Thủy lợi phục vụ phát triển kinh tế xã hội ở Việt Nam

2017.01.10 - 3850 lượt xem

Là một nước nông nghiệp, từ hàng nghìn năm nay, cuộc sống của người dân Việt Nam gắn liền với các công việc về thủy lợi. Xã hội ngày càng tiến bộ tạo điều kiện để thủy lợi phát triển, phục vụ đắc lực nhu cầu ngày càng cao hơn, đa dạng và phong phú hơn của sự nghiệp phát triển KT-XH của đất nước. Trong một bài viết ngắn này, chúng tôi không có tham vọng nêu nhiều vấn đề về sự phục vụ của thủy lợi đối với các ngành kinh tế quốc dân mà chỉ nêu một số nét cơ bản mà thủy lợi Việt Nam đã làm để góp phần cùng các ngành kinh tế, kỹ thuật khác thúc đẩy quá trình phát triển KT-XH của đất nước  

I. Những thành tựu đạt được

Nằm ở vùng Đông Nam Á chịu ảnh hưởng của chế độ khí hậu nhiệt đới gió mùa, Việt Nam có lượng mưa và dòng chảy khá phong phú. Lượng mưa bình quân hằng năm của cả nước đạt gần 2000 mm. Việt Nam có mật độ sông ngòi cao, có 2360 sông với chiều dài từ 10 km trở lên và hầu hết sông ngòi đều chảy ra biển Đông. Tổng lượng dòng chảy bình quân  vào khoảng 830 tỷ m3/năm, trong đó có 62% là từ lãnh thổ bên ngoài. Phân bố mưa và dòng chảy trong năm không đều, 75% lượng mưa và dòng chảy tập trung vào 3 - 4 tháng mùa mưa. Mùa mưa lại trùng với mùa bão nên Việt Nam luôn phải đối mặt với nhiều thiên tai về nước, đặc biệt là lũ lụt.

Là quốc gia có nền nông nghiệp lúa nước, dân số đông. Tổng diện tích đất nông nghiệp luôn được khai phá mở mang thêm nhưng đến năm 2007 mới chỉ đạt 8,5 triệu ha trong khi dân số là 85,1[5] triệu người, mức bình quân đầu người chỉ đạt 0,4ha. Nếu tính riêng diện tích trồng lúa cả nước có 4 triệu ha thì bình quân một nông dân ở nhiều vùng chỉ có 300-400m2/người. Đây là mức thấp nhất trong khu vực, đồng thời cũng là mức thấp nhất thế giới.

Để đảm bảo lương thực cho đất nước có số dân đông trong điều kiện thiên tai ác liệt; từ xa xưa, tổ tiên người Việt đã phải sớm xây dựng các công trình khai thác, điều tiết nguồn nước, dẫn nước, sử dụng nước từ nhỏ, thô sơ, tạm bợ, thời vụ cho đến các công trình có quy mô lớn.
Kế thừa truyền thống của cha ông, từ sau năm 1954 khi miền Bắc được giải phóng; Đảng, Nhà nước ta đã khôi phục nhanh chóng các hệ thống thủy lợi bị chiến tranh tàn phá, đẩy mạnh xây dựng các công trình thủy lợi từ nhỏ đến lớn như hồ Cấm Sơn, Núi Cốc, hệ thống đại thuỷ nông Bắc Hưng Hải, các hệ thống trạm bơm ở Bắc Hà Nam, Nam  Định, Thái Bình…

Năm 1975, sau khi nước nhà thống nhất với sự tăng cường của lực lượng cán bộ khoa học, kỹ thuật miền Bắc, công việc quy hoạch và xây dựng các hệ thống thủy lợi đã nhanh chóng được triển khai mạnh mẽ ở miền Trung và miền Nam, tạo ra bước đột phát về phát triển thủy lợi trong phạm vi cả nước.

Ở Đồng bằng sông Cửu Long do có chủ trương kỹ thuật và bước đi thích hợp để cải tạo các vùng bị ngập lũ, chua phèn và xâm nhập mặn bằng các hệ thống kênh trục, kênh ngang, cống, đập, bờ bao…. Nên đã tạo ra khả năng để chuyển vụ lúa mùa nổi năng suất thấp sang 2 vụ lúa đông xuân, hè thu có năng suất cao trên một vùng rộng lớn ở Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, Tây Sông Hậu….

Ở miền Đông Nam Bộ, miền Trung, Tây Nguyên ngoài phát triển các hệ thống thủy lợi vừa và nhỏ đã xây dựng nhiều công trình hồ đập lớn như Dầu Tiếng, Kẻ Gỗ, Phú Ninh, Thạch Nham Đá Bàn, Sông Quao, Yaun, Krông Buk…

Ở miền Bắc tiếp tục nâng cấp và làm mới các công trình tưới, tiêu úng và nâng cấp hệ thống đê điều.

Thành quả chung của công tác thủy lợi đã đưa lại cho đất nước là rất to lớn và đã góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp và phòng chống thiên tai có bước phát triển mạnh mẽ, góp phần cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt, và cải tạo môi trường. Dưới đây là một số kết quả cụ thể:

1. Cấp nước tưới, phục vụ sản xuất nông nghiệp

Năm 1945 không kể ở đồng bằng sông Cửu Long, cả nước có 13 hệ thống thủy nông tập trung ở các tỉnh trung du, đồng bằng Bắc Bộ, khu Bốn cũ, Duyên hải miền  Trung, đập Thác Huống trên sông Cầu, đập Bái Thượng trên sông Chu, đập Đô Lương trên sông Cả, đập Đồng Cam trên sông Ba…

Tổng năng lực tưới của các công trình đập lớn cùng với 13 hệ thống thủy nông nói trên đã đảm bảo tưới cho 324.900 ha, tiêu cho 77.000 ha.

Từ năm 1956 đến năm 2009, cả nước đã xây dựng được trên 500 hồ đập thủy nông loại lớn và vừa, trong đó có những đập cao như: Cấm Sơn cao 40,5 m chứa 338 triệu m3, Kẻ Gỗ cao 40 m chứa 425 triệu m3, Phú Ninh cao 38 m chứa 425 m3, Cửa Đạt cao 118 m chứa 1,5 tỷ m3, Dầu Tiếng cao 30 m chứa 1,45 tỷ m3.

Tính đến cuối năm 2009, các hồ đập cùng các biện pháp công trình thủy lợi khác như trạm bơm, cống, kênh đã đảm bảo cho trên 7 triệu ha đất lúa được tưới, trong đó: vụ đông xuân 2,94 triệu ha, hè thu 2,3 triệu ha, vụ mùa 2,51 triệu ha. Các công trình thuỷ lợi cũng đã tạo nguồn  nước tưới cho 1,15 triệu ha; tiêu úng cho 1,8 triệu ha (trong đó 1,45 triệu ha đất ruộng trũng); ngăn mặn cho trên 800 nghìn ha ở ĐBSCL; cải tạo chua phèn cho 1,6 triệu ha.

Thành quả trên đã góp phần tăng sản lượng lúa từ 16 triệu tấn năm 1986 lên 19,2 triệu tấn năm 1990; 24,9 triệu tấn năm 1995; 32,5 triệu tấn năm 2000 và 38,7 triệu tấn năm 2008, để đến năm 2009  khối lượng xuất khẩu gạo của nước ta đã đạt 5,8 triệu tấn [2,4,5].

Cùng với lúa, sản xuất ngô, các loại hoa mầu cây công nghiệp cũng phát triển nhanh chóng góp phần phát triển chăn nuôi gia súc và tạo vành đai thực phẩm ổn định cho các đô thị.

2. Về công tác đê điều - phòng chống và giảm nhẹ thiên tai

Nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa và gần một trong 5 trung tâm bão lớn nhất của thế giới, hằng năm Việt Nam phải chịu hàng chục cơn bão lớn, thông thường bão đều kèm theo mưa lớn  gây nên những thiệt hại lớn về người, tài sản và sản xuất nông nghiệp.

Ở miền Bắc và khu Bốn cũ để chống bão lụt, ngăn nước biển dâng từ xa xưa ông cha ta đã đắp đê, làm kè nhưng mức đảm bảo không cao. Chỉ riêng  năm 1945 hệ thống đê sông Hồng đã có 79 đoạn bị vỡ, đê khu 4 cũ cũng luôn trong tình trạng không an toàn. Từ 1956 đến nay, hệ thống đê sông luôn được củng cố. Cùng với các giải pháp điều tiết hồ chứa khi có mùa lũ và chỉ đạo phòng chống lụt bão kịp thời, đã góp phần bảo vệ dân cư, mùa màng, hạn chế được nhiều thiệt hại bởi thiên tai.

Ở đồng bằng sông Cửu Long nơi thường xuyên bị ngập từ 1,2 - 1,6 triệu ha về mùa lũ và có đến 700 nghìn ha bị mặn xâm nhập. Từ sau năm 1975 đã đắp hệ thống bờ bao ngăn lũ sớm, hạn chế xâm nhập mặn và nhiều công trình thoát lũ, hệ thống đê biển cũng từng bước được xây dựng ở nhiều địa phương, nhờ vậy đã bảo vệ được hầu hết diện tích gieo trồng lúa hè thu ở vùng lũ và lúa đông xuân ở vùng trũng không bị lũ sớm đe dọa và nước biển xâm nhập.

3. Cấp nước sinh hoạt, nước công nghiệp và nuôi trồng thủy sản

Các hệ thống thủy lợi được xây dựng trong nhiều năm liên tục được phân bổ rộng khắp  trên mọi vùng của đất nước đã góp phần cung cấp nước sinh hoạt cho dân cư xung quanh công trình, nhiều hồ còn cấp nước sinh hoạt cho các điểm công nghiệp và đô thị như hồ Song Ray (Bà Rịa - Vũng Tàu), hồ Mỹ Tân (Ninh Thuận), Hòa Sơn (Khánh Hòa), cụm hồ Thủy Yên - Thủy Cam (Thừa Thiên Huế), Ngàn Trươi - Cẩm Trang (Hà Tĩnh), Bản Mòng (Sơn La), Ia Keo - Nà Cáy (Lạng  Sơn). Nổi bật nhất là đã xây dựng được các công trình cấp nước cho 30 vạn đồng bào vùng cao đặc biệt là những vùng núi đá vôi như Trà Lĩnh, Hà Quảng, Lục Khu (Cao Bằng) Yên Ninh, Quảng Bạ, Đồng Văn, Mèo Vạc (Hà Giang)… nhiều huyện vùng cao ở Lào Cai, Lai Châu, Sơn La...

Thuỷ lợi cũng cấp nước cho nuôi trồng thủy sản, hàng vạn ha mặt nước của các ao hồ nuôi thủy sản đều dựa chủ yếu vào nguồn nước ngọt từ các hệ thống thủy lợi; đối với các vùng ven biển, phần lớn các công trình thủy lợi đều ít nhiều đóng góp vào việc tạo ra môi trường nước lợ, nước mặn để nuôi tôm và một số loài thủy sản quý hiếm, tạo điều kiện cho việc nuôi trồng thủy sản có bước phát triển mạnh mẽ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân trong nước và xuất khẩu.

4. Đóng góp vào xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới

Nhiều vùng nông thôn Việt Nam, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa do ruộng đất ít, tập quán canh tác còn lạc hậu, dân số tăng nhanh, vì vậy cuộc sống gặp nhiều khó khăn, có nơi còn quá nghèo; các công trình thủy lợi nhỏ được xây dựng bằng nhiều nguồn vốn khác nhau đã giúp cho nông dân có nước để canh tác, góp phần xóa đói giảm nghèo cho nhiều vùng rất khó khăn.

Nhiều công trình đã tạo ra nguồn nước để trồng trọt và định canh, định cư để xóa đói giảm nghèo và bảo vệ rừng, hạn chế được việc đốt nương rẫy.

Những công trình kênh mương ở đồng bằng sông Cửu Long thực sự là điểm tựa để làm nhà tránh lũ, phân bổ lại dân cư và tiến sâu vào khai phá những vùng đất còn hoang hóa.

Những công trình như 6 trạm bơm ở Bắc Hà Nam, Nam Định thực sự đã xóa đi cảnh “6 tháng đi chân, 6 tháng đi tay” của người dân địa phương, đẩy lùi được căn bệnh đau mắt hột, bệnh chân voi của người dân nơi đây.

5. Tác động của thủy lợi đối với môi trường

a. Trong những năm qua, thủy lợi đã góp phần quan trọng vào mở mang tài nguyên đất và cải tạo môi trường đất. Điều này có thể thấy rất rõ khi nghiên cứu về lịch sử phát triển của các đồng bằng đặc biệt là ở đồng bằng sông Cửu Long. Tại đây, đã cho thấy thủy lợi đã có những đóng góp quan trọng để mở mang tài nguyên đất đai và cải tạo môi trường đất: Từ một cánh đồng phù sa lớn còn hoang sơ cách đây hơn 200 năm, sau khi nhà Nguyễn cho đào các kênh Rạch Rá - Hà Tiên, kênh Vĩnh Tế… đã có 520.000 ha đất hoang được khai phá, đưa vào trồng trọt, sau đó đưa tàu cuốc vào đào kênh thì diện tích đất đã được tăng lên nhanh chóng và đạt đến 1.170.000 ha (1890); 1.530.000  ha (1910), 1.930.000 ha (1920), 2.200.000 ha (1935).

Các kênh khi mở ra đã là các điểm tựa làm nhà chống lũ, phân bổ lại dân cư để tiến sâu vào khai phá những vùng đất mới còn hoang hóa, tạo ra mạng lưới giao thông thủy thuận tiện cho phát triển kinh tế, mở rộng giao lưu đời sống xã hội ở nông thônăối các đô thị trong vùng.

Với đặc điểm địa hình trũng thấp, chế độ lũ, triều phức tạp ở đồng bằng sông Cửu Long đã làm cho 1,6 triệu ha bị chua phèn, trên 80 vạn ha bị nhiễm mặn nhưng với các giải pháp làm kênh dẫn nước ngọt từ sông Tiền, sông Hậu vào để ém phèn rồi lại xổ phèn qua hệ thống kênh cống, đập đã cải tạo dần được vùng đất phèn rộng lớn ở Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên… và với nhiều con đập và cống lớn nhỏ được xây dựng ở các cửa sông để giữ ngọt, ngăn mặn xâm nhập và rửa mặn trên đồng ruộng đã cải tạo dần được hàng trăm ngàn ha đất bị nhiễm mặn, chua phèn.

b. Thủy lợi đã và đang cải tạo những vùng đất “chiêm khê mùa thối” chấm dứt được cảnh “sống ngâm da, chết ngâm xương” và các bệnh đau mắt hột ở các vùng chiêm trũng, tiêu thoát nước thải bẩn, nước gây ngập úng khi mưa và triều dâng cho nhiều đô thị.

6. Các hồ chứa nước thuỷ lợi đã tạo điều kiện cho phát triển du lịch, nghỉ ngơi

Trong những năm qua, nhiều hồ chứa nước không chỉ cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt của dân cư trong vùng mà còn tạo nên những vùng sinh thái có cảnh quan đẹp, không khí trong lành, biến những vùng đất hoang sơ thành những khu du lịch, nghỉ ngơi, góp phần phân bố lại dân cư, tạo việc làm và thu nhập cho nhiều người lao động. Các công trình như vậy hầu như có ở rất nhiều địa phương, trong đó phải kể đến các vùng nổi tiếng như các hồ Thác Bà, Hoà Bình, Dầu Tiếng, Đồng Mô, Suối Hai, Núi Cốc, Cấm Sơn, Đại Lải và nhiều nơi khác..

7. Đóng góp vào việc quản lý tài nguyên nước và phát triển thủy điện

Bộ Thủy lợi trước đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ngày nay cũng đã làm nhiều công việc để quản lý có hiệu quả nguồn tài nguyên nước như quản lý lưu vực sông, quản lý rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ để bảo vệ và phát triển nguồn nước, chống làm nhiễm bẩn và cạn kiệt nguồn nước, sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả tài nguyên nước thông qua việc xây dựng Luật Tài nguyên nước và nhiều văn bản dưới luật. Các nhà khoa học Thuỷ lợi cũng đã nghiên cứu và phối hợp với nhiều ngành, nhiều tỉnh để lập quy hoạch lưu vực sông, sử dụng tổng hợp tài nguyên nước, phát triển thuỷ điện kết hợp với thủy lợi và sử dụng nguồn nước để cải tạo đất, chống xâm nhập mặn và cải tạo môi trường sinh thái, tạo ra nguồn năng lượng sạch và có thể tái tạo đảm bảo an ninh năng lượng, phục vụ phát triển bền vững nền kinh tế của đất nước trong những năm qua.

II. Nhiệm vụ phải vươn tới

Bên cạnh những kết quả đạt được là rất to lớn, hiện nay vẫn còn khoảng 1,3 triệu ha đất sản xuất lúa vùng ven biển bị xâm nhập mặn ở ĐBSCL, các vùng khô hạn gay gắt ở miền Trung, Tây nguyên, miền núi và một số vùng úng ngập ở đồng bằng Bắc Bộ chưa có đủ công trình tưới, tiêu chủ động. Về mùa kiệt, cả nước còn khoảng 1,7 triệu ha đất bị ảnh hưởng xâm nhập mặn do thuỷ triều, nếu không có các biện pháp ngăn chặn kịp thời thì thiệt hại sẽ lớn hơn, nhất là trong xu thế  biến động  về khí hậu trên qui mô toàn cầu.

Công tác phòng chống, giảm nhẹ thiên tai cũng còn nhiều bất cập, chưa thực sự vươn tới để chủ động tìm các giải pháp hiệu quả như: dự báo lũ, bão …để  có giải pháp đối phó kịp thời, đỡ tốn kém. Chưa có nghiên cứu đầy đủ để dự báo diễn biến lòng sông, dòng chảy của hệ thống sông  Hồng sau nhà máy thuỷ điện Hoà Bình và Sơn La; ta cũng chưa có chiến lược hợp tác với các nước thượng nguồn sông Mê Kông để cảnh báo lũ ở sông Tiền, sông Hậu được dài ngày hơn. Chưa quan tâm đầy đủ việc nghiên cứu dự báo xói lở, bồi lấp ở một số vùng, bờ sông, bờ biển, cửa sông để có biện pháp kỹ thuật phù hợp chủ động phòng ngừa; công tác qui hoạch phòng chống lũ, đề xuất giải pháp nâng cao năng lực, chất lượng công tác phòng chống thiên tai… cần được xem xét định kỳ để có những điều chỉnh và bổ sung phù hợp.

Những năm gần đây, cũng giống như nhiều nước khác, khí hậu nước ta đã có những biến đổi rõ rệt: nhiệt độ nóng lên;  mực nước biển dâng cao hơn; các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng diễn biến phức tạp khó lường, thiên tai trở nên khốc liệt hơn; một số dạng tài nguyên thiên nhiên mất đi, hoặc biến đổi theo chiều hướng bất lợi. Các loại hình thiên tai như bão, lũ lụt, lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn,… liên tiếp xảy ra gây thiệt hại lớn về người và của cải, chỉ trong thời gian từ 1997 đến 2007, bình quân mỗi năm gây tử vong 734 người và thiệt hại về vật chất khoảng 1,3% GDP[7], đó là chưa kể đến những tác động xấu đến môi trường sinh thái mà có thể phải nhiều năm sau mới khắc phục được. Tình hình nói trên đòi hỏi công tác Thuỷ lợi phải thực hiện nhiều giải pháp nhằm chủ động đối phó và giảm nhẹ những tác động xấu do thiên tai gây ra, trước hết là một số giải pháp chính sau đây:

a. Nhiệm vụ chung

Để ứng phó với những thách thức do biến đổi khí hậu, công tác thuỷ lợi phục vụ gieo trồng lúa cần tập trung vào một số giải pháp chính sau:

1- Bằng nhiều các hình thức khác nhau cần tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong nhân dân về những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với đời sống kinh tế, xã hội và môi trường, trong đó Việt Nam là một trong 5 nước bị ảnh hưởng lớn nhất. Do vậy cần chủ động ứng phó với những diễn biến bất thường của thời tiết, sẵn sàng sống chung với biến đổi khí hậu, không bất ngờ đối với các hiện tại thời tiết cực đoan, sẵn sàng chuyển dịch mùa vụ, giống cây trồng, vật nuôi thích nghi với thời tiết, khí hậu và môi trường sinh thái.

2- Thuỷ lợi cần tiếp tục được nghiên cứu, đầu tư xây dựng và áp dụng các thành tựu tiên tiến về khoa học - công nghệ để đạt được năng suất, chất lượng và hiệu quả cao hơn trong công tác thuỷ lợi, phục vụ đắc lực nền nông nghiệp đa dạng và bền vững, trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh của mỗi vùng sinh thái và của cả nước; tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn đảm bảo an ninh lương thực, phát triển các loại nông sản hàng hóa, đặc biệt là gieo trồng luá nước, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

3- Trong những năm từ nay đến năm 2020, tiếp tục phát huy năng lực của các công trình hiện có, đồng thời đầu tư xây dựng thêm các công trình mới để đảm bảo cung cấp nước phục vụ khai thác 11,4 triêu ha đất nông nghiệp trong đó đất lúa là 4,1 triệu ha, đưa diện tích gieo trồng lúa lên 7,6 triệu ha các vụ trong năm theo quy hoạch . Ngoài ra còn cung cấp đủ nước phục vụ sinh hoạt, công nghiệp và dịch vụ, các loại cây công nghiệp, cây lương thực khác, hoa mầu, nuôi trồng thuỷ sản và cải tạo môi trường.

4- Nâng cao mức an toàn phòng chống và thích nghi để giảm thiểu tổn thất do thiên tai gây ra trên các lưu vực sông lớn ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, các sông ở vùng Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ đảm bảo chống lũ chủ động, bảo vệ dân cư và sản xuất các vụ hè thu, đông xuân với tần xuất 5-10%. Đối với ĐBSCL cần hình thành các điểm dân cư an toàn lũ ở vùng ngập nông, đảm bảo các điều kiện thích nghi và an toàn cho dân cư để sản xuất ở vùng ngập sâu. Tiếp tục củng cố các hệ thống bờ bao và các công trình kiểm soát lũ ở mức cao hơn. Nâng cấp hệ thống đê biển, đê cửa sông, đê sông đảm bảo chống được mức nước triều tần suất 5% ứng với bão cấp 10 và tiếp tục nâng cao theo tốc độ dâng lên của nước biển.

5- Tổ chức xây dựng quy hoạch chung để phát triển tài nguyên nước ở các lưu vực sông, khai thác, sử dụng tổng hợp và phát triển bền vững tài nguyên nước, chống làm ô nhiễm, thất thoát và cạn kiệt tài nguyên nước, sử dụng tiết kiệm nguồn nước.

6- Tiếp tục đào tạo đội ngũ, nâng cao năng lực và trình độ khoa học, công nghệ về nghiên cứu đánh giá nguồn nước, quy hoạch, thiết kế, vật liệu xây dựng các công trình thuỷ lợi, quản lý tài nguyên nước, quản lý khai thác các công trình thuỷ lợi đạt mức trên trung bình so với các nước châu Á vào năm 2020[6]. Tăng năng lực và chất lượng dự báo, cảnh báo khí tượng, thuỷ văn, bão, lũ, sạt lở và các hiện tượng thời tiết cực đoan khác, phục vụ có hiệu quả sản xuất lúa và các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

b. Về một số giải pháp cụ thể:

1- Cần rà soát và đẩy nhanh tiến độ củng cố, tăng cường tuyến đê biển, đê cửa sông các cầu, cống đoạn từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang; trong đó cần đặc biệt quan tâm tuyến đê biển miền Tây Nam Bộ, đảm bảo ngăn mặn tràn vào đồng ruộng khi triều dâng và giữ được nguồn nước ngọt của sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Cỏ để phục vụ sản xuất và tiếp tục cải tạo các vùng đất chua phèn. Quy hoạch chia sẻ nguồn nước khu vực đồng bằng sông Cửu Long, cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, cải tạo đất. Cung cấp nguồn nước cho nưôi trồng và làm sạch môi trường tại các vùng nuôi trồng thuỷ sản theo quy hoạch. Nghiên cứu các giải pháp cung cấp nước mặn cho nghề sản xuất muối ở miền Trung theo các phương pháp hiện đại.

2- Trong hệ thống sông Hồng đã xây dựng các hồ chứa lớn như Sơn La, Hoà Bình, Thác Bà, Tuyên Quang…có khả năng chủ động điều tiết lưu lượng nước hằng năm. Tuy nhiên    cần tiếp tục nghiên cứu, tính toán các giải pháp vận hành liên hồ chứa theo các kịch bản của  biến đổi khí hậu để cân đối việc cung cấp nguồn nước nhằm đảm bảo cho các nhu cầu phát điện, dự trữ nước cho sản xuất nông nghiệp vùng đồng bằng châu thổ, hỗ trợ giao thông thuỷ về mùa kiệt, bảo vệ đê điều và an toàn dân cư trong mùa mưa lũ cho vùng sản xuất lúa gạo lớn  thứ hai của đất nước, trong đó có Thủ đô Hà Nội.

3- Tiếp tục củng cố hệ thống đê sông Hồng, sông Thái Bình để nâng cao mức đảm bảo an toàn của công trình có thể chống với mức lũ thiết kế 13,4m ở Hà Nội, 7,2m[6] ở Phả Lại, chống đỡ hiệu quả với mức nước của các trận lũ lịch sử đã xảy ra trên vùng đồng bằng sông Hồng.  Nghiên cứu các giải pháp củng cố và nâng cấp đê biển đảm bảo an toàn cho hệ thống đê  biển phía đông, đông – nam vùng đồng bằng và các vùng dân cư ven biển chống đỡ có hiệu quả xâm nhập mặn khi triều cường và bão lớn gây ra.

4- Đẩy nhanh tiến độ nâng cấp, xây dựng hoàn chỉnh, từng bước hiện đại hoá các công trình thuỷ lợi hoặc cụm công trình thuỷ lợi hiện có tại các vùng trung du, miền núi phía Bắc, Nam  Trung Bộ và Tây Nguyên; vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo để giải quyết nước tưới cho lúa, rau màu, cây công nghiệp, nước sinh hoạt gắn với địa bàn sản xuất nông, lâm, ngư kết hợp ruộng bậc thang, thực hiện mục tiêu xoá đói giảm nghèo, định canh định cư và an ninh quốc phòng biên giới, hải đảo.

5-Tiếp tục chương trình phục hồi, nâng cấp các hệ thông công trình thuỷ nông đã có như kiên cố hoá kênh mương, sửa cống, cải tạo thay thế máy bơm, hiện đại hoá trang thiết bị quản lý vận hành các công trình thuỷ lợi, chủ động giải quyết vấn đề tưới nước, tiêu úng phục vụ sản xuất và nhu cầu dân sinh. Kết hợp “cứng hoá” kênh mương với việc tiết kiệm đất, tiết kiệm nước, tăng khả năng ổn định tưới tiêu đảm bảo thâm canh, tăng vụ, chuyển vụ và kết hợp nâng cao năng lực giao thông nông thôn.

6- Tiến hành khảo sát, đánh giá, mô phỏng quy luật để cảnh báo các vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét thường xuyên, thực hiện các giải pháp phù hợp để bảo vệ dân cư, sản xuất, giảm thiểu thiệt hại do lũ và lũ quét gây ra, ngăn ngừa tình trạng sạt lở đất làm tắc nghẽn giao thông, nhất là ở các tỉnh vùng núi phía Bắc, Tây Bắc, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.

7- Trong tình hình nguồn nước đang dần cạn kiệt như hiện nay và trong tương lai chắc chắn sẽ còn nhiều khó khăn do biến đổi khí hậu, để tránh phụ thuộc chủ yếu vào nguồn nước từ bên ngoài, cần tăng cường bảo vệ và phát triển vốn rừng, rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, nâng độ che phủ của rừng vùng Tây Bắc và Đông Bắc Bắc Bộ, vùng Bắc và Nam Trung Bộ, Tây Nguyên lên 55-60% và cao hơn[7]... Coi việc bảo vệ rừng là một trong những giải pháp để hạn chế tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu đồng thời duy trì và phát triển nguồn nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện môi trường. Quan tâm bảo vệ hệ thống rừng trên cát, rừng ngập mặn dọc bờ biển để giảm xói mòn đất, hạn chế tác hại của bão lũ, giảm nạn cát bay, cát nhảy; góp phần bảo vệ sản xuất và dân cư vùng ven biển.

8- Rà soát và xây dựng hoàn chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo từng lưu vực sông, không phân biệt ranh giới hành chính, có sự phân công và đồng thuận của các tỉnh, thành phố, các vùng dân cư trong lưu vực. Quản lý chặt chẽ nguồn lực tài nguyên nước, bảo vệ môi trường nước; định kỳ công bố chất lượng nước các dòng sông; kiểm tra, giám sát chặt chẽ các nguồn nước từ các khu công nghiệp, đô thị, các làng nghề thải ra sông  gây ô nhiễm nước, các hệ sinh thái và các hệ thống thuỷ nông vùng đồng bằng.

9- Nghiên cứu diễn biến xói lở bờ, chỉnh trị các sông lớn như Hồng, sông Tiền, sông Hậu, sông Sài Gòn, sông Thu Bồn, sông Cái Nha Trang, sông Trà Khúc, Trà Cầu, Bàn Thạch,  sông Ba … để tăng khả năng thoát lũ, ổn định lòng sông, bãi sông, bảo vệ các khu dân cư và đất canh tác ven sông.

10- Tích cực nghiên cứu, triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học thuỷ lợi phục vụ phát triển kinh tế, xã hội trong thời kỳ biến đổi khí hậu như bảo vệ sản xuất, phòng tránh thiên tai. Ứng dụng các giải pháp tưới tiêu khoa học để tiết kiệm nước.  Tiếp tục đầu tư xây dựng các công trình lớn sử dụng tổng hợp tài nguyên nước: phát điện, tưới, cấp nước sinh hoạt, nông nghiệp, công nghiệp, các nhu cầu kinh tế - xã hội khác và cải thiện môi trường sinh thái.         

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Át lát công trình Thuỷ lợi ở Việt Nam  (Bộ Nông nghiệp &PTNN - 2003).

[2] Niên giám thống kê 2008 (NXB Thống kê - 2009)

[3] Số liệu tổng hợp của Viện Khoa học Thuỷ lợi Việt Nam (2009).

[4]Số liệu thống kê Nông-Lâm nghiệp, Thuỷ sản VN (1975-2000).

[5] Niên giám thống kê 2007 (NXB Thống kê - 2008).

[6]Chiến lược Phát triển Thuỷ lợi đến năm 2020 (http://www.agroviet.gov.vn).

[7]Đề án xây dựng kế hoạch phòng tránh, khắc phục hậu quả thiên tai, ứng phó giảm nhẹ tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu (Bộ NN&PTNT - 2008).

 

Tác giả: PGS.TS. Lê Mạnh Hùng
Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam

 

Nguồn: Tạp chí KH&CN Thủy lợi Viện KHTLVN