2023.08.04 - 3445 lượt xem
Ngày 02 tháng 8 năm 2023, Viện Quy hoạch Thủy lợi phối hợp cùng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) tổ chức Diễn đàn các nhà khoa học trẻ vì tài nguyên nước bền vững năm 2023 (viết tắt là YP4W 2023), với chủ đề “An ninh nguồn nước và khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu tại Việt Nam”.
Tham dự khai mạc diễn đàn, về phía Viện Quy hoạch Thủy lợi có ông Thái Gia Khánh, Phó viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi và lãnh đạo, chuyên viên Phòng Đào tạo, Hợp tác quốc tế. Về phía UNESCO có bà Trần Lan Hương, Trưởng Ban Khoa học Tự nhiên của UNESCO tại Việt Nam. Diễn đàn có sự tham gia của hơn 40 đại biểu là các chuyên gia trẻ Việt Nam làm việc trong lĩnh vực tài nguyên nước, môi trường, tài nguyên thiên nhiên và lĩnh vực liên quan đến từ các cơ quan của chính phủ, trường đại học, các tổ chức phi chính phủ v.v.
Phát biểu khai mạc chương trình, ông Thái Gia Khánh, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi đã có những giới thiệu ngắn gọn về Viện cũng như các hoạt động chuyên môn liên quan đến vấn đề đảm bảo an ninh nguồn nước tại Việt Nam trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang gia tăng. Đồng thời ông mong muốn diễn đàn là nơi các nhà khoa học trẻ sẽ có những chia sẻ, cập nhật kiến thức, cũng như thảo luận về các thách thức an ninh nguồn nước ở Việt Nam và kinh nghiệm liên quan trong giải quyết các thách thức này đồng thời thúc đẩy hình thành được Mạng lưới các nhà khoa học trẻ vì tài nguyên nước bền vững tại Việt Nam.
Về phía UNESCO, ông Michael Croft – Quyền Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam phát biểu rằng ông hy vọng rằng diễn đàn này sẽ đóng vai trò thúc đẩy sự hiểu biết chung về sự phức tạp của các vấn đề liên quan đến an ninh nguồn nước hiện nay, nhằm giúp nuôi dưỡng một cách tiếp cận chung - để thảo luận về cách tốt nhất mà tất cả chúng ta có thể làm việc cùng nhau và thúc đẩy các chuyên gia trẻ để hỗ trợ Việt Nam trong các nỗ lực quản lý nước hướng tới phát triển bền vững. Thay mặt cho UNESCO Việt Nam ông cũng gửi lời cảm ơn Viện Quy hoạch Thủy lợi đã đồng tổ chức diễn đàn này và tin rằng kết quả của diễn đàn này sẽ khởi đầu nền tảng quốc gia cho những người trẻ tuổi chung tay giải quyết những thách thức chính trong nước.
Diễn đàn bao gồm 3 phiên: Phiên chuyên đề, phiên tọa đàm và phiên thảo luận nhóm theo hình thức World Café.
Tại phiên chuyên đề các đại biểu đã được cập nhật các kiến thức từ diễn giả quốc tế và tại Việt Nam, cụ thể: “An ninh nguồn nước trong điều kiện biến đổi khí hậu từ quan điểm mối quan hệ Nước-Lương thực-Năng lượng: Triển vọng Khu vực Mekong” được trình bày bởi TS. Alex Alex Smajgl - Giám đốc điều hành Viện nghiên cứu tương lai khu vực Mekong (MERFI) và “An ninh nguồn nước tại Việt Nam: nhận diện các thách thức và định hướng giải pháp” trình bày bởi PGS.TS Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng phòng Quy hoạch Thủy lợi Bắc Bộ, Viện Quy hoạch Thủy lợi. Đồng thời tại phiên này đã nhận được sự quan tâm lớn của đại biểu với các câu hỏi đã được các diễn giả giải quyết thỏa đáng.
Với các kiến thức được cập nhật từ các phiên chuyên đề, tại phiên thảo luận với các câu hỏi được Ban tổ chức đặt ra đã nhận được rất nhiều các chia sẻ, quan điểm, sáng kiến của các nhà khoa học trẻ để giải quyết các vấn đề liên quan đến an ninh nguồn nước và biến đổi khí hậu. Với hình thức world café các đại biểu đều được tham gia một cách tích cực và toàn diện đặc biệt là sự tham gia chủ động của các đại biểu nữ tại phần thuyết trình kết quả thảo luận.
Tiếp tục chương trình, tại phiên tọa đàm với các khách mời là các chuyên gia giàu kinh nghiệm đến từ nhiều đơn vị khác nhau trong lĩnh vực tài nguyên nước: TS. Đào Trọng Tứ, Phó Giám đốc Trung tâm phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu (CEWAREC); PGS.TS Đỗ Hoài Nam - Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Hợp tác quốc tế, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam; TS Nguyễn Thúy Anh - Cán bộ thuộc Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường; và Ths Trần Lan Hương - Trưởng ban Khoa học Tự nhiên, UNESCO tại Việt Nam các đại biểu đã được lắng nghe những chia sẻ và đặt ra rất nhiều câu hỏi cho các khách mời về các thách thức của Việt Nam trong đảm bảo an ninh nguồn nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu, cũng như những giải pháp nhằm giải quyết các thách thức này. Các câu hỏi của đại biểu đều được các khách mời giải đáp với các góc nhìn đa chiều và toàn diện.
Chương trình Diễn đàn đã được tổ chức thành công với nhiều nhận xét tích cực của các đại biểu về nội dung cũng như công tác tổ chức của chương trình. Các đại biểu đều mong muốn được tham gia nhiều hơn nữa trong các chương trình tương tự.
Một số hình ảnh của Diễn đàn:
Phát biểu của ông Thái Gia Khánh, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi
Phát biểu của ông Michael Croft- Quyền Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam
Bà Trần Lan Hương - Trưởng ban KHTN Unesco
Ông Hà Thanh Lân - Trưởng phòng Đào tạo, Hợp tác quốc tế, Viện Quy hoạch Thủy lợi
Bài trình bày của PGS.TS Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng phòng Quy hoạch Thủy lợi Bắc Bộ, Viện Quy hoạch Thủy lợi
Bài trình bày của TS. Alex Alex Smajgl - Giám đốc điều hành Viện nghiên cứu tương lai khu vực Mekong (MERFI)
Phiên thảo luận
Thuyết trình kết quả
Phần thi minigame
Trao quà phần thi minigame
Phiên toạ đàm với các khách mời
Các thành viên tham gia Diễn đàn chụp ảnh lưu niệm
Thông tin chung về Diễn đàn:
Diễn đàn này là một trong các hoạt động nằm trong khuôn khổ Chương trình Liên chính phủ về Thủy văn học (Intergovernmental Hydrology Programme-IHP) chu kỳ IX - Khoa học vì một thế giới an toàn về nước trong bối cảnh môi trường biến động (giai đoạn 2022-2029), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) tại Việt Nam tập trung hỗ trợ tăng cường năng lực quốc gia trong giải quyết và ứng phó với các thách thức về an ninh nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu, góp phần hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Trong đó, các nhà khoa học trẻ trong lĩnh vực tài nguyên nước đóng vai trò rất quan trọng trong kiến tạo những thay đổi, góp phần trong các hoạt động liên quan, hướng tới đảm bảo an ninh nguồn nước và ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam.
Mục tiêu của Diễn đàn YP4W 2023 nhằm (i) tăng cường năng lực đặc biệt là các nhà khoa học trẻ, chuyên gia trẻ trong giải quyết và ứng phó với các thách thức về an ninh tài nguyên nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu tại Việt Nam; (ii) chia sẻ, cập nhật kiến thức liên quan thông qua thảo luận, trao đổi về các thách thức của an ninh nguồn nước ở Việt Nam và các kinh nghiệm/giải pháp giải quyết các thách thức này; (iii) hỗ trợ hình thành Mạng lưới các nhà khoa học trẻ vì tài nguyên nước bền vững tại Việt Nam.
Nguồn: Phòng Đào tạo, Hợp tác quốc tế