2022.09.29 - 1883 lượt xem
Dù mới đầu mùa mưa nhưng nhiều hồ chứa ở Quảng Nam đã tích đầy nước, điều này sẽ gây nhiều khó khăn cho công tác phòng chống bão lũ trong thời gian đến.
Từ sáng ngày 27/9 đến ngày 28/9, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4, tại Quảng Nam đã xảy ra mưa to đến rất to diện rộng.
Tổng lượng mưa các địa phương vùng đồng bằng ven biển và vùng núi phía nam của tỉnh phổ biến từ 250 - 400mm, có nơi cao hơn 400mm như: Trạm đo mưa Tiên Phước (huyện Tiên Phước) 471mm, trạm đo mưa Núi Thành (huyện Núi Thành) 512mm, trạm thủy văn Hiệp Đức (huyện Hiệp Đức) 414mm, trạm khí tượng Tam Kỳ (TP Tam Kỳ) 436mm, vùng núi phía Tây Bắc phổ biến từ 160 - 260mm.
Nhiều hồ chứa lớn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã đầy nước, chảy qua tràn. Ảnh: Lê Khánh.
Ngày và đêm nay (28/9), mưa giảm dần về diện mưa và lượng mưa; các địa phương trong tỉnh chỉ còn có mưa, có nơi mưa vừa đến mưa to, lượng mưa phổ biến từ 10 - 30mm, có nơi trên 50mm.
Từ đợt mưa này, các hồ chứa trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã tích được một lượng nước tương đối. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh này có 73 hồ chứa lớn nhỏ. Trong đó có 17 hồ lớn do Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam quản lý. Toàn bộ các hồ này có thân đập đều là đất đồng chất, chỉ có phần mái đập là bê tông.
Theo ông Đào Văn Thiên, Phó Giám đốc Công ty TNHH Khai thác thủy lợi tỉnh Quảng Nam, trước khi cơn bão số 4 vào gây mưa, 17 hồ chứa nói trên đã có 2 hồ đầy, các hồ còn lại dung tích chỉ đạt khoảng 40 – 50%. Sau khi đợt mưa kết thúc, đã có thêm 4 hồ đầy nước.
Tới đây, nếu trên địa bàn tỉnh Quảng Nam xuất hiện thêm một đợt mưa lớn nữa thì sẽ có thêm khoảng 5 hồ tích đầy nước. Lúc này, khi mưa xuống nước sẽ chảy qua tràn. Riêng hồ Phú Ninh nếu lượng mưa trong đợt tiếp theo với lưu lượng 300mm thậm chí lên 500mm thì cũng chưa thể đầy hồ.
“Những năm trước, phải đến cuối tháng 11 thì các hồ mới tích đầy nước nhưng năm nay có nhiều đợt mưa đã khiến các hồ tích đầy nước khá sớm. Điều này sẽ khiến chúng tôi rất vất vả trong công tác phòng chống bão lụt. Do nước qua tràn sớm, các hồ phải chịu áp lực nước tối đa trong một thời gian dài.
Điều này khiến cho mỗi khi có mưa, đơn vị phải tiến hành quan trắc, kiểm tra, cho người theo dõi thường xuyên để ứng cứu nhằm đảm bảo an toàn. Cũng may là những năm qua, có sự tài trợ của dự án WB8. Nhờ đó, một số đập được nâng cấp các hạng mục bê tông phần mái, xử lý lại tràn, cống và khắc phục một số hư hỏng”, ông Thiên cho biết.
Một số công trình thủy điện ở Quảng Nam đang điều tiết nước về lại đúng quy trình. Ảnh: Lê Khánh.
Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam dự báo, lũ sẽ xuất hiện trên hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn. Theo đó, trong 6 - 12h tới, lũ trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa sẽ đạt đỉnh ở mức 8.4m, trên mức báo động II là 0.4m, sau đó xuống chậm.
Trên sông Thu Bồn, trong 6 - 12h tới lũ trên sông đạt đỉnh và xuống chậm cụ thể: Tại Giao Thuỷ đạt đỉnh ở mức 7.2m, thấp hơn báo động II là 0.30m; tại Câu Lâu đạt đỉnh ở mức 3.00m, ở mức báo động II; tại Hội An đạt đỉnh ở mức 1.65m, trên báo động II là 0.15m.
Tại tỉnh Quảng Nam, hiện nay có 4 thủy điện lớn trực tiếp ảnh hưởng đến vùng hạ du là Sông Tranh 2, Sông Bung 4, A Vương và Đak Mi 4. Hiện nay, mực nước Sông Tranh 2 đang ở mức thấp, mực nước A Vương gần đạt mực nước cao nhất trước lũ, thấp hơn mực nước dâng bình thường khoảng 8m. 2 hồ thủy điện còn lại đã điều tiết nước để hạ mực nước hồ.
Theo ông Trương Xuân Tý, Phó Giám đốc sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam, trong đợt mưa do ảnh hưởng bão số 4 vừa qua, các hồ thủy điện trên địa bản tỉnh đã trữ nước, góp phần cắt giảm lũ hoàn toàn cho vùng hạ du, đảm bảo an toàn. “Chờ thời gian mực nước ở vùng hạ du giảm xuống, sẽ đưa nước hồ về lại đúng quy trình. Khi xuất hiện các hình thái thời tiết khác thì mới tình toán để điều tiết lại”, ông Tý nói. |