2016.08.02 - 4022 lượt xem
Trong khuôn khổ chương trình hợp tác với Cơ quan Hợp tác phát triển Đức (GIZ) và Mạng lưới phát triển Thủy điện bền vững các nước vùng Mê Kông ( NSHD-M), Viện Quy hoạch Thủy lợi phối hợp với các cơ quan trên tổ chức chương trình đào tạo quốc gia về phát triển thủy điện bền vững và quản lý tổng hợp tài nguyên nước cho các cán bộ trong Viện và các cơ quan liên quan. Hai lớp đào tạo đã được tổ chức vào tháng 6 và tháng 7 năm 2014.
Hiện nay ở nước ta, thủy điện đang chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu sản xuất điện, đóng vai trò quan trọng cho an ninh năng lượng quốc gia. Ngoài mục tiêu phát điện, các nhà máy thủy điện còn có nhiệm vụ cắt và chống lũ cho hạ du trong mùa mưa bão, đồng thời cung cấp nước phục vụ sản xuất và nhu cầu dân sinh trong mùa khô.
Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2015-2020, có xét tới năm 2030, Việt Nam tiếp tục ưu tiên phát triển các nguồn thủy điện, đưa tổng công suất các nguồn thủy điện từ 14.000 MW hiện nay lên 21.300 MW vào năm 2020. Tuy nhiên để nguồn năng lượng này phát triển bền vững thì chúng ta phải làm tốt công tác quy hoạch, quy trình xây dựng và công bố thông tin đầy đủ cho người dân.
Để phát triển thủy điện bền vững thì từ công tác lập quy hoạch, lập dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật, thi công xây dựng công trình cho đến quản lý vận hành… phải tuyệt đối tuân thủ nghiêm ngặt quy trình. Ngoài ra, cần bảo đảm chất lượng công trình cũng như phải có kịch bản ứng phó liên quan đến các sự cố đập và giảm nhẹ thiên tai cho cộng đồng.
Các khóa đào tạo đã tập trung làm rõ một số khía cạnh của phát triển thủy điện bền vững như là : Quản lý lưu vực sông và bồi lắng hồ chứa; Bảo vệ đa dạng sinh học và Biến đổi khí hậu; Kế hoạch quản lý môi trường; Chính sách đền bù và chia sẻ lợi ích; Rà soát và phân hạng lựa chọn và Khung và công cụ đánh giá kinh tế thủy điện. Các đại biểu rất hào hứng với khóa đào tạo, ngoài việc được tăng cường kiến thức từ các giảng viên, các chuyên gia đầu ngành họ còn nhận được những chia sẻ các kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm thực tế và cũng nêu những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện giúp cho mọi người hiểu rõ hơn về các chủ đề. Các đại biểu cũng hy vọng sẽ được tham dự nhiều hơn các khóa đào tạo chuyên môn khác do Viện QHTL tổ chức.
Để có thêm thông tin chi tiết, xin liên hệ: htqt@iwrp.gov.vn
Một số hình ảnh: