Luận văn Tiến sỹ Khoa học: Lượng hóa phân bố phù sa vùng đồng bằng sông Cửu Long: Hiện tại và tương lai.

2015.09.08 - 6470 lượt xem

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang duy trì sinh kế và an ninh lương thực cho hàng triệu người tại Việt Nam và Campuchia. Dòng chảy phù sa đóng vai trò rất lớn trong việc duy trì năng suất cao trong nông nghiệp và thủy sản. Tuy nhiên, các nghiên cứu về phân bố phù sa cho toàn đồng bằng là rất giới hạn, hơn nữa ĐBSCL đã và đang bị đe dọa bởi sự phát triển thiếu bền vững trên vùng thượng lưu, biến đổi khí hậu-nước biển dâng.

Trong nghiên cứu này, hiện trạng phân bố dòng chảy phù sa cho toàn đồng bằng được lượng hóa dựa trên sự kết hợp của hai phương pháp: đo đạc thực nghiệm và mô hình toán giả 2 chiều cho toàn đồng bằng từ Kratie đến bờ biển. Dự báo dòng chảy phù sa cho 50 năm tới trong điều kiện phát triển thủy điện, biến đổi khí hậu-nước biển dâng được lượng hóa bằng phương pháp phân tích độ nhạy kết hợp với mô hình toán. Kết quả đã thể hiện được sự phân bố theo không gian và thời gian của phù sa và chất dinh dưỡng trong phù sa trên toàn đồng bằng cho một số năm lũ điển hình. Trong so sánh phân bố phù sa trong đồng bằng với tổng lượng phù sa tại Kratie, có khoảng 24%÷34% lượng phù sa lắng đọng trên lãnh thổ Campuchia, có 1%÷6% tổng lượng phù sa lắng đọng trong đồng ruộng trên lãnh thổ Việt Nam và lượng phù sa ra tới cửa biển là khoảng 48%÷60%. Trong kết quả của 216 phương án tính toán đã dự báo được hầu hết các khả năng có thể xảy ra trong tương lai của dòng chảy phù sa vùng ĐBSCL trong điều kiện phát triển thủy điện, biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Phát triển thủy điện là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất, tiếp theo là biến đổi khí hậu phía thượng lưu. Ở mức độ tác động trung bình, lượng phù sa lắng đọng trong đồng ruộng giảm 40% và lên tới 95% khi tất cả các thủy điện được xây dựng. Các kết quả nêu trên đã đóng góp vào sự hiểu biết chung về phân bố dòng chảy phù sa vùng ĐBSCL, đặc biệt là trong điều kiện tác động của phát triển thủy điện vùng thượng lưu sông Mekong.