Công trình thủy lợi tại vùng Bán đảo Cà Mau phát huy hiệu quả

2021.11.08 - 1475 lượt xem

Công trình thủy lợi tại vùng Bán đảo Cà Mau đã phát huy được hiệu quả, góp phần ngăn mặn, giữ ngọt phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân nơi đây.

Chịu tác động nhiều của biến đổi khí hậu

Tỉnh Cà Mau là địa phương chịu tác động nhiều của hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, xâm nhập mặn và nước biển dâng. Để ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu, tỉnh Cà Mau đã chủ động xây dựng nhiều giải pháp ứng phó, trong đó ưu tiên xây dựng các công trình, phi công trình phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau chia sẻ: Hạn hán, xâm nhập mặn và nước biển dâng, tỉnh Cà Mau là một trong những vùng đất chịu tác động nặng nề nhất ở vùng Bán đảo Cà Mau. Theo thống kê từ năm 2010 đến nay, bình quân nước biển dâng cao trung bình khoảng 10 cm/năm. Cụ thể diện tích bị nước mặn xâm nhập hầu như toàn tỉnh Cà Mau, trừ vùng U Minh Hạ và một phần của huyện Trần Văn Thời.

Theo đó, diện tích sản xuất lúa của nông dân tại các vùng ngọt cũng bị ảnh hưởng rất lớn và diện tích bị thu hẹp dần. Trước tình tình trên ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau đã quy hoạch chuyển đổi sản xuất. Trong đó, diện tích sản xuất lúa không hiệu quả được chuyển sang nuôi tôm hoặc sản xuất một vụ lúa trên đất nuôi tôm.

Từ khi đưa vào vận hành năm 2019, cống âu thuyền Ninh Quới (huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) đã phát huy hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế cho người dân trong vùng Bán đảo Cà Mau. Ảnh: Trọng Linh.

Ngoài ra, biến đổi khí hậu còn tác động đến đời sống của người dân tỉnh Cà Mau nhất là nước sạch nông thôn. Trước thực tế trên tỉnh Cà Mau đã xây dựng nhiều giải pháp như dự trữ sử dụng nguồn nước mưa, khai thác nước ngầm để phục vụ sinh hoạt. Tuy nhiên, khai thác nước ngầm sẽ gây ra sụt lún đất. Cụ thể, mùa khô 2019 – 2020 toàn tỉnh Cà Mau có hơn 1.000 vị trí sạt lở, sụt lún đất tại huyện Trần Văn Thời.

Ông Trần Quốc Nam, Giám đốc Trung tâm Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh Cà Mau cho biết: Để đảm bảo công tác ngăn mặn, chống tràn, chống hạn, Cà Mau đã chủ động nâng cấp, sửa chữa bờ bao. Đến nay, hệ thống kênh mương toàn tỉnh đã được thông thoáng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung đầu tư di tu sửa chữa bờ bao để đảm bảo công tác ngăn triều cường, xâm nhập đối với vùng Nam Cà Mau. Ngăn mặn, chống tràn đối với vùng ngọt, đặc biệt là đối với vùng ngọt Trần Văn Thời. 

Tối ưu hóa các công trình thủy lợi

Trước tác động của biến đổi khí hậu trong những năm gần đây, tỉnh Bạc Liêu đã được đầu tư xây dựng nhiều công trình thủy lợi để phục vụ sản xuất nông nghiệp và chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng thuận thiên. Cụ thể là từ khi xây dựng và đưa vào khai thác cống âu thuyền Ninh Quới tại huyện Hồng Dân. Đây là một trong những công trình giữ ngọt, ngăn mặn hiệu quả, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất của người dân tại vùng Bán đảo Cà Mau từ năm 2019 đến nay.

Ông Lương Trung Tính, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Hồng Dân, cho biết: Huyện Hồng Dân có diện tích canh tác lúa tôm khoảng 24.700 ha và xác định đây là mô hình sản xuất bền vững mang hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, mô hình lúa tôm đã phát huy được hiệu quả bền vững nhất là vùng chuyển đổi lúa trên đất nuôi tôm.

Trong các công trình điều tiết mặn, ngọt phục vụ cho vùng chuyển đổi, nhất là từ khi cống âu thuyền Ninh Quới đưa vào vận hành đã góp phần ngăn mặn, trữ ngọt cho huyện Hồng Dân nói riêng cũng như các tỉnh lân cận như Sóc Trăng, Cà Mau, Hậu Giang. Năm 2021, các công trình thủy lợi của tỉnh Bạc Liêu đã phát huy rất hiệu quả, đảm bảo được nước mặn cho vùng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn.

Nhờ cống âu thuyền Ninh Quới người dân huyện Hồng Dân đã yên tâm nuôi hai vụ tôm/năm. Ảnh: Trọng Linh.

Ông Lương Trung Tính cho biết thêm: Đối với vùng ngọt của huyện Hồng Dân, các công trình đập ngăn mặn, giữ ngọt vẫn bảo vệ cho được khu vực trồng lúa đông xuân và hè thu của huyện. Hiện nay, không còn tình trạng xuất hiện nước mặn tràn vào nội đồng làm ảnh hưởng đến sản xuất của người dân. 

Từ năm 2020 đến nay, tỉnh Bạc Liêu đã xây dựng 97 công trình thủy lợi với tổng nguồn vốn đầu tư trên 97 tỷ đồng. Năm 2021, tỉnh Bạc Liêu tiếp tục đầu tư xây dựng 69 công trình với tổng vốn theo kế hoạch trên 61 tỷ đồng. Hiện nay các công trình đang trong giai đoạn triển khai thi công sẽ đưa vào sử dụng trong thời gian tới.

Đối với tỉnh Sóc Trăng, Bộ NN-PTN đã có văn bản đầu tư bằng nguồn vốn trung hạn 2021 – 2025 xây dựng mới các cống dự án phân ranh mặn, ngọt trên tuyến quốc lộ Nam sông Hậu (huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) gồm có 1 âu thuyền Rạch Mọp và 10 cống khác với kinh phí 900 tỷ đồng.

 Nguồn: nongnghiep.vn