy lợi vùng Tứ giác Long Xuyên, ven biển An Biên - An Minh, đê bao U Minh Thượng và đê bao Ô Môn - Xà No phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân. Riêng vùng ven biển An Biên - An Minh và một số khu vực ở các huyện Châu Thành, Hòn Đất, Kiên Lương, Giang Thành bị xâm nhập mặn cục bộ do hệ thống cống ngăn mặn chưa được xây dựng mới thì tập trung gia cố, đắp các đập thời vụ tại các khu vực có khả năng bị nhiễm mặn.

Ông Nguyễn Huỳnh Trung, Chi cục Trưởng Chi cục thủy lợi tỉnh Kiên Giang cho biết: Tỉnh dự kiến đắp, gia cố 117 đập đất ứng phó với nguy cơ khô hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong mùa khô trên địa bàn các huyện Kiên Lương, Giang Thành, Châu Thành, An Biên, An Minh, Hòn Đất, Gò Quao và thành phố Rạch Giá, với tổng kinh phí đầu tư hơn 19 tỷ đồng. Đến nay, đã đắp mới, gia cố 36 đập, vận hành đóng, mở các cống ngăn mặn hợp lý, không xảy ra thiệt hại do xâm nhập mặn đối với sản xuất, nhất là vụ lúa Đông Xuân 2022 - 2023.

Cùng với đó, các ngành chức năng tỉnh theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, diễn biến mặn kết hợp với tăng cường công tác điều tra xâm nhập mặn trên các tuyến kênh chính, kịp thời thông báo cho các ngành, địa phương và nhân dân biết để chủ động trong sản xuất. Khuyến cáo nông dân kiểm tra chất lượng nước trước khi bơm tưới, thường xuyên thăm đồng, nhất là những vùng sản xuất có nguy cơ bị ảnh hưởng mặn. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang thống nhất lịch thực hiện lấy nước luân phiên trong vùng Tứ giác Long Xuyên để đảm bảo nguồn nước tưới tiêu, bảo vệ sản xuất khi nước đầu nguồn đổ về Đồng bằng sông Cửu Long thấp trong thời gian dài.

Tỉnh yêu cầu huyện U Minh Thượng phối hợp với Vườn Quốc gia U Minh Thượng triển khai thực hiện các phương án ngăn mặn, trữ nước ngọt phục vụ sản xuất trong mùa khô, vận động, tuyên truyền đến nông dân khu vực xã Vĩnh Hòa, Hòa Chánh, Thạnh Yên không tiếp tục gieo sạ lúa vụ 3 (Xuân Hè) sau khi thu hoạch lúa Đông Xuân 2022 - 2023 trong điều kiện nguồn nước không đảm bảo.

Tiếp đến, huyện Hòn Đất tăng cường công tác theo dõi việc lấy nước nuôi tôm vùng Nam quốc lộ 80 để kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp xả mặn ra kênh, mương để có biện pháp xử lý kịp thời.

Tỉnh cũng yêu cầu huyện Châu Thành theo dõi chặt chẽ tình hình xâm nhập mặn tại Vàm Bà Lịch dẫn vào kênh Ông Hiển. Trường hợp xâm nhập mặn tại vị trí này tăng đột biến, khả năng nhiễm mặn sâu đến kênh Ông Hiển và kênh Rạch Giá - Long Xuyên thì báo cáo tỉnh, kịp thời xây dựng công trình ứng phó khẩn cấp.

Ngoài ra, từ khi hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé xây dựng hoàn thành, đưa vào vận hành khai thác, các khu vực trên địa bàn huyện Giồng Riềng, Gò Quao và một phần huyện Châu Thành ít có khả năng bị xâm nhập mặn từ 2 cửa sông đó. Tuy nhiên, tỉnh yêu cầu các địa phương này thường xuyên theo dõi chặt chẽ tình hình xâm nhập mặn khi triều cường dâng để kịp thời triển khai các giải pháp ứng phó khi cần thiết.

Chi cục thủy lợi Kiên Giang phối hợp với Công ty TNHH Một thành viên khai thác thủy lợi miền Nam vận hành hợp lý các cống Cái Lớn, Cái Bé, Xẻo Rô nhằm đảm bảo cho yêu cầu sản xuất nông nghiệp trong vùng./.

Nguồn: kiengiang.gov.vn