Liên thông hồ chứa, giải pháp căn cơ cho vùng khô hạn Ninh Thuận

2022.08.16 - 1504 lượt xem

Nhiều hồ chứa thiếu nước ngay trong mùa mưa Do các hồ chứa chủ yếu là nhỏ nên không đủ nước tưới trong mùa khô nhưng phải xả trong mùa mưa, mặt khác trong mùa mưa nhiều hồ vẫn không có nước để tích

Hàng loạt hồ chứa không đáp ứng được nhu cầu tưới

Ninh Thuận là địa phương thường xuyên xảy ra tình trạng hạn hán, đặc biệt ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trong những năm gần đây khiến cho tình trạng khô hạn vô cùng khốc liệt. Ví như tình trạng khô hạn kéo dài trong 3 năm 2014, 2015 và đầu năm 2016; tiếp sau đó các năm 2018, 2020 đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến mọi ngành kinh tế, hạn chế tăng trưởng và phát triển của địa phương.

Hồ Sông Trâu có dung tích trên 31 triệu m3 nhưng thường không tích đủ nước trong mùa mưa. Ảnh: Mai Phương.

Ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Thuận cho biết, để hạn chế thiệt hại do hạn hán gây ra, địa phương cần có một một kế hoạch cụ thể, một giải pháp tổng hợp và một chiến lược lâu dài nhằm mục tiêu cho phát triển toàn diện và mang tính bền vững.  Theo đó việc đầu tiên là phải xây dựng các hồ chứa thuỷ lợi, triển khai nhiều giải pháp công trình và phi công trình đồng bộ, hiệu quả.

Do đó, những năm qua, cùng với việc Trung ương đầu tư xây dựng các công trình thuỷ lợi thì tỉnh Ninh Thuận đã có những giải pháp hiệu quả để quản lý rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu. “Tỉnh Ninh Thuận đã tích cực triển khai các bước hưởng ứng chương trình quốc gia về phòng chống và giảm nhẹ thiên tai theo đặc điểm của của địa phương là “chủ động phòng tránh nhưng thích nghi để phát triển”. Mặt khác áp lực về phát triển kinh tế xã hội ở tỉnh Ninh Thuận ngày càng cao đòi hỏi cần phải có chiến lược quản lý nguồn nước hiệu quả trong tương lai”, ông Đặng Kim Cương cho biết.

Theo Sở NN-PTNT Ninh Thuận, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 21 hồ chứa, dung tích các hồ từ 1 triệu đến 70 triệu m³, tổng dung tích các hồ chứa đạt trên 194 triệu m3 do Công ty TNHH MTV KTCTTL tỉnh quản lý, vận hành, khai thác. Toàn bộ hệ thống công trình thuỷ lợi mới đáp ứng tưới được khoảng 40% diện đất sản xuất. Bên cạnh đó, đặc thù của các hồ chứa ở Ninh Thuận chủ yếu là các hồ nhỏ, thường không đủ nước tưới vào mùa khô nhưng lại xả lũ rất lớn trong mùa mưa, mặt khác ngay trong mùa mưa thì một số hồ phải xả lũ nhưng một số hồ vẫn không có nước để tích.

Ông Nguyễn Văn Bính, Trưởng phòng Chuyên ngành thuộc Sở NN-PTNT Ninh Thuận cho biết, thực tiễn trong quá trình thiết kế, quản lý vận hành do điều kiện khí hậu khô hạn, một số hồ chứa được thiết kế không đảm bảo đáp ứng hết các nhu cầu dùng nước. Ví như các hồ chứa nhỏ như: Hồ Ông Kinh, hồ Phước Trung, hồ Thành Sơn, hồ Phước Nhơn... nhưng các hồ này lại có diện tích tưới lớn, do vậy hàng năm đã không đáp ứng đủ nước tưới trong mùa khô. Trong khi đó một số hồ chứa như hồ Sông Sắt, hồ Trà Co, Tân Giang... lại có nguồn nước dồi dào và phải thường xuyên xả thừa trong mùa mưa.

Hồ chứa nước Thành Sơn thường xuyên thiếu nước tưới trong mua khô do dich tích hồ nhỏ. Ảnh: M.Hậu.

“Mặt khác do nhu cầu sử dụng nước cho các ngành kinh tế ngày càng tăng nên khả năng điều tiết nội vùng của các hồ chứa ngày càng thu hẹp, không thể đảm bảo yêu cầu cấp nước cho từng khu vực nên các lưu vực có nguồn nước dồi dào cần được tính toán để bổ sung cho các khu vực thiếu nước, đáp ứng yêu cầu phát triển đa mục tiêu của công trình”, ông Nguyễn Văn Bính chia sẻ.

Xây dựng nhiều hệ thống hồ chứa liên thông

Để nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm giảm thiểu mức độ thiệt hại, đảm bảo phát triển bền vững lĩnh vực nông nghiệp trong bối cảnh bị tác động bởi biến đổi khí hậu, việc xây các công trình thuỷ lợi nối mạng liên thông giữa các hồ chứa tại Ninh nhằm chuyển nước giữa các lưu vực để tận dụng nguồn nước trong mùa lũ để sử dụng trong mùa khô là việc là hết sức cần thiết.

Theo đó, trong dự án rà soát, điều chỉnh quy hoạch thuỷ lợi tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 thích ứng biến đổi khí hậu, tỉnh Ninh Thuận đã đề xuất xây dựng các tuyến công trình liên thông giữa các hồ chứa gồm: Kết nối liên thông đưa nước từ hồ Sông Cái – đập dâng Tân Mỹ về các khu vực phía Bắc tỉnh bổ sung nước cho hồ Thành Sơn, hồ Bà Râu, hồ Sông Trâu, hồ Ông Kinh bằng đường ống kết hợp tưới Tân Mỹ, đưa nước từ hồ Sông Cái tiếp cho hệ thống thủy lợi Nha Trinh – Lâm Cấm.

Do nằm giáp biển nên hồ Ông Kinh năm nào cũng bị thiếu nước trong mùa khô. Ảnh: M.P.

Kết nối liên thông lưu vực hồ Cho Mo - lưu vực suối Ngang, hồ Phước Trung; Kết nối liên thông hồ Tân Giang - hồ Sông Biêu - hồ Suối Lớn ở phía Nam tỉnh. Kết nối hồ sông Than với các hồ phía Nam tỉnh thuộc tiểu vùng lưu vực Sông Quao và tiểu vùng lưu vực sông Lu. Xây hồ chứa Ô Căm thượng lưu hồ Cho Mo, mở rộng kênh dẫn nước để chuyển nước từ hồ Ô Căm về hồ Phước Trung.

“Việc triển khai nối mạng liên thông giữa các hồ chứa tại Ninh Thuận cũng khá thuận lợi, do các công trình thuỷ lợi lớn nằm ở thượng nguồn và các hồ có khoảng cách gần nhau, sau khi hoàn thành sẽ giải được bài toán khô hạn trên địa bàn toàn tỉnh”, ông Đặng Kim Cương chia sẻ.

Những năm qua, Công ty Thủy lợi Ninh Thuận đã chủ động thực hiện hiệu quả giải pháp liên thông nguồn nước từ các hệ thống công trình thủy lợi để đảm bảo khai thác tối đa nguồn nước đến của các công trình như: Liên thông chuyển nước từ kênh Bắc thuộc hệ thống hồ Sông Biêu về thượng lưu đập Cà Tiêu thuộc hệ thống hồ Tân Giang; Liên thông chuyển nước từ kênh Nam thuộc hệ thống hồ Sông Biêu về thượng lưu đập Chà Vin thuộc hệ thống hồ Tân Giang. Liên thông chuyển nước từ kênh chính 1 thuộc hệ thống hồ Lanh Ra về khu tưới Trạm bơm Liên Sơn. Liên thông chuyển nước từ Kênh Cà Tiêu thuộc hệ thống hồ Tân Giang về khu tưới hồ Bầu Zôn...

Nguồn: nongnghiep.vn