Trao tặng và lắp đặt thiết bị khí tượng thủy văn chuyên dùng phục vụ công tác quản lý vận hành hệ thống thủy nông Xuân Thủy, Nam Định

2024.09.30 - 335 lượt xem

Sáng ngày 27/9/2024, tại trụ sở Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình thủy lợi Xuân Thủy (Nam Định), Viện Quy hoạch Thủy lợi đã phối hợp với Đại học Niigata, Đại học Kobe và Đại học Kindai (Nhật Bản) tổ chức buổi trao tặng thiết bị khí tượng thủy văn chuyên dùng, nhằm phục vụ công tác giám sát nguồn nước và hỗ trợ quản lý vận hành hệ thống thủy lợi. Hoạt động trao tặng thiết bị nằm trong khuôn khổ nhiệm vụ KHCN theo nghị định thư “Nghiên cứu xây dựng hệ thống quản lý nước thông minh dựa trên viễn thám và học máy hỗ trợ sản xuất nông nghiệp bền vững”. 

Đây là một phần của Chương trình nghiên cứu chung Đông Á (e-ASIA JRP), được triển khai tại ba quốc gia: Nhật Bản, In-đô-nê-xi-a và Việt Nam. Các thiết bị được trao tặng trong đợt này bao gồm 03 hệ thống giám sát mặn và mực nước tự động, sử dụng các cảm biến thế hệ mới, cùng 01 trạm thời tiết tự động. Những hệ thống quan trắc này được lắp đặt tại các cống lấy nước: Cát Xuyên, Ngô Đồng và Cồn Năm thuộc hệ thống thủy lợi Xuân Thủy. Dữ liệu khí tượng, lượng mưa, mực nước và độ mặn sẽ được quan trắc tự động, liên tục và truyền theo thời gian thực về Công ty Khai thác CTTL Xuân Thủy và Viện Quy hoạch Thủy lợi nhằm phục vụ công tác giám sát, quản lý nguồn nước và điều hành hệ thống, đặc biệt trong phòng chống thiên tai cũng như lấy nước phục vụ gieo cấy vụ Đông Xuân.

Phát biểu tại buổi lễ trao tặng thiết bị, GS.TS. Natsuki Yoshikawa, Đại học Niigata, Nhật Bản - Chủ nhiệm Dự án bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc đối với sự quan tâm và chỉ đạo sát sao trong quá trình thực hiện dự án của ông Đỗ Văn Thành, Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi. Ông cũng đánh giá cao sự tham gia và hỗ trợ tích cực từ phía nhóm chuyên gia của Viện. GS.TS. Natsuki Yoshikawa đồng thời thông báo giai đoạn 2 của dự án do phía Nhật Bản và Việt Nam đề xuất, hiện đang được xem xét để tiếp tục nhận tài trợ. Ông nhấn mạnh, đây là nguồn lực tài chính và khoa học công nghệ quan trọng giúp thúc đẩy quá trình hiện đại hóa quản lý và vận hành công trình thủy lợi tại Việt Nam. Ngoài ra, ông cũng gửi lời cảm ơn đến các lãnh đạo và cán bộ kỹ thuật tại Công ty Khai thác CTTL Xuân Thủy vì đã chủ động và tích cực phối hợp trong quá trình tiếp nhận và vận hành các trạm quan trắc. GS.TS. Natsuki Yoshikawa hy vọng rằng các thiết bị này sẽ mang lại hiệu quả cao trong cung cấp các dữ liệu phục vụ công tác quản lý vận hành hệ thống thủy lợi của Công ty.

Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi, ông Đỗ Văn Thành, đã trao đổi với các đối tác Nhật Bản về tình hình quy hoạch và quản lý thủy lợi, cũng như công tác phòng chống thiên tai tại Việt Nam, đặc biệt là tại vùng đồng bằng sông Hồng. Ông cũng trình bày chi tiết về thiệt hại do cơn bão số 3 (Yagi) gây ra trong thời gian qua, đồng thời đề cập đến một số định hướng trong tương lai, bao gồm việc nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ trong quy hoạch thủy lợi, dự báo nguồn nước và phòng chống thiên tai. Ông Đỗ Văn Thành đề nghị các chuyên gia Nhật Bản và Công ty Khai thác CTTL Xuân Thủy phối hợp chặt chẽ với Viện trong quá trình lắp đặt và sử dụng thiết bị, nhằm đảm bảo tính an toàn, hiệu quả và bền vững của hệ thống thiết bị.

Về phía Công ty Khai thác CTTL Xuân Thủy, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Giám đốc công ty đã bày tỏ lời cảm ơn đối với sự hỗ trợ từ phía Nhật Bản trong việc cung cấp, lắp đặt và chuyển giao các thiết bị khí tượng thủy văn chuyên dùng. Ông cho biết, Công ty sẽ cử các cán bộ kỹ thuật có kinh nghiệm tham gia vào quá trình lắp đặt và tiếp nhận, vận hành các thiết bị để đảm bảo hệ thống hoạt động hiệu quả. Bên cạnh đó, ông Bình cũng đề xuất phía Nhật Bản tiếp tục quan tâm và hỗ trợ Công ty Khai thác CTTL Xuân Thủy trong thời gian tới, nhằm hoàn thiện hơn nữa công tác quan trắc, giám sát và vận hành hệ thống, đặc biệt là trên sông Ninh Cơ – khu vực đang chịu ảnh hưởng nặng nề của xâm nhập mặn trong thời gian vừa qua.

Tại cuộc họp, các bên cũng đã thảo luận về tiến độ nghiên cứu do phía Nhật Bản, In-đô-nê-xi-a và Việt Nam thực hiện trong phát triển các công cụ quan trắc và giám sát nguồn nước, ngập úng và xâm nhập mặn sử dụng công nghệ viễn thám, mô hình toán và trí tuệ nhân tạo (AI). Các bên đều nhất trí rằng, các công cụ và thuật toán do phía Nhật Bản và Việt Nam cùng phát triển là những đóng góp quan trọng về mặt khoa học công nghệ, có tính ứng dụng cao và khi hoàn thiện có thể đưa vào thử nghiệm trong thực tế để áp dụng trên diện rộng, hỗ trợ trực tiếp cho công tác phòng chống thiên tai và quản lý nguồn nước tại Việt Nam.

Trước đó, từ ngày 23-27/9, các chuyên gia Nhật Bản và Việt Nam đã tiến hành khảo sát các vị trí quan trắc và xem xét phương án thi công, lắp đặt thiết bị.

Ông Đỗ Văn Thành, Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi và GS.TS. Natsuki Yoshikwa, Đại học Niigata, Nhật Bản trao tặng thiết bị cho đại diện Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Xuân Thủy

Ông Đỗ Văn Thành – Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi phát biểu tại buổi lễ.

GS.TS. Natsuki Yoshikawa – Đại học Niigata (Nhật Bản) phát biểu tại buổi lễ.

Khảo sát một số vị trí lắp đặt thiết bị

Nhiệm vụ khoa học công nghệ theo nghị định thư “Nghiên cứu xây dựng hệ thống quản lý nước thông minh dựa trên viễn thám và học máy hỗ trợ sản xuất nông nghiệp bền vững” (tên tiếng Anh: “Development of machine learning and remote sensing-based water management platform for sustainable agriculture in Asian deltas”), có sự tham gia của năm đối tác đến từ 3 quốc gia Việt Nam, Nhật Bản và In-đô-nê-xi-a, trong đó Viện Quy hoạch Thủy lợi là đầu mối bên phía Việt Nam. Nhiệm vụ góp phần xây dựng được nền tảng quản lý nước thông minh dựa trên công nghệ viễn thám và học máy để giảm thiểu tác hại do ngập úng, hạn hán và xâm nhập mặn.

 

Nguồn: Phòng Đào tạo, hợp tác quốc tế, Viện QHTL

 

 

Tin cùng loại