2016.02.16 - 1999 lượt xem
Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT/BKHCN-BTC quy định khoán chi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước - được ký kết giữa Bộ Khoa học và Công nghệ với Bộ Tài chính cuối năm qua - bắt đầu có hiệu lực từ ngày hôm qua 15-2-2016.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng và Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân ký Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT/BKHCN-BTC vào ngày 30-12-2015 tại Hà Nội - Ảnh: Cổng thông tin Bộ KH&CN.
Thông tư liên tịch 27 này trao quyền chủ động cho chủ nhiệm đề tài hay chủ nhiệm nhiệm vụ tổ chức việc sử dụng kinh phí thực hiện nhiệm vụ, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho họ trong việc thực hiện các thủ tục thanh quyết toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ.
Từ trước đến nay, một trong nhiều lý do khiến việc nghiên cứu khoa học gặp khó khăn là các thủ tục thanh toán kinh phí có nhiều bất hợp lý khiến các nhà khoa học, giảng viên đại học tham gia nghiên cứu nản lòng. Người làm khoa học mất nhiều thời gian hoàn thiện hồ sơ thanh toán thay vì tập trung nghiên cứu. Nhiều người sắp hết hạn thanh toán phải chạy đôn chạy đáo tìm nơi mua hóa đơn, hoàn tất các chứng từ để thanh toán. Tiền dành cho nghiên cứu đã ít mà còn phải đi mua hóa đơn đỏ, mất khoảng 15% trở lên.
Trước đây, đã có nhiều ý kiến cho rằng giới quản lý tài chính và giới làm khoa học chưa có sự đối thoại thật sự để hiểu biết lẫn nhau dẫn đến việc nghiên cứu khoa học bị trì trệ trong nhiều năm. Và nay, thông tư liên tịch 27 có thể xem là câu trả lời mang tính cởi trói đối với hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ.
Đổi mới trong thông tư này là phương thức khoán chi và việc sử dụng kinh phí khoán.
Thứ nhất là khoán chi đến sản phẩm cuối cùng, áp dụng đối với các nhiệm vụ được xác định rõ tên sản phẩm cụ thể; chỉ tiêu chất lượng chủ yếu của sản phẩm hoặc yêu cầu khoa học cần đạt được; số lượng quy mô sản phẩm tạo ra; địa chỉ ứng dụng; có tổng dự toán các khoản chi sửa chữa, mua sắm tài sản… không quá 1 tỉ đồng.
Thứ hai là khoán chi từng phần, áp dụng đối với các nhiệm vụ không đủ điều kiện khoán chi đến sản phẩm cuối cùng. Trong khoán chi từng phần, cơ bản các nội dung kinh phí được thực hiện khoán chi (tiền công, hội thảo, công tác trong nước…); chỉ không khoán chi đối với các nội dung mua nguyên vật liệu, phụ tùng, sửa chữa, mua sắm tài sản cố định.
Trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, chủ nhiệm nhiệm vụ và tổ chức chủ trì được chủ động thực hiện các khoản chi theo thực tế phát sinh để đáp ứng yêu cầu khoa học của nhiệm vụ, không phụ thuộc vào định mức chi và dự toán của từng nội dung chi được duyệt trong tổng số các nội dung chi được giao khoán.
Việc tạm ứng kinh phí được thực hiện theo tiến độ hợp đồng nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ. Thanh toán tạm ứng được căn cứ vào bảng kê khối lượng công việc đã thực hiện. Kho bạc nhà nước không kiểm soát chứng từ chi tiết.
Nhiệm vụ được quyết toán một lần sau khi hoàn thành và các bên đã tiến hành thanh lý hợp đồng. Đối với nhiệm vụ thực hiện trong nhiều năm, hàng năm chỉ cần gửi báo cáo cơ quan quản lý cấp trên về số kinh phí thực nhận, thực chi.
Tất nhiên, những người làm khoa học cũng phải có trách nhiệm cao với công trình của họ. Trong trường hợp không hoàn thành công trình do nguyên nhân chủ quan, tổ chức chủ trì sẽ phải hoàn trả tối thiểu 40% kinh phí nhà nước đã sử dụng đúng quy định (đối với công trình thực hiện theo phương thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng), tối thiểu 30% kinh phí nhà nước đã sử dụng đúng quy định (đối với công trình thực hiện theo phương thức khoán chi từng phần).
Trường hợp vừa không hoàn thành công trình do nguyên nhân chủ quan vừa không chứng minh được kinh phí đã sử dụng đúng quy định, phải nộp trả 100% kinh phí đã sử dụng.
Theo baomoi.com