Điều ít biết về 4 công trình thủy lợi quan trọng đặc biệt

2021.09.03 - 1998 lượt xem

4 công trình quan trọng đều là hồ, đập thủy lợi, có nhiệm vụ chống, giảm lũ; tạo nguồn nước tưới ổn định cho hơn 350.000ha; đẩy mặn, cải thiện môi trường vùng hạ lưu...

Theo thống kê của Tổng cục Thủy lợi, đến nay, nước ta đã xây dựng được trên 900 hệ thống thủy lợi có quy mô diện tích phục vụ từ 200ha trở lên, trong đó 122 hệ thống thủy lợi vừa và lớn với diện tích phục vụ trên 2.000ha. Cả nước hiện có 7.342 đập, hồ chứa thủy lợi có dung tích trữ từ 50.000m3 hoặc chiều cao đập từ 5m trở lên.

Tổng năng lực tưới của hệ thống các công trình thủy lợi đạt 4,28 triệu ha, trong đó hàng năm bảo đảm cấp nước cho 7,3 triệu ha đất trồng lúa, 1,72 triệu ha rau màu; trên 6 tỷ m3 nước sinh hoạt và công nghiệp; bảo đảm phòng, chống lũ, chống ngập cho các đô thị, khu dân cư, bảo vệ sản xuất…

Trong đó, nhiều công trình thủy lợi có quy mô rất lớn được xếp hạng quan trọng đặc biệt. Cụ thể, theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 4/9/2018 của Chính phủ về an toàn hồ đập: “Hồ chứa nước quan trọng đặc biệt là hồ có dung tích toàn bộ từ 1 tỷ m3 trở lên hoặc hồ chứa nước có dung tích từ 500 triệu m3 đến dưới 1 tỷ m3 mà vùng hạ du đập là thành phố, thị xã, khu công nghiệp, công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia”.

Đập quan trọng đặc biệt là đập có chiều cao từ 100m trở lên hoặc đập của hồ chứa nước quan trọng đặc biệt.

Thực hiện quy định của Chính phủ về quản lý an toàn hồ đập, Bộ NN-PTNT đã chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan trình Thủ tướng Chính phủ danh mục đập, hồ chứa thủy lợi quan trọng đặc biệt.

Trên cơ sở đó, tháng 1/2019, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 124 ban hành danh mục đập, hồ chứa thủy lợi thuộc loại đập, hồ chứa nước quan trọng đặc biệt, gồm 4 công trình: hồ Dầu Tiếng (tỉnh Tây Ninh), hồ Cửa Đạt (tỉnh Thanh Hóa), hồ Ngàn Trươi (tỉnh Hà Tĩnh), hồ Tả Trạch (tỉnh Thừa Thiên Huế).

Hồ chứa nước Dầu Tiếng

Hồ chứa nước Dầu Tiếng là hồ thủy lợi có dung tích lớn nhất cả nước (158 tỷ m3), được xây dựng từ năm 1981 và hoàn thành đưa vào vận hành khai thác năm 1985. Hồ vừa là công trình quan trọng đặc biệt, vừa là công trình liên tỉnh phụ vụ cho 5 địa phương (Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Long An và Thành phố Hồ Chí Minh).

Hồ chứa nước Dầu Tiếng (tỉnh Tây Ninh).

Nhiệm vụ của hồ Dầu Tiếng là tưới trực tiếp cho 63.000ha, tạo nguồn nước cho 41.000ha ven sông Sài Gòn và Vàm Cỏ Đông; tạo nguồn nước cấp cho các nhà máy nước Thủ Dầu Một, Thành phố Hồ Chí Minh; phòng chống lũ cho hạ du và tận dụng mặt nước hồ để nuôi cá; đẩy ranh mặn xuống dưới rạch Tra trên sông Sài Gòn và dưới Xuân Khánh trên sông Vàm Cỏ Đông, góp phần làm giảm mức độ ô nhiễm trên sông Sài Gòn và hệ thống kênh rạch trong vùng vào thời đoạn khô hạn.

Hồ chứa nước Dầu Tiếng được Bộ NN-PTNT giao Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi Dầu Tiếng – Phước Hòa quản lý từ năm 1995, phục vụ tốt các nhu cầu về nước cho 5 tỉnh, thành phố vùng hưởng lợi. Từ lợi thế của công trình, Công ty Dầu Tiếng – Phước Hòa ngày càng mở rộng sản xuất, kinh doanh trong việc cung cấp nhiều loại sản phẩm, dịch vụ thủy lợi khác, mang lại nguồn thu cho doanh nghiệp.

Đập, hồ chứa nước Cửa Đạt

Hồ chứa nước Cửa Đạt có dung tích 1,45 tỷ m3, đã đưa vào khai thác từ năm 2010. Công trình đầu mối thủy lợi Cửa Đạt được xây dựng ở khu vực có điều kiện địa chất phức tạp, là một trong những công trình lần đầu tiên áp dụng loại đập đá đổ bản mặt bê tông ở Việt Nam.

Hồ Cửa Đạt (tỉnh Thanh Hóa).

Hồ Cửa Đạt có nhiệm vụ tạo nguồn nước tưới ổn định cho 86.862ha đất canh tác; giảm lũ với tần suất P = 0,6%, đảm bảo mực nước tại Xuân Khánh không vượt quá +13,71m (lũ lịch sử năm 1962); cấp nước cho công nghiệp và sinh hoạt với lưu lượng Q = 7,715 m3/s; kết hợp phát điện với công suất máy N = 97MW; bổ sung nước mùa kiệt cho hạ lưu sông Mã để đẩy mặn, cải tạo môi trường sinh thái với lưu lượng Q = 30,42m3/s.

Cuối năm 2018, Bộ NN-PTNT đã thống nhất với UBND tỉnh Thanh Hóa để bàn giao hồ chứa nước Cửa Đạt về Bộ quản lý. Từ ngày 1/2/2019, hồ Cửa Đạt chính thức được Bộ NN-PTNT giao Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 3 là chủ thể khai thác công trình.

Đập, hồ chứa nước Tả Trạch

Đập, hồ chứa nước Tả Trạch, tỉnh thừa Thiên Huế có dung tích 646 triệu m3, vùng hạ du có thành phố Huế, từng là kinh đô của Việt Nam thời phong kiến nhà Nguyễn và có nhiều di sản được UNESCO công nhận.

Đập, hồ chứa nước Tả Trạch ( tỉnh Thừa Thiên Huế).

Hồ Tả Trạch có nhiệm vụ chống lũ tiểu mãn, lũ sớm, giảm lũ chính vụ cho hệ thống sông Hương; cấp nước cho sinh hoạt và công nghiệp với lưu lượng Q = 2m3/s; tạo nguồn nước tưới ổn định cho 34.782ha đất canh tác thuộc vùng đồng bằng sông Hương.

Đồng thời, hồ Tả Trạch còn bổ sung nguồn nước ngọt cho hạ lưu sông Hương để đẩy mặn, cải thiện môi trường vùng đầm phá, phục vụ nuôi trồng thủy sản với lưu lượng Q = 25m3/s; phát điện với công suất lắp máy N = 21MW.

Hồ chứa nước Tả Trạch được vận hành thử nghiệm từ năm 2017. Đến năm 2018, Bộ NN-PTNT giao Ban Quản lý đầu tư xây dựng thủy lợi 5 là chủ thể khai thác công trình.

Để kiện toàn đơn vị khai thác công trình thủy lợi theo Luật Thủy lợi, Bộ NN-PTNT đã xây dựng Đề án thành lập tổ chức quản lý, khai thác công trình quan trọng đặc biệt, hồ chứa nước Cửa Đạt và hồ chứa nước Tả Trạch và đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương thành lập 2 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thực hiện nhiệm vụ công ích.

Ngày 26/11/2020, Bộ NN-PTNT đã ban hành quyết định thành lập 2 doanh nghiệp. Hiện nay, các doanh nghiệp đang trong quá trình hoàn thiện các thủ tục để chính thức hoạt động.

Đập, hồ chứa nước Ngàn Trươi

Đập, hồ chứa nước Ngàn Trươi nằm trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có dung tích 775 triệu m3, vùng hạ du hồ có đường dây tải điện 500KV Bắc - Nam, tuyến đường sắt Bắc – Nam, đường Hồ Chí Minh. Đây là các công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia.

Toàn cảnh khu vực đập, hồ chứa nước Ngàn Trươi (tỉnh Hà Tĩnh).

Hồ Ngàn Trươi gồm đập ngăn sông dài 363m, chiều cao lớn nhất 64,8m, bề rộng đỉnh đập 12m và đập phụ dài 213m, chiều cao lớn nhất 26,5m. Công trình có nhiệm vụ cắt giảm lũ cho hạ du, đặc biệt là vùng Hương Khê, Vũ Quang (tỉnh Hà Tĩnh); cấp nước và tạo nguồn cho hệ thống kênh Linh Cảm đã có, cấp nước tưới cho khoảng 18.000ha đất canh tác; tạo nguồn cấp nước cho công nghiệp 6m3/s kết hợp phát điện khoảng 15MW và cải tạo môi trường sinh thái.

Như vậy, 4 công trình quan trọng đặc biệt cấp quốc gia đều là hồ, đập thủy lợi, có nhiệm vụ chống lũ tiểu mãn, lũ sớm, giảm lũ chính vụ; cấp nguồn cho các nhà máy sản xuất nước sinh hoạt và công nghiệp; tạo nguồn nước tưới ổn định cho hơn 350.000ha; bổ sung nguồn nước ngọt cho hạ lưu để đẩy mặn, cải thiện môi trường vùng hạ lưu; cấp nước phục vụ nuôi trồng thủy sản, kết hợp phát điện.

Đập Ngàn Trươi được đưa vào khai thác từ đầu năm 2019. Năm 2020, Bộ NN-PTNT cũng đã tạm giao Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 4 quản lý công trình. Ban Cán sự Đảng bộ NN-PTNTđã có chỉ đạo về chủ trương giao Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi Cửa Đạt quản lý công trình đầu mối (sau khi Công ty chính thức đi vào hoạt động).

Như vậy, Bộ NN-PTNT đã dần hoàn thiện đối với công tác thành lập doanh nghiệp để quản lý công trình quan trọng đặc biệt đúng với quy định của Luật Thủy lợi.

Nguồn: nongnghiep.vn