Hội đồng thẩm định thông qua Quy hoạch phòng, chống thiên tai

2023.02.16 - 1106 lượt xem

(Chinhphu.vn) - Sáng 16/2, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì phiên họp của Hội đồng thẩm định Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hội đồng thẩm định thông qua Quy hoạch phòng, chống thiên tai - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì phiên họp của Hội đồng thẩm định Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 - Ảnh: VGP/Hải Minh

Theo Báo cáo tóm tắt về Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch) của Bộ NN&PTNT, đây là quy hoạch ngành quốc gia lần đầu tiên được thực hiện trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai và thủy lợi.

Quy hoạch nhằm giải quyết những vấn đề tồn tại lớn trong công tác phòng, chống thiên tai và thuỷ lợi ở phạm vi quốc gia, mang tính liên vùng, liên tỉnh; đã nghiên cứu và đề xuất các hướng giải pháp cho các giai đoạn trung hạn (đến năm 2030), dài hạn (đến năm 2050) và xa hơn.

Một số điểm mới nổi bật của Quy hoạch so với trước đây bao gồm: Tính toán, cập nhật các dự báo về nguồn nước và tác động của biến đổi khí hậu; dự báo dài hạn các tác động của các hoạt động khai thác nguồn nước, phát triển kinh tế-xã hội tại thượng nguồn các lưu vực sông quốc tế và nội tại; kế thừa các cơ sở khoa học, kết quả nghiên cứu của các tổ chức trong nước, quốc tế liên quan đến các vấn đề lớn, phức tạp tại từng vùng.

Quy hoạch cũng đề xuất các giải pháp lớn, giải quyết triệt để hơn so với trước đây, như các công trình khắc phục vấn đề hạ thấp mực nước trên các sông lớn, kiểm soát nguồn nước ở cửa sông, hệ thống công trình kết nối nguồn nước, chuyển nước và đưa nước đi xa, giải pháp tưới cho cây trồng cạn, nhất là các vùng khó khăn, khan hiếm nguồn nước...

Các phương án đề xuất trong Quy hoạch được đồng bộ với quy hoạch tổng thể quốc gia và các quy hoạch ngành khác có liên quan; ứng dụng công nghệ mới được trong tính toán quy hoạch, và khả năng xây dựng các công trình lớn; nhu cầu về vốn đầu tư.

Quy hoạch được phê duyệt sẽ là cơ sở để lập các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trong lĩnh vực thuỷ lợi và phòng, chống thiên tai, quy hoạch chi tiết các lưu vực sông, vùng, địa phương.

Phân kỳ đầu tư thực hiện Quy hoạch

Bộ NN&PTNT dự kiến tổng kinh phí thực hiện Quy hoạch khoảng 471.000 tỷ đồng cho các giải pháp công trình lớn, liên tỉnh và khoảng 203.000 tỷ đồng cho 3 chương trình (cấp nước sạch nông thôn; cấp nước sinh hoạt, sản xuất trên các đảo đông dân cư; phát triển hệ thống hồ chứa nhỏ, phân tán để tạo nguồn cấp nước sinh hoạt, tưới cây trồng cạn).

Kinh phí dự kiến được huy động, bố trí từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, vốn ngoài ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác.

 
Hội đồng thẩm định thông qua Quy hoạch phòng, chống thiên tai - Ảnh 2.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ NN&PTNT tiếp thu tối đa ý kiến để chỉnh sửa, hoàn thiện để có một sản phẩm quy hoạch "tốt nhất có thể" - Ảnh: VGP/Hải Minh

Quá trình đầu tư được thực hiện theo 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn 2021-2025 tập trung đầu tư cho các giải pháp công trình lớn, dự kiến tổng số vốn đầu tư khoảng 50.000 tỷ đồng.

Trong giai đoạn này, sẽ tập trung xây dựng mới các hồ chứa nước; nâng cao dung tích hồ chứa hiện có; xây dựng một số hệ thống kết nối, chuyển nước nội vùng, liên vùng, đưa nước ra vùng ven biển cấp nước đa mục tiêu, tưới cho cây trồng có giá trị kinh tế cao; nghiên cứu, xây dựng các công trình khắc phục hạ thấp mực nước trên dòng chính, công trình phòng, chống lũ quét, sạt lở đất.

Triển khai chương trình nâng cấp hệ thống đê sông, đê biển; xây dựng các công trình chỉnh trị, chống sạt lở bờ sông, bờ biển bảo vệ các đô thị, khu dân cư quan trọng, bảo vệ lãnh thổ; chương trình cấp nước nông thôn, cấp nước trên các đảo có đông dân cư.

Giai đoạn 2026-2030 tập trung thực hiện các giải pháp phi công trình, với nhu cầu vốn khoảng 112.500 tỷ đồng để tiếp tục triển khai xây mới, nâng cấp các hồ chứa, đập dâng, các công trình kết nối nguồn nước, chuyển nước.

Tiếp tục triển khai chương trình nâng cấp hệ thống đê sông, đê biển; xây dựng các công trình chỉnh trị, chống sạt lở bờ sông, bờ biển bảo vệ các đô thị, khu dân cư; nâng cấp, hiện đại hóa quản lý, khai thác, vận hành các hệ thống thủy lợi...

Giai đoạn 2031-2050 cần nhu cầu khoảng 308.500 tỷ đồng để nghiên cứu, xây dựng các công trình đập dâng trên dòng chính, các công trình điều tiết tại cửa các sông lớn vùng duyên hải miền Trung, ĐBSCL; đồng thời, tiếp tục thực hiện giải pháp phi công trình và triển khai các công trình còn lại của quy hoạch trên cơ sở xem xét vị trí, quy mô phù hợp với thực tế.

Xác định rõ thứ tự ưu tiên đầu tư, khả năng bố trí và huy động nguồn lực

Thảo luận, góp ý vào dự thảo Quy hoạch, các thành viên của Hội đồng đánh giá Hồ sơ Quy hoạch do Liên danh tư vấn Viện Quy hoạch thủy lợi và Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam thực hiện, dưới sự chủ trì của Cục Thủy lợi và sự quản lý của Bộ NN&PTNT đã bao gồm đầy đủ các hạng mục theo Quy định tại Luật Quy hoạch.

Các sản phẩm quy hoạch có hình thức trình bày rõ ràng, thể hiện đầy đủ các nội dung nghiên cứu, tính toán, lập quy hoạch và đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

GS.TSKH. Phạm Hồng Giang, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, bản dự thảo Quy hoạch lần này đã kế thừa những kết quả khảo sát và phân tích từ nhiều thập kỷ trước, đồng thời bổ sung và tổng hợp những kết quả quan trắc mới nhất.

Dự thảo Quy hoạch cũng đã nghiên cứu, cập nhật, phân tích lựu chọn giải pháp công trình từ nhiều kịch bản phát triển, đưa ra ít nhất 2-3 phương án cho mỗi giải pháp công trình, từ đó đề xuất các giải pháp lớn, có đầy đủ cơ sở khoa học, phù hợp với thực tiễn, có tính khả thi cao nhất ở các vùng miền.

 
Hội đồng thẩm định thông qua Quy hoạch phòng, chống thiên tai - Ảnh 3.

GS.TS. Phạm Hồng Giang cho rằng, dự thảo Quy hoạch cần có quan điểm, lộ trình rõ hơn đối với các vấn đề còn tồn tại hiện nay ở Đồng bằng sông Hồng, miền Trung, và ĐBSCL- Ảnh: VGP/Hải Minh

GS.TS. Tăng Đức Thắng đánh giá phương pháp tiếp cận làm Quy hoạch là tổng thể, đa ngành, toàn diện; nội dung rõ ràng, mạch lạc cho từng vùng, từng lưu vực sông. Đặc biệt, yếu tố biến đổi khí hậu vốn đang diễn biến nhanh và mạnh đã được lồng ghép trong Quy hoạch.

GS.TS. Phạm Hồng Giang cho rằng, dự thảo Quy hoạch cần có quan điểm, lộ trình rõ hơn đối với các vấn đề còn tồn tại hiện nay ở Đồng bằng sông Hồng, miền Trung, và ĐBSCL.

Tại ĐBSCL, cần lường trước các kịch bản cực đoan để tính toán sự cần thiết, quy mô nghiên cứu xây dựng và lộ trình đầu tư, đảm bảo hiệu quả các công trình kiểm soát, điều tiết nguồn nước có quy mô lớn, do khu vực này đang đối diện với nguy cơ cạn kiệt nguồn nước ngọt ngày càng gay gắt trong mùa khô, ông Phạm Hồng Giang nêu ví dụ.

GS.TS. Đào Xuân Học gợi ý, Quy hoạch cần tập trung xử lý những thách thức lớn, như vấn đề hạ thấp mực nước ở sông Hồng, gây khó khăn cho việc lấy nước vào các hệ thống thủy lợi từ dòng sông này; hay vấn đề nước biển dâng và lún đất ở ĐBSCL.

Để đảm bảo tính khả thi sau khi Quy hoạch được phê duyệt, đại diện Bộ Tài chính cho rằng Quy hoạch cần nêu rõ danh mục công trình/dự án nào do ngân sách Trung ương/địa phương đầu tư; công trình nào cần huy động nguồn vốn xã hội hóa.

Đồng tình với ý kiến của Bộ Tài chính, đại diện Bộ KH&ĐT đề nghị cần làm rõ thứ tự ưu tiên đầu tư các công trình, dự án phù hợp với khả năng phân bổ, huy động vốn vốn xã hội hóa.

Cũng liên quan đến nội dung trên, đại diện Bộ TN&MT cho rằng, việc huy động nguồn vốn xã hội hóa cho phòng, chống thiên tai rất khó khăn. Tuy nhiên, do nguồn lực Nhà nước có hạn, nên rất cần xác định những hạng mục công trình có khả năng huy động được nguồn vốn xã hội hóa.

Đại diện Bộ TT&TT nhấn mạnh sự cần thiết phải có cơ sở dữ liệu trong phòng, chống thiên tai và thủy lợi được cập nhật đầy đủ, theo thời gian thực nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước và phản ứng chính sách nhanh và hiệu quả vì đây là lĩnh vực mang tính liên vùng, liên tỉnh.

Sau khi nghe các ý kiến phát biểu, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp khẳng định, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp thu một cách đầy đủ và nghiêm túc các ý kiến góp ý, phản biện để sớm hoàn thiện bản dự thảo Quy hoạch.

Quy hoạch sẽ được hoàn thiện theo hướng nhận diện rõ hơn những thách thức phải đối mặt; chú trọng giải quyết những vấn đề mang tính không gian và thời gian (trong đó không gian phải tính tối thiểu là vùng, còn thời gian phải xa hơn); cập nhật hơn nữa các thông số, số liệu về khí tượng thủy văn; tăng cường ứng dụng các giải pháp công nghệ.

Quy hoạch cũng sẽ được hoàn thiện theo hướng đưa ra những giải pháp tổng thế, nhưng rõ thứ tự ưu tiên, rõ nguồn vốn đầu tư, trước hết nhằm giải quyết những vấn đề bức xúc nhất của từng vùng, địa phương như nâng mực nước sông Hồng, xử lý vấn đề nước mặn-nước ngọt tại ĐBSCL, hay nâng cấp hệ thống hồ chứa miền Trung để cắt giảm lũ…

 
Hội đồng thẩm định thông qua Quy hoạch phòng, chống thiên tai - Ảnh 4.

GS.TS. Đào Xuân Học gợi ý, Quy hoạch cần tập trung xử lý những thách thức lớn - Ảnh: VGP/Hải Minh

Tiếp thu tối đa để có sản phẩm quy hoạch tốt nhất có thể

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Chủ tịch Hội đồng, đánh giá cao cơ quan trình là Bộ NN&PTNT trong việc chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học để xây dựng Quy hoạch theo đúng quy định của pháp luật về quy hoạch. Đến nay, hồ sơ Quy hoạch đã đáp ứng được những yêu cầu đặt ra.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ NN&PTNT tiếp thu tối đa ý kiến để chỉnh sửa, hoàn thiện để có một sản phẩm quy hoạch "tốt nhất có thể", trong đó, cần đặc biệt lưu ý đến tính dự báo, tính định hướng, và thứ tự ưu tiên theo nguyên tắc từng nội dung của Quy hoạch phải rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện; trình cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt trong thời gian "sớm nhất có thể".

Theo Luật Quy hoạch năm 2017, hệ thống quy hoạch quốc gia có tổng số 110 quy hoạch,  trong đó có 41 quy hoạch cấp quốc gia, 6 quy hoạch vùng và 63 quy hoạch tỉnh.

Nguồn: https://baochinhphu.vn/