Kiên Giang: Giảm hàng trăm đập tạm ngăn mặn nhờ công trình thủy lợi lớn

2022.12.12 - 1524 lượt xem

Nhờ đầu tư công trình thủy lợi lớn, năm 2022, Kiên Giang đã giảm 260 đập tạm ngăn mặn bảo vệ sản xuất nông nghiệp, tiết kiệm cho ngân sách hơn 20 tỷ đồng.

Tiết kiệm 20 tỷ đồng đắp đập tạm

Là tỉnh ven biển Tây, mỗi năm tỉnh Kiên Giang phải tiến hành đắp hàng trăm đập tạm ngăn mặn xâm nhập, giữ nước ngọt trong hệ thống kênh mương để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, giải pháp tạm thời nhưng lại tốn kém tiền tỷ này đang ngày càng giảm dần. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kiên Giang, năm 2022, toàn tỉnh giảm, không phải đắp khoảng 260 đập tạm ngăn mặn, giúp tiết kiệm cho ngân sách trên 20 tỷ đồng.

Cống Cái Lớn thuộc hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé là công trình thủy lợi lớn có tác dụng liên vùng, giúp tỉnh Kiên Giang không phải đắp hàng trăm đập tạm hàng năm, tiết kiệm cho ngân sách hàng chục tỷ đồng. Ảnh: Trung Chánh.

Cùng với đó, tỉnh đã đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, dự án phòng chống thiên tai, sạt lở bờ sông, bờ biển.  Đến nay, đã hoàn thành một số công trình chống sạt lở bờ sông với tổng chiều dài 35.216m, tổng vốn đầu tư hơn 180 tỷ đồng; công trình kè chống sạt lở bờ biển là 21.585m, tổng vốn đầu tư là 354,5 tỷ đồng.

Ông Lê Hữu Toàn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNNT tỉnh Kiên Giang cho biết, giải pháp đắp đập tạm được tỉnh thực hiện nhiều năm qua ở những vùng ven biển chưa có hệ thống cống, những tuyến sông mà nước mặn có thể xâm nhập vào sâu trong nội đồng. Tuy nhiên, nhờ hệ thống cống Cái Lớn - Cái Bé và cống Xẻo Rô được đầu tư và có sự phối hợp vận hành hiệu quả, đã đảm bảo an toàn nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho người dân trong vùng. Các địa phương được hưởng lợi nhiều nhất là huyện Châu Thành, Giồng Riềng và Gò Quao.“Việc giảm, không còn phải đắp đập tạm ngăn mặn thời vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng năm đã giúp

đỡ tốn công sức lao động, vừa tiết kiệm cho ngân sách nhà nước. Hơn nữa, cũng không còn cản trở giao thông thủy, gây ô nhiễm nguồn nước cục bộ do đắp đập kéo dài", ông Toàn đánh giá.

Hàng năm, tỉnh Kiên Giang đều ban hành kế hoạch và triển khai sớm các giải pháp phòng chống hạn hán, thiếu nước ngọt, xâm nhập mặn, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong mùa khô trên địa bàn. Ngành nông nghiệp chủ động phối hợp chặt chẽ với các địa phương để vận hành đóng mở các cống trên tuyến đê biển Rạch Giá - Kiên Lương, An Biên - An Minh và tuyến đê bao Ô Môn – Xà No thuộc địa bàn huyện Giồng Riềng, Gò Quao; các cống trên địa bàn thành phố Rạch Giá, huyện Châu Thành, U Minh Thượng để phục vụ sản xuất.

Việc giảm, không còn phải đắp đập tạm ngăn mặn vừa giúp tiết kiệm ngân sách, vừa không gây cản trở giao thông thủy và ô nhiễm nguồn nước do đắp đập kéo dài. Ảnh: Trung Chánh.

Mới đây, UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành Kế hoạch số 234/KH-UBND ngày 3/11/2022 về việc triển khai thực hiện các giải pháp ứng phó với nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong mùa khô năm 2022 - 2023 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang đã có công văn gửi UBND huyện U Minh Thượng và Vườn Quốc gia U Minh Thượng yêu cần sớm triển khai kế hoạch, chủ động tích trữ nước ngọt phục vụ cho sản xuất lúa vụ đông xuân 2022 - 2033 và nước sinh hoạt cho nhân dân, giữ ổn định hệ thống đê bao và phòng chống cháy rừng.

Đối với UBND huyện U Minh Thượng, chỉ đạo các ngành chuyên môn khảo sát, kiểm tra tình hình sản xuất, nhu cầu nước tưới cho từng loại cây trồng, vật nuôi, nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân trong vùng đệm Vườn Quốc gia U Minh Thượng. Đồng thời, chủ động có kế hoạch tích trữ nguồn nước ngọt cuối mùa mưa trước khi đóng các cống ngăn mặn, giữ ngọt vùng ven biển để ứng phó với khả năng hạn hán trong mùa khô 2022 - 2023. Tránh tình trạng để nguồn nước mặt trong các kênh, mương bị giảm sâu, có thể gây ra hiện tượng sụt lún, sạt lở hệ thống đê bao, gây ảnh hưởng lớn đến hệ thống giao thông, thủy lợi.

Các công trình thủy lợi được đầu tư đồng bộ, giúp tỉnh Kiên Giang chủ động điều tiết nguồn nước, phục vụ sản xuất nông nghiệp hiệu quả. Ảnh: Trung Chánh.

Ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang sớm triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước ngọt, xâm nhập mặn; thường xuyên theo dõi, thông tin về tình hình xâm nhập mặn để người dân biết và chủ động trong sản xuất. Song song đó, khuyến cáo người dân nên kiểm tra kỹ nguồn nước trước khi bơm tưới vào ruộng lúa, vườn cây, ao nuôi thủy sản… để tránh bị thiệt hại.

Chủ động kiểm soát, điều chỉnh mặn - ngọt 

Tỉnh Kiên Giang có địa hình thấp và nằm cuối nguồn nước ngọt, riêng vùng U Minh Thượng bị chia cắt bởi sông Cái Lớn nên mặn thường xâm nhập sâu và khó đưa nước ngọt về vùng này. Nhưng nhờ được quan tâm đầu tư và đầu tư đúng hướng, có trọng tâm trọng điểm nên đến nay tỉnh đã cơ bản ngọt hoá và chủ động kiểm soát xâm nhập mặn cho vùng Tứ giác Long Xuyên và Tây sông Hậu.

Thời gian qua, nhiều công trình thủy lợi đã được đầu tư xây dựng tại Kiên Giang, giúp đảm bảo ngăn mặn, giữ ngọt, tiêu thoát nước mùa mưa lũ, rửa phèn cho khoảng 450.000ha đất sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp. Ảnh: Trung Chánh.

Chương trình ngọt hoá vùng Tây sông Hậu đã xây dựng được hệ thống thủy lợi tương đối hoàn chỉnh để sản xuất lúa 2, 3 vụ/năm và cũng đã tác động tích cực đến một số khu vực của vùng U Minh Thượng. Chương trình cũng đã đầu tư đồng bộ hệ thống kênh trục dẫn nước ngọt, thoát lũ và tiêu nước được nối từ sông Hậu với kênh Rạch Giá - Hà Tiên thuộc vùng Tứ giác Long Xuyên với sông Cái Lớn, Cái Bé thuộc vùng Tây Sông Hậu và các tuyến kênh trục vùng U Minh Thượng.

Hệ thống thủy lợi đã đảm bảo tiêu nước, giảm ngập nước vào mùa mưa lũ, tiêu độc, rửa phèn cho khoảng 450.000ha đất sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp. Đồng thời, lấy phù sa từ sông Hậu đưa vào đồng ruộng, điều tiết hiệu quả nguồn nước ngọt - lợ luân phiên để phát triển gần 100.000ha đất sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản vùng ven biển.

Đầu tư hệ thống thủy lợi đã giúp Kiên Giang điều tiết hiệu quả nguồn nước để phát triển sản xuất, với diện tích lúa gieo trồng hàng năm trên 700.000ha, sản lượng thu hoạch trên 4 triệu tấn mỗi năm. Ảnh: Trung Chánh.

Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang, thời gian qua, tỉnh đã đầu tư xây dựng tuyến đê biển khá đồng bộ với hệ thống cống thoát lũ và lấy nước mặn phục vụ cho nuôi trồng thủy sản. Kiên Giang có bờ biển dài khoảng 200km, trên toàn tuyến đê biển có 51 cửa cống hoát ra biển. Theo đó, tuyến đê biển thuộc vùng Tứ giác Long Xuyên đã được đầu tư 24 cống ngăn mặn, thoát lũ. Vùng U Minh Thượng có tuyến đê biển dài 65km với 27 cống.

Ngoài ra, còn một số cửa sông lớn nằm trên địa bàn TP Rạch Giá, huyện Châu Thành đã được đầu tư cống ngăn mặn là sông Kiên, kênh Nhánh, kênh Cụt, vàm Bà Lịch… Những công trình này không chỉ giúp ngăn mặn, bảo vệ sản xuất cho vùng Tứ giác Long Xuyên, đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân TP Rạch Giá và các vùng lân cận, mà còn đẩy nước ngọt về vùng Tây sông Hậu và một phần vùng U Minh Thượng tốt hơn.

Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang, thời gian qua, tỉnh đã đầu tư xây dựng tuyến đê biển khá đồng bộ với hệ thống cống thoát lũ và lấy nước mặn phục vụ cho nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi tôm nước lợ. Ảnh: Trung Chánh.

Với việc đầu tư hệ thống thủy lợi ngày càng hoàn thiện và đồng bộ, đã đáp ứng ngày càng hiệu quả cho nhu cầu tưới tiêu của sản xuất nông nghiệp. Riêng vùng ven biển, hệ thống kênh mương, các ô thủy lợi, cống điều tiết nước đã có tác dụng cấp nước mặn phục vụ cho nuôi trồng thủy sản hiệu quả. Hiện nay, với những công trình thủy lợi đa mục tiêu, không chỉ phục vụ riêng cho sản xuất nông nghiệp, mà còn góp phần tích cực ngăn triều cường, nước biển dâng và cải thiện hệ thống giao thông bộ.

Thiên tai gây thiệt hại hơn 10 tỷ đồng

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Kiên Giang, từ đầu năm đến nay, các loại hình thiên tai đã gây thiệt hại tài sản của nhà nước và nhân dân trên địa bàn tỉnh hơn 10 tỷ đồng. Trong đó, mưa bão, dông lốc đã làm sập 109 căn nhà, tốc mái 388 căn, đánh chìm 16 phương tiện khai thác thủy sản. Đặc biệt, thiên tai cũng đã gây thiệt hại về người với 2 người chết do sét đánh, 3 người chết do lật tàu và 4 người bị thương do nhà sập bị các vật nặng rơi trúng. Kiên Giang đã hỗ trợ các hộ dân bị thiệt hại do thiên tai, giúp đỡ khắc phục hậu quả với tổng kinh phí 719 triệu đồng từ nguồn Quỹ Phòng chống thiên tai của tỉnh.

Nguồn: nongnghiep.vn