Nghị định Quy định chi tiết một số điều của Luật Đo đạc bản đồ

2019.03.18 - 2445 lượt xem

Luật Đo đạc và bản đồ đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV ngày 14 tháng 6 năm 2018 và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2019. Để cụ thể hóa các quy định tại các điều, khoản của Luật Đo đạc và Bản đồ  cũng như đưa Luật có thể thi hành, áp dụng trong thực tiễn, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về đo đạc và bản đồ; ngày 13 tháng 3 năm 2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị định số 27/2019/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều của Luật Đo đạc bản đồ.

Về phạm vi điều chỉnh, Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Đo đạc và bản đồ về hệ thống số liệu các mạng lưới đo đạc quốc gia; cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và hệ thống bản đồ địa hình quốc gia; xây dựng, vận hành, bảo trì và bảo vệ công trình hạ tầng đo đạc; lưu trữ, bảo mật, cung cấp, trao đổi, khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ; xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia; giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ; chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ.

Trạm thu dữ liệu viễn thám, dữ liệu ảnh viễn thám tuân thủ quy định của Nghị định này và quy định của Nghị định về hoạt động viễn thám; trường hợp khác nhau giữa Nghị định này và Nghị định về hoạt động viễn thám thì thực hiện theo quy định tại Nghị định về hoạt động viễn thám.

Nghị định được áp dụng đối với cơ quan tổ chức, cá nhân hoạt động đo đạc bản đồ; khai thác sử dụng thông tin dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ; hoặc hoạt động khác có liên quan đến đo đạc và bản đồ trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Về giải thích từ ngữ: Dự thảo Nghị định giải thích một số từ ngữ có tính chuyên ngành đo đạc và bản đồ nhằm giúp cho việc hiểu và vận dụng thống nhất trong quá trình thi hành Luật như: Trạm tham chiếu cơ sở hoạt động liên tục, Trạm tham chiếu hoạt động liên tục, Điểm đo đạc quốc gia. Mô hình geoid...

Nghị định gồm có 9 chương, 56 điều, cụ thể như sau:

Chương I: Những quy định chung (gồm 4 điều, từ Điều 1 đến Điều 4);

Chương II. Hệ thống số liệu các mạng lưới đo đạc quốc gia (gồm 5 điều từ Điều 5 đến Điều 9);

Chương III. Cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và hệ thống bản đồ địa hình quốc gia (gồm 02 điều từ Điều 10 đến Điều 11);

Chương IV. Xây dựng, vận hành, bảo trì và bảo vệ công trình hạ tầng đo đạc (gồm 06 điều từ Điều 12 đến Điều 17);

Chương V. Lưu trữ, bảo mật, cung cấp, trao đổi, khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ (gồm 05 điều từ Điều 18 đến Điều 22);

Chương VI. Xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia (gồm 06 điều từ Điều 23 đến Điều 28);

Chương VII. Giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ (gồm 13 điều từ Điều 29 đến Điều 41);

Chương VIII. Chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ (gồm 12 điều từ Điều 42 đến Điều 53);

Chương IX. Điều khoản thi hành (gồm 03 điều từ Điều 54 đến Điều 56).

Kèm theo Nghị định là 02 Phụ lục, trong đó Phụ lục số 01 quy định 19 biểu mẫu phục vụ cho công xác xây dựng các báo cáo liên quan đến hoạt động đo đạc và bản đồ; các biên bản bàn giao mốc đo đạc, hành lang bảo vệ mốc đo đạc tại thực địa, thông tin, dữ liệu sản phẩm đo đạc và bản đồ; các mẫu đơn đề nghị cấp/gia hạn/cấp lại/cấp đổi giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ; mẫu giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ; mẫu chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ; Phụ lục số 02 quy định về ký hiệu cơ quan cấp chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ.

Về hệ thống số liệu các mạng lưới đo đạc quốc gia, Nghị định quy định về: Số liệu các mạng lưới tọa độ quốc gia (Điều 5); số liệu của mạng lưới độ cao quốc gia (Điều 6); số liệu của mạng lưới trọng lực quốc gia (Điều 7); số liệu của mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia (Điều 8); công bố số liệu các mạng lưới đo đạc quốc gia (Điều 9).

Căn cứ vào mật độ và độ chính xác xác định giá trị, mạng lưới tọa độ quốc gia được chia thành lưới tọa độ cấp 0, lưới tọa độ hạng I, lưới tọa độ hạng II, lưới tọa độ hạng III; mạng lưới độ cao quốc gia được chia thành lưới độ cao hạng I, lưới độ cao hạng II, lưới độ cao hạng III; mạng lưới trọng lực quốc gia bao gồm mạng lưới điểm trọng lực cơ sở, mạng lưới trọng lực hạng I và hạng II.

Số liệu của mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia bao gồm giá trị tọa độ, độ cao, trọng lực của các trạm định vị vệ tinh quốc gia được thiết lập trong quá trình xây dựng mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia, được sử dụng để xây dựng hệ tọa độ quốc gia, hệ tọa độ quốc gia động, liên kết hệ tọa độ quốc gia với hệ tọa độ quốc tế, phục vụ nghiên cứu khoa học, phục vụ cho hoạt động đo đạc và bản đồ, dẫn đường và các hoạt động khác.

Do ý nghĩa quan trọng và cần thiết của mạng lưới đo đạc quốc gia, Nghị định quy định Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm hoàn thiện hệ thống số liệu các mạng lưới đo đạc quốc gia trong thời hạn 3 năm kể từ ngày Luật Đo đạc và bản đồ có hiệu lực để công bố sử dụng thống nhất trong toàn quốc.

Về cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và hệ thống bản đồ địa hình quốc gia, Nghị định quy định rõ về: Nội dung cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia, bản đồ địa hình quốc gia (Điều 10), cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia, bản đồ địa hình quốc gia (Điều 11).

Việc cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia, bản đồ địa hình quốc gia là yêu cầu quan trọng nhằm đảm bảo dữ liệu đo đạc và bản đồ luôn phù hợp với hiện trạng; đảm bảo yêu cầu đầy đủ, chính xác theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; đảm bảo kịp thời yêu cầu quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương; phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, phòng chống thiên tai. Khi cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia được cập nhật, bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ tương ứng cũng được cập nhật đồng thời.

Chu kỳ cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia, bản đồ địa hình quốc gia được quy định phù hợp với yêu cầu sử dụng và đặc thù của các lớp dữ liệu, trong đó:  Dữ liệu giao thông, dữ liệu dân cư được cập nhật định kỳ hàng năm; Cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia cập nhật định kỳ không quá 05 năm/lần; Cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia tỷ lệ trung bình và tỷ lệ nhỏ của vùng biển Việt Nam được cập nhật định kỳ không quá 07 năm/lần.

Về xây dựng, vận hành, bảo trì và bảo vệ công trình hạ tầng đo đạc, Nghị định cũng quy định về: Xây dựng công trình hạ tầng đo đạc (Điều 12); vận hành, bảo trì công trình hạ tầng đo đạc (Điều 13); tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, xây dựng, quản lý vận hành, bảo trì, khai thác công trình hạ tầng đo đạc (Điều 14); hành lang bảo vệ công trình hạ tầng đo đạc (Điều 15); trách nhiệm bảo vệ công trình hạ tầng đo đạc (Điều 16); di dời, phá dỡ công trình hạ tầng đo đạc (Điều 17).

Nhằm tăng cường xã hội hóa trong đầu tư xây dựng công trình hạ tầng đo đạc, Nghị định đã quy định về việc tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, xây dựng, quản lý vận hành, bảo trì, khai thác trạm định vị vệ tinh quốc gia, trạm định vị vệ tinh chuyên ngành; tham gia đầu tư, xây dựng, quản lý vận hành, bảo trì, khai thác trạm thu dữ liệu viễn thám để huy động các nguồn lực của xã hội để phát triển mạng lưới các trạm định vị vệ tinh, trạm thu dữ liệu viễn thám của Việt Nam, đáp ứng yêu cầu cấp bách về đổi mới công nghệ theo hướng hiện đại nhằm tạo sự đột phá trong thu nhận, xử lý dữ liệu đo đạc và bản đồ.

Ngoài việc quy định về bảo vệ công trình hạ tầng đo đạc, Nghị định quy định cụ thể phạm vi hành lang bảo vệ cho từng loại công trình hạ tầng đo đạc để đảm bảo sự ổn định của công trình trong quá trình sử dụng theo đúng quy định kỹ thuật. Dự thảo còn quy định việc di dời và trách nhiệm di dời công trình hạ tầng đo đạc trong một số trường hợp cụ thể nhằm đảm bảo việc bảo vệ và duy trì các công trình hạ tầng đo đạc, tránh việc làm mất, làm hỏng như hiện nay, gây khó khăn, tốn kém trong hoạt động đo đạc và bản đồ.

Về lưu trữ, bảo mật, cung cấp, trao đổi, khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ; Nghị định quy định về: Lưu trữ thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ (Điều 18); bảo mật thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ (Điều 19); cung cấp thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ cho tổ chức, cá nhân trong nước (Điều 20); trao đổi, cung cấp thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ với tổ chức quốc tế, tổ chức và cá nhân nước ngoài (Điều 21); khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ (Điều 22).

Theo đó, thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ thực hiện bằng ngân sách nhà nước phải được chủ đầu tư dự án, đề án giao nộp để lưu trữ theo quy định; quy định cụ thể các loại thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ cơ bản và chuyên ngành lưu trữ tại Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường và tại các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Các điểm mới của Nghị định là đã quy định cụ thể thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ cơ bản được lưu trữ lịch sử; quy định về việc cung cấp lại thông tin liên quan cho cơ quan, tổ chức cung cấp nếu phát hiện sai sót, không phù hợp với thực tế, không tồn tại ở thực địa nhằm kịp thời chỉnh sửa, cập nhật các thông tin thể hiện trong thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ.

Về xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia, Nghị định quy định về: Xây dựng chiến lược phát triển, kế hoạch triển khai thực hiện hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia (Điều 23); chỉ đạo, điều phối việc xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia (Điều 24); chính sách, nguồn lực để xây dựng, phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia (Điều 25); công nghệ, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia (Điều 26); xây dựng, tích hợp dữ liệu không gian địa lý (Điều 27); xây dựng, vận hành Cổng Thông tin không gian địa lý Việt Nam (Điều 28).

Hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia (NSDI) là nội dung tương đối mới với Việt Nam và lần đầu tiên được đưa vào một văn bản luật.

Cũng như hầu hết các quốc gia trên thế giới, việc triển khai thực hiện NSDI trải qua từng giai đoạn, mỗi giai đoạn đều có mục tiêu cụ thể và được thể hiện trong chiến lược phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia. Để việc triển khai NSDI được hiệu quả, cần thiết phải thành lập Ủy ban điều phối NSDI do Thủ tướng làm Chủ tịch, các thành viên của Ủy ban gồm đại diện lãnh đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Ủy ban Điều phối xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, theo quy chế làm việc do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Với chức năng là cơ quan tổ chức xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu không gian địa lý quốc gia, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối trong xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia; các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chỉ định cơ quan đầu mối trực thuộc xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia thuộc trách nhiệm tổ chức triển khai của mình; Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia thuộc trách nhiệm tổ chức triển khai của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Việc phân công trách nhiệm của các cơ quan, địa phương dựa trên cơ sở quy định tại Điều 45 của Luật Đo đạc và bản đồ.

Về Giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồNghị định quy định cụ thể về danh mục hoạt động đo đạc và bản đồ phải có giấy phép (Điều 29); giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ (Điều 30); điều kiện cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ (Điều 31); hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ (Điều 32); trình tự thủ tục cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ (Điều 33); cấp bổ sung danh mục hoạt động đo đạc và bản đồ (Điều 34); gia hạn giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ (Điều 35); cấp lại giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ (Điều 36); cấp đổi giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ (Điều 37); phí thẩm định cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ (Điều 38); lưu trữ hồ sơ cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ (Điều 39); thu hồi giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ (Điều 40); nội dung, thời điểm đăng tải thông tin về tổ chức được cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ (Điều 41).

Nội dung Chương này quy định chi tiết khoản 8 Điều 51 của Luật Đo đạc và bản đồ về thời hạn, hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp, gia hạn, bổ sung, cấp lại, cấp đổi, thu hồi giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ. Các quy định thuộc Chương này kế thừa một số quy định Nghị định số 45/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ về hoạt động đo đạc và bản đồ, điều chỉnh và quy định bổ sung một số nội dung để phù hợp với quy định của Luật Đo đạc và bản đồ, như:  Danh mục hoạt động đo đạc và bản đồ phải có giấy phép; Thủ tục cấp, gia hạn giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ đối với nhà thầu nước ngoài; Hình thức nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ Tài nguyên và Môi trường; Thu hồi giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ;- Đăng tải thông tin về tổ chức được cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ.

Quy định về nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến nhằm tạo điều kiện cho việc giải quyết thủ tục cấp giấy phép được nhanh chóng, thuận lợi, giúp cho việc lưu trữ hồ sơ cấp giấy phép đầy đủ, dễ dàng; đồng thời cũng là phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử. Việc đăng tải thông tin của các tổ chức được cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ trên Cổng Thông tin điện tử sẽ giúp cho việc quản lý, kiểm tra tổ chức hoạt động đo đạc và bản đồ được thuận lợi, công khai, minh bạch.

Về chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ, Nghị định quy định về danh mục hành nghề đo đạc và bản đồ (Điều 42); thời hạn, nội dung cấp chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ (Điều 43); hội đồng xét cấp chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ, nội dung sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề (Điều 44); bồi dưỡng kiến thức về hoạt động đo đạc và bản đồ (Điều 45); hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ (Điều 46); trình tự, thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ (Điều 47); gia hạn chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ (Điều 48); cấp lại, cấp đổi chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ (Điều 49); thu hồi chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ (Điều 50); lệ phí cấp chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ (Điều 51); lưu trữ hồ sơ cấp chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ (Điều 52); nội dung, thời điểm đăng tải thông tin của cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ (Điều 53).

Nội dung Chương này quy định chi tiết khoản 9 Điều 53 của Luật Đo đạc và bản đồ. Đây là nội dung hoàn toàn mới để thực hiện thỏa thuận Khung ASEAN về thừa nhận lẫn nhau về trình độ đo đạc và bản đồ; đồng thời phục vụ công tác quản lý năng lực hoạt động của cá nhân, trách nhiệm của các cá nhân trước pháp luật đối với chất lượng sản phẩm, dịch vụ do mình thực hiện; góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, thông tin, dữ liệu đo đạc và bản đồ; tạo điều kiện thuận lợi cho các nhân có đủ điều kiện về chuyên môn, nghiệp vụ tham gia hoạt động đo đạc và bản đồ độc lập nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đặt ra.

Chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ gồm hai hạng: Hạng I và Hạng II, cấp cho cá nhân thực hiện các nội dung hành nghề một cách độc lập. Để được cấp chứng chỉ hành nghề, phải trải qua quá trình bồi dưỡng kiến thức về hoạt động đo đạc và bản đồ, tham dự sát hạch kinh nghiệm nghề nghiệp và kiến thức pháp luật.

Quy định về nộp hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến nhằm công khai, minh bạch trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính; đồng thời giúp cho việc lưu trữ hồ sơ cấp chứng chỉ đầy đủ, dễ dàng. Việc đăng tải thông tin của các cá nhân hành nghề đo đạc và bản đồ trên Cổng thông tin điện tử sẽ giúp cho việc quản lý, kiểm tra cá nhân hành nghề đo đạc và bản đồ được thuận lợi.

Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 05 năm 2019. Nghị định số 45/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 05 năm 2015 của Chính phủ về hoạt động đo đạc bản đồ hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực

Nguồn: monre.gov.vn