Đề xuất mới về quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi

2022.09.21 - 1250 lượt xem

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân với dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi.

Bộ Tài chính cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 129/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi. Theo kết quả tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện Nghị định số 129/2017/NĐ-CP thì bên cạnh những kết quả đạt được, việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi trong thời gian vừa qua còn một số vướng mắc, cần được tháo gỡ trong thực tiễn, cụ thể:

Một số tỉnh chưa thực hiện giao tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi cho cơ quan chức năng quản lý nhà nước về thủy lợi; vì cơ quan quản lý nhà nước về thủy lợi không đủ nhân lực để kiểm soát hồ sơ tài sản, hạch toán kế toán tài sản theo quy định.

Hầu hết hồ sơ tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi đều thiếu (hồ sơ thiết kế, hồ sơ quyết toán công trình ban đầu cũng như hồ sơ quản lý đất đai và tài sản công trình) do công trình xây dựng đã lâu, không có hoặc thất lạc hồ sơ. Một số công trình thủy lợi do Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp quản lý không xác định được nguồn gốc tài sản (thuộc nhà nước hay nhân dân). Một số công trình sau khi quyết toán, đơn vị chủ đầu tư không cung cấp hồ sơ công trình cho đơn vị quản lý, sử dụng.

Về giá quy ước để xác định giá trị tài sản khi thực hiện kế toán tài sản: Theo quy định tại Nghị định số 129/2017/NĐ-CP thì trường hợp tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi chưa có thông tin về nguyên giá, giá trị còn lại của tài sản thì xác định theo giá quy ước do Bộ NN&PTNTN quy định trên cơ sở giá trị của công trình có cấp kỹ thuật tương đương. Tuy nhiên, đến nay Bộ NN&PTNTN chưa ban hành quy định về giá quy ước để xác định giá trị tài sản; điều này gây khó khăn cho các địa phương trong việc hạch toán, kế toán và theo dõi tài sản…

Trên cơ sở đề xuất, kiến nghị của Bộ NN&PTNT và các địa phương, trên cơ sở kế thừa các nội dung còn phù hợp tại Nghị định số 129/2017/NĐ-CP, nhằm tạo thuận lợi trong quá trình áp dụng pháp luật, Bộ Tài chính trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi (Nghị định thay thế Nghị định số 129/2017/NĐ-CP).

Nguyên tắc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi

Dự thảo Nghị định quy định về nguyên tắc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi là trên cơ sở kế thừa Điều 4 Nghị định số 129/2017/NĐ-CP; đồng thời bổ sung một số nguyên tắc trong quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi như sau:

Việc quản lý, sử dụng đất thuộc phạm vi tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan.

Đối với tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi không còn khả năng khai thác, cung cấp sản phẩm, dịch vụ thủy lợi; không phù hợp với quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì việc thu hồi đất gắn với tài sản theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan.

Việc đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi đối với cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được giao tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi thực hiện theo quy định tại Nghị định của Chính phủ quy định về giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước.

2 phương án phân loại tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi

Tại Điều 5 dự thảo Nghị định quy định về phân loại tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi trên cơ sở sở khái niệm tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi; trong đó, có bổ sung nội dung làm rõ phạm vi loại tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi, cụ thể:

Tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi (bao gồm cả đất gắn với công trình thủy lợi) do Nhà nước đầu tư, quản lý quy định tại Nghị định này là tài sản công gồm: Tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi trực tiếp liên quan đến vận hành, khai thác công trình thủy lợi và công trình phụ trợ phục vụ quản lý, khai thác thủy lợi. Trong đó:

Tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi trực tiếp liên quan đến vận hành, khai thác công trình thủy lợi gồm: Đập (đập thủy lợi và các công trình phụ trợ gắn liền với đập thủy lợi), hồ chứa nước (gồm đập tạo hồ, tràn, cống, lòng hồ, cống lấy nước, cống xả đáy...), cống, trạm bơm, hệ thống dẫn, chuyển nước, kè, bờ bao thủy lợi.

Công trình phụ trợ phục vụ quản lý, khai thác thủy lợi gồm: Nhà, trạm, đường quản lý, thiết bị quan trắc, kho, bãi vật tư, cột mốc chỉ giới, biển báo, trong đó:

Phương án 1: Bao gồm trụ sở, văn phòng làm việc của đơn vị được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi.

Phương án 2: Không bao gồm trụ sở, văn phòng làm việc của đơn vị được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi).

Nguồn: baochinhphu.vn