Lấy ý kiến cho Dự thảo khung nội dung và tổ chức xây dựng Đề án an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

2021.01.26 - 1182 lượt xem

Ngày 22/01/2021 tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Nguyễn Văn Tỉnh đã chủ trì cuộc họp về Dự thảo khung nội dung và tổ chức xây dựng Đề án an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (viết tắt là Đề án)

Thành phần cuộc họp còn có sự tham dự của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, gồm các Tổng cục: Thủy lợi, Phòng, chống thiên tai, Lâm nghiệp, Thủy sản; các Vụ/Cục: Kế hoạch, Pháp chế, Khoa học Công nghệ và Môi trường; Quản lý xây dựng công trình, Trồng trọt; các Viện/Trường: Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Quy hoạch Thủy lợi, Đại học Thủy lợi; các Hội: Thủy lợi, Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam, Tưới tiêu Việt Nam và một số chuyên gia nhà khoa học về thủy lợi.

Trên cơ sở báo cáo công tác chuẩn bị xây dựng Đề án của Tổng cục Thủy lợi,  ý kiến góp ý của các đại biểu dự họp tập trung vào các nội dung như sau:

- Vấn đề An ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chưa nước là vấn đề lớn,  mang tầm quốc gia, liên quan đến nhiều Bộ, ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tài nguyên và Môi trường; Công Thương, Xây dựng, Giao thông Vận tải… Do đó, nội dung của Đề án cần thể hiện đầy đủ các vấn đề về an ninh nguồn nước và được xây dựng dựa trên quan điểm về quản lý, khai thác, sử dụng tổng hợp nguồn nước.

- Đề án xây dựng phải gắn liền với các mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế-xã hội của đất nước theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, các quy định của pháp luật liên quan đến nước, như Luật Thủy lợi, Phòng, chống thiên tai, Luật Đê điều, Luật Tài nguyên nước, Luật Bảo vệ Môi trường, Luật Lâm nghiệp...

- Cần xác định rõ kết quả đầu ra của Đề án, ưu tiên định hướng xây dựng thành Chương trình mục tiêu quốc gia, bao gồm nhiều Chương trình/Đề án và hợp phần về an ninh nguồn nước liên quan đến Bộ, ngành nào thì sẽ giao Bộ, ngành đó thực hiện.

            - Tổ chức xây dựng Đề án cần phải được tổ chức trên cơ sở phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Nông nghiệp và PTNT với các Bộ, ngành liên quan, trong đó có sự phân công nhiệm vụ và các yêu cầu cụ thể về báo cáo, số liệu, dữ liệu và đề xuất các nội dung của từng ngành, lĩnh vực thực hiện trong Đề án  kèm theo cơ cấu nhu cầu nguồn lực để triển khai thực hiện.

NN&NSNT

Nguồn: http://www.tongcucthuyloi.gov.vn/