2024.11.11 - 237 lượt xem
Trong tuần từ ngày 4-9/11/2024, Viện trưởng Đỗ Văn Thành cùng Đoàn công tác Viện Quy hoạch Thuỷ lợi đã thăm và làm việc tại Nhật Bản trong khuôn khổ Nhiệm vụ khoa học công nghệ theo nghị định thư “Nghiên cứu xây dựng hệ thống quản lý nước thông minh dựa trên viễn thám và học máy hỗ trợ sản xuất nông nghiệp bền vững (MARSWM-Asia)”. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo, kỹ sư các đơn vị trong Viện và đại diện lãnh đạo Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Xuân Thủy
Chuyến công tác của Viện trưởng Viện QHTL nhằm thúc đẩy việc chia sẻ kinh nghiệm quản lý, hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực quản lý nước, thủy lợi dựa trên các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ viễn thám và hỗ trợ ra quyết định (DSS). Hợp tác khoa học công nghệ giữa Nhật Bản và Việt Nam, kể từ khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1973, đã không ngừng được mở rộng, đi vào chiều sâu, trong đó có hợp tác về công nghệ viễn thám, vệ tinh và trí tuệ nhân tạo. Dự án hợp tác giữa Viện QHTL và các đối tác từ các đại học Niigata, Kobe và Kindai được Chính phủ và các tổ chức khoa học công nghệ hai nước rất quan tâm, cung cấp tài trợ, tạo môi trường thuận lợi cho các đơn vị, các nhà khoa học đẩy mạnh hợp tác thông qua việc trao đổi, chia sẻ thông tin, tạo bước phát triển mới để tăng cường hoạt động hợp tác về lĩnh vực quản lý nước thông minh. Dự án được Bộ Khoa học Công nghệ Việt Nam, Cơ quan Khoa học Công nghệ Nhật Bản (JST) và Cơ quan Xúc tiến KHCN Nhật Bản (JSPS) tài trợ thực hiện trong giai đoạn 2021-2024. Giai đoạn 2 của dự án thực hiện từ 2025-2028 dự kiến sẽ được Quỹ Nhật Bản – ASEAN cung cấp tài chính.
Trong chuyến công tác tại Nhật Bản, Viện trưởng Đỗ Văn Thành cùng các chuyên gia Việt Nam đã trao đổi, thảo luận với Chủ nhiệm dự án, Giáo sư Natsuky Yoshikawa, Đại học Niigata và các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, đại diện doanh nghiệp đến từ Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản (MAFF), các đại học Niigata, Kobe, Kindai, các công ty quản lý thủy nông, dịch vụ nông nghiệp công nghệ cao đến từ Kobe, Tokyo. Trọng tâm của các cuộc thảo luận được đặt vào tiến độ chung của dự án và đề xuất các hoạt động phối hợp giữa hai bên trong thời gian tới, bao gồm triển khai lắp đặt thiết bị, tăng cường năng lực về viễn thám, GIS, học máy cũng như thử nghiệm hệ thống hỗ trợ ra quyết định vận hành hệ thống, kịp thời phục vụ công tác giám sát thiên tai, hỗ trợ quản lý trong nông nghiệp. Các định hướng hợp tác tương lai dự kiến được triển khai tại Đồng bằng sông Hồng và một số tỉnh thuộc vùng Bắc Trung Bộ, liên quan đến các hoạt động về nâng cao năng lực lập quy hoạch, quản lý vận hành công trình thủy lợi, cũng như công tác phòng, chống thiên tai.
Trong thời gian tại Nhật Bản, đoàn công tác cũng đi thực tế một số công trình hồ, đập và hệ thống thuỷ lợi tiêu biểu tại tỉnh Kansai, Nhật Bản.
Một số hình ảnh trong chuyến công tác:
Ông Đỗ Văn Thành, Viện trưởng họp, trao đổi với các chuyên gia, nhà khoa học Nhật Bản tham gia dự án MARSWM-Asia
Đoàn công tác tham quan Khu thí nghiệm tại Đại học Kindai, Nhật Bản
Đoàn công tác tham quan, tìm hiểu công tác điều hành phục vụ tưới, tiêu, cấp nước, phòng chống thiên tai cho lưu vực sông Kakogawa tại phòng điều hành trung tâm
Đoàn công tác đi thực tế tại Đập Dondo, tỉnh Kansai, Nhật Bản.
Đoàn công tác cùng các chuyên gia, thành viên dự án chụp ảnh lưu niệm tại Khoa Nông nghiệp, Đại học Kindai, Nhật Bản
Nhiệm vụ khoa học công nghệ theo nghị định thư “Nghiên cứu xây dựng hệ thống quản lý nước thông minh dựa trên viễn thám và học máy hỗ trợ sản xuất nông nghiệp bền vững” (tên tiếng Anh: “Development of machine learning and remote sensing-based water management platform for sustainable agriculture in Asian deltas”), có sự tham gia của năm đối tác đến từ 3 quốc gia Việt Nam, Nhật Bản và In-đô-nê-xi-a, trong đó Viện Quy hoạch Thủy lợi là đầu mối bên phía Việt Nam. Nhiệm vụ góp phần xây dựng được nền tảng quản lý nước thông minh dựa trên công nghệ viễn thám và học máy để giảm thiểu tác hại do ngập úng, hạn hán và xâm nhập mặn.
|
Nguồn: Phòng Đào tạo, Hợp tác quốc tế, Viện QHTL