Cao Bằng: Khai thác hiệu quả công trình thủy lợi phục vụ tưới tiêu

2021.10.15 - 1751 lượt xem

Hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Cao Bằng được đầu tư xây dựng kiên cố hóa, đảm bảo tưới tiêu ổn định, đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp.

Là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của tỉnh Cao Bằng với trên 54.400 ha đất nông nghiệp, mỗi năm, huyện Hòa An gieo trồng hai vụ chính, trong đó gieo trồng gần 4.000 ha lúa, hơn 3.000 ha ngô, 1.630 ha thuốc lá; ngoài ra còn hàng trăm ha cây trồng khác như dong riềng, khoai tây, rau màu… Huyện Hòa An đã được đầu tư 4 hồ chứa nước, 7 trạm bơm và trên 80 km mương chính.

Bà Nông Thị Thương, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Hòa An chia sẻ: Các công trình thủy lợi khi đưa vào khai thác hiệu quả đã tạo điều kiện cho nông dân đầu tư thâm canh, mạnh dạn áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất tăng vụ nên năng suất lúa, ngô, thuốc lá của toàn huyện ngày càng nâng cao.

Phòng thường xuyên chỉ đạo, phối hợp với các đơn vị quản lý công trình thủy lợi chú trọng khâu kiểm tra các hạng mục thiết yếu; xây dựng phương án ứng phó với thiên tai, tình huống khẩn cấp. Đẩy mạnh tuyên truyền người dân nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ các công trình thủy lợi.

Các công trình thủy lợi huyện Hà Quảng cơ bản cung cấp đủ nước cho sản xuất nông nghiệp. Ảnh: T.L.

Huyện Hà Quảng hiện có 9 công trình thủy lợi, trong đó có 6 trạm bơm điện, hơn 200 km mương, 3 hồ chứa: Bản Nưa, Khuổi Kỳ, Thôm Cải với năng lực tưới tiêu trên 500 ha. Ở các xã vùng cao, đặc biệt là các xã vùng Lục Khu của huyện Hà Quảng trước đây là những địa phương khó khăn về nguồn nước. Từ khi được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, hệ thống kênh mương được kiên cố hóa đáp ứng tốt nhu cầu tưới tiêu cho các xã vùng cao.

Ông Hà Văn Chung Trạm trưởng Trạm thủy nông huyện Hà Quảng thông tin: Hàng năm, để bảo đảm an toàn hồ, đập nhất là trong mùa mưa bão, Trạm chủ động xây dựng phương án ứng phó với thiên tai; bố trí cán bộ trực 24/24 giờ, xử lý kịp thời các tình huống xấu xảy ra. Theo dõi và cập nhật thường xuyên dự báo thời tiết để chủ động áp dụng các biện pháp phù hợp với thực tế.

Hồ Bản Viết cung cấp nước tưới tiêu cho phần lớn diện tích sản xuất nông nghiệp của xã Phong Châu, huyện Trùng Khánh. Ảnh: T.L.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT Cao Bằng, toàn tỉnh hiện tại có 3.563 công trình thủy lợi cấp nước tưới, trong đó có 1.743 công trình, cụm công trình có quy mô tưới trên 2ha. Các công trình thủy lợi hiện tại chủ yếu là tưới cho lúa là chính, còn lại cây màu và cây công nghiệp chỉ tưới được một phần. Tổng diện tích tưới ổn định gồm cả lúa và màu được hơn 32.300 ha, chiếm 92% yêu cầu tưới.

Bà Ma Thị Huyền Linh, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thủy lợi Cao Bằng cho biết: Phần lớn các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh hiện đã xuống cấp do xây dựng đã lâu năm. Nhiều hồ chứa, hệ thống mương thủy lợi năng lực tưới tiêu giảm khoảng 20 - 50% so với thiết kế; nhiều hồ chứa có hiện tượng thấm qua thân đập, rò rỉ qua thân cống.

Hệ thống tưới tiêu từ các công trình thủy lợi đảm bảo cho người dân Cao Bằng canh tác 2 - 3 vụ/năm. Ảnh: C.H.

Trong điều kiện kinh phí bố trí cho sửa chữa, nâng cấp hệ thống thủy lợi của tỉnh còn nhiều khó khăn, để bảo đảm vận hành an toàn hồ, đập, ngành nông nghiệp tỉnh chỉ đạo Công ty TNHH một thành viên Thủy nông Cao Bằng, các đầu mối trực thuộc vận hành an toàn hệ thống công trình hồ chứa, đập dâng, trạm bơm, công trình thủy lợi theo đúng quy trình kỹ thuật.

Phối hợp với các đơn vị, địa phương tiến hành kiểm tra, rà soát, đánh giá thực trạng các điểm xung yếu trước, trong và sau mưa lũ; kịp thời phát hiện các công trình có dấu hiệu bất thường, có nguy cơ mất an toàn để đề xuất phương án xử lý. Thường xuyên kiểm tra vận hành thử cửa van hồ chứa; các điểm có nguy cơ sụt lún, sạt lở đất, rò rỉ nước; chuẩn bị đầy đủ lực lượng vật tư, trang thiết bị, phương tiện dự phòng xử lý sự cố.

Nguồn: nongnghiep.vn