2024.04.15 - 1112 lượt xem
Ngày 22/03/2024, Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cùng Đoàn công tác đã có buổi làm việc với Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bình Thuận và các đơn vị có liên quan về công tác phòng, chống hạn hán, thiếu nước tại tỉnh Bình Thuận. Tham dự buổi làm việc có: Ông Nguyễn Hồng Khanh - Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi, Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Trưởng phòng Quản lý công trình; Đại diện cho Viện Quy hoạch Thủy lợi có Ông Thái Gia Khánh - Phó Viện trưởng và Bà Đặng Thị Kim Nhung - Trưởng phòng Quy hoạch Thủy lợi Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Về phía địa phương có Ông Nguyễn Hữu Phước - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bình Thuận cùng một số lãnh đạo các đơn vị có liên quan.
Tại buổi làm việc và qua khảo sát tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tại Bình Thuận cho thấy: Tính đến ngày 21/3/2024, lượng nước hữu ích hiện tại các hồ chứa thủy lợi trong tỉnh là 115,14/363,55 triệu m³, đạt 31,7% thiết kế, thấp hơn cùng kỳ năm 2023 là 38,85 triệu m³. Lượng nước hữu ích hiện tại các hồ thủy điện: Hồ thủy điện Hàm Thuận còn 353,93/522,50 triệu m³, đạt 67,7% thiết kế, cao hơn cùng kỳ 125,96 triệu m³; hồ thủy điện Đại Ninh còn 155,27/251,73 triệu m³ đạt 61,7% thiết kế, cao hơn cùng kỳ 13,69 triệu m³. Hiện nay, diện tích đang bị thiệt hại do hạn hán, thiếu nước là 365 ha, chủ yếu là Thanh long và rau màu trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam. Trong thời gian tới nếu tình hình thời tiết tiếp tục nắng nóng, không có mưa kéo dài, nguy cơ thiệt hại do hạn hán, thiếu nước có thể mở rộng ra trên địa bàn các huyện Hàm Tân và La Gi với khoảng 1.175 ha.
Đối với công tác dự báo, khuyến cáo về tình hình hạn hán, thiếu nước trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, ngoài các Bản tin được Viện Quy hoạch Thủy lợi cung cấp cho Tỉnh Bình Thuận hàng tháng, hàng tuần bao gồm các thông tin về mưa, dung tích các hồ chứa thủy lợi, thủy điện và diện tích có khả năng bị ảnh hưởng cũng như các giải pháp giảm thiểu thiệt hại do hạn hán gây ra, Đại diện Viện Quy hoạch Thủy lợi cũng đã trao đổi và cung cấp thêm thông tin, cụ thể: Dự báo trong giai đoạn tháng 4-5/2024 lượng mưa trong vùng có xu thế thấp hơn TBNN cùng kỳ, vì vậy vụ Hè Thu 2024 cần khuyến cáo đến các địa phương trong tỉnh xây dựng kế hoạch sản xuất tập trung, lùi thời gian sản xuất vụ lúa Hè Thu 2024 trên cơ sở cân đối nguồn nước tưới. Viện Quy hoạch Thủy lợi cũng đã tính toán nhu cầu sử dụng nước cho vùng hạ du lưu vực sông La Ngà từ nay đến cuối mùa khô và nguồn nước đến hồ Hàm Thuận theo 2 kịch bản gồm: (1). Kịch bản nguồn nước đến cực đoan như năm 2019 và (2). Kịch bản nguồn nước đến theo kết quả tính toán dự báo mưa. Theo đó, với cả 2 kịch bản tính toán nguồn nước hồ Hàm Thuận đều đảm bảo lưu lượng xả phát điện theo nhu cầu sử dụng nước vùng hạ du lưu vực sông La Ngà, cụ thể: Từ nay đến 15/4 xả lưu lượng tối thiểu 40 m3/s, thời gian chạy máy không ít hơn 12h/ngày; Từ 15/4 đến 30/4 xả lưu lượng tối thiểu 32 m3/s, thời gian chạy máy không ít hơn 12h/ngày; Tháng 5 đến tháng 6 vận hành theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên sông Đồng Nai đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đoàn công tác của Cục Thủy lợi cùng đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Thủy lợi, Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình thủy lợi tỉnh và các địa phương liên quan đã đi kiểm tra thực địa một số công trình thủy lợi, khu vực khó khăn về nguồn nước trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam và Tánh Linh.
Một số hình ảnh thực địa:
Nguồn: Phòng QHTL Nam Trung Bộ và Tây Nguyên