Nghiên cứu lộ trình tích hợp quy hoạch và quản lý bền vững lưu vực sông Hồng dựa trên hướng tiếp cận cảnh quan và dựa trên hệ sinh thái

2020.06.22 - 4187 lượt xem

Trên lưu vực sông Hồng trong những năm gần đây, những hoạt động trong lĩnh vực sử dụng đất, quản lý và sử dụng nguồn nước một mặt đã mang lại những tác động nhanh chóng và tích cực đến phát triển kinh tế-xã hội nhưng mặt khác cũng để lại những ảnh hưởng đến môi trường, đặc biệt là môi trường nước. Các quá trình đô thị hóa, phá rừng, nông nghiệp thâm canh, v.v… đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng như ô nhiễm, suy thoái hệ sinh thái, tăng lượng phát thải khí nhà kính, thiếu hụt nước ngọt...Đây có thể gọi là vấn đề mất cân bằng nghiêm trọng giữa quá trình phát triển kinh tế xã hội với bảo tồn quỹ tài nguyên đất và nước.

 

Viện Quy hoạch Thủy lợi, Bộ NN&PTNT phối hợp với Đại học công nghệ Delft, Hà Lan (TU Delft), Viện Giáo dục Nước quốc tế (IHE-Delft) cùng với một số đối tác khác tại Việt Nam và Hà Lan đã thực hiện thành công Dự án nghiên cứu về “Lộ trình tích hợp quy hoạch và quản lý bền vững lưu vực sông Hồng dựa trên hướng tiếp cận cảnh quan và dựa trên hệ sinh thái”. Dự án do Quỹ CGIAR (Nhóm tư vấn nghiên cứu nông nghiệp quốc tế) tài trợ thực hiện trong 3 năm 2016-2018.

Dự án này được thực hiện trên lưu vực sông Hồng kết hợp nghiên cứu điển hình cho lưu vực sông Đáy, một phân lưu của lưu vực Sông Hồng. Lưu vực sông Đáy có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với thủ đô Hà Nội, đây là nơi mà hầu hết những vấn đề nóng kể trên đã có những biểu hiện rõ rệt. Yêu cầu được đặt ra ở đây là cần phải có những chiến lược để phát triển kinh tế nhưng vẫn đảm bảo bền vững các nguồn tài nguyên đất và nước. Các bài toán này đã được thực hiện thông qua các đối thoại đa ngành trong hệ thống lưu vực sông Đáy, trong đó sử dụng các kịch bản phát triển kinh tế xã hội, mức độ phát thải, cùng với sự hỗ trợ bởi các công cụ của khoa học cộng đồng, bao gồm cả việc ứng dung và phát triển các công cụ khoa học mới như Kế toán nước (Water Accounting - WA+). Kết quả của dự án đã chỉ ra Lộ trình phát triển phù hợp cho lưu vực sông Đáy, trong đó tích hợp phát triển cảnh quan của lưu vực sông trong tương lai mà có thể cân bằng được giữa các động lực phát triển kinh tế, cùng với mức sử dụng tối thiểu các nguồn tài nguyên đất và nước, để đảm bảo tối ưu hóa các lợi ích xã hội và môi trường trong nhiều thập kỷ tiếp theo.

Các hoạt động và kết quả chính của dự án gồm:

  • Nghiên cứu cải thiện chất lượng lập quy hoạch tài nguyên nước và quy hoạch thủy lợi (dựa trên cơ sở hệ sinh thái)
  • Quan trắc dịch vụ sinh thái sử dụng công nghệ viễn thám, khoa học cộng đồng và các công nghệ quan trắc khác.
  • Sự thích ứng, sự tham gia, các kịch bản và các lộ trình phát triển.
  • Phát triển mô hình khí tuợng- thủy văn và trích xuất kết quả dạng số của các yếu tố khí tượng, khí hậu thủy văn cơ bản làm đầu vào cho mô hình thủy lực (nhiệt độ, độ ẩm, lượng mưa, bốc hơi)
  • Phát triển mô hình thủy lực tích hợp với mô hình khí tượng thủy văn, mô tả hệ thống mạng sông và mô hình dòng chảy 1D & 2D.
  • Quy hoạch phát triển bền vững lưu vực đồng bằng sông Hồng trong điều kiện biến đổi khí hậu
  • Mô hình mô phỏng khí tượng, thủy văn & thủy lực hỗ trợ quy hoạch phát triển bền vững cảnh quan sông Hồng
  • Xây dựng mô hình tích hợp quản lý cơ sở dữ liệu khí hậu, khí tượng, thủy văn lưu vực- phụ lưu sông Đà- sông Đáy.
  • Tổ chức tập huấn định kỳ và chuyển giao kết quả cho các cơ quan quản lý và cơ quan chuyên môn, nghiên cứu phía Việt Nam (Bộ NN&PTNT và Bộ TNMT).

Một số kết quả của dự án:

Hình 1. Bản đồ bốc hơi trung bình năm thực tế giai đoạn 2003-2012 cho lưu vực sông Hồng

Hình 2. Bản đồ lượng mưa góp phần sản sinh dòng chảy (chênh lệch giữa mưa và bốc hơi) trung bình năm thực tế giai đoạn 2003-2012 cho lưu vực sông Hồng

Nguồn: Phòng Đào tạo, Hợp tác quốc tế - IWRP

Tin cùng loại