Xây dựng kế hoạch điều tiết xả nước phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân năm 2023-2024 khu vực trung du và đồng bằng Bắc Bộ

2024.01.17 - 2776 lượt xem

Theo số liệu đến ngày 31/10/2023, tổng dung tích toàn bộ của 3 hồ chứa lớn tham gia xả nước là 23,81 tỷ m3, đạt 97,9% dung tích toàn bộ thiết kế, thiếu 0,51 tỷ m3 so với thiết kế (tổng dung tích hữu ích là 15,9 tỷ m3 đạt 96,9% dung tích hữu ích thiết kế), cao hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ và cao hơn dung tích cùng kỳ các năm 2022 là 0,24 tỷ m3, năm 2021 là 3,19 tỷ m3; thấp hơn dung tích năm 2020 là 0,5 tỷ m3.

Thời vụ gieo cấy đã được Cục Trồng trọt khuyến cáo hạn chế tối đa trà Xuân sớm, tập trung trà Xuân muộn với thời gian gieo mạ trước Lập Xuân (4/2/2024), cấy trong tháng 2/2024, tập trung từ 10-28/2/2024.

Theo quy định tại quy trình vận hành liên hồ chứa trên sông Hồng 740/QĐ-TTg, điểm điều hành cấp nước trong thời kỳ gia tăng của mùa kiệt là trạm thủy văn Hà Nội với mực nước trong thời kỳ này là từ 2,20m trở lên để đảm bảo cho các công trình thủy lợi lấy nước hiệu quả. Tuy nhiên do hiện tượng lòng dẫn sông Hồng bị xói sâu dẫn tới mực nước bị hạ thấp, các hồ chứa thủy điện thượng nguồn đã vận hành tối đa công suất nhưng cũng không thể dâng mực nước tại trạm thủy văn Hà Nội trong vụ Đông Xuân lên trên 2,20m; Thời gian duy trì mực nước tại Hà Nội đạt 2,2m trong các đợt xả tập trung rất thấp trong mấy năm gần đây, giai đoạn 2011-2017 đạt tới 68-90%; nhưng năm 2018 chỉ đạt 29,4%; năm 2019 chỉ đạt 13,75%, năm 2020 không có thời điểm nào mực nước Hà Nội đạt 2,2m;  năm 2021 chỉ đạt 0,5%, năm 2022 là 0,6% và năm 2023 là 0%.

Theo tình hình hình thực tế (về tình hình hạ thấp mực nước và năng lực của hạ tầng thủy lợi lấy nước phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân) từ vụ Đông Xuân năm 2019-2023 đến nay đã chủ động điều hành linh hoạt nhằm đảm bảo tiết kiệm nước và phù hợp với thực tế

Dựa trên các tiêu chí xây dựng lịch lấy nước (i) Bảo đảm khung thời vụ tốt nhất; (ii) Tiết kiệm lượng nước xả từ các hồ chứa thủy điện, lợi dụng tối đa ảnh hưởng của thủy triều; (iii) Khả thi trong việc lấy nước, tránh kỳ nghỉ Tết Nguyên đán; (iv) Duy trì mực nước tại các trạm khống chế là trạm thủy văn Hà Nội, trạm Thủy văn Sơn Tây hợp lý, phù hợp với khả năng lấy nước của các công trình thủy lợi; (v) Ưu tiên lịch lấy nước thuận lợi hơn cho các địa phương thường gặp khó khăn về nguồn nước., lịch lấy nước được Viện Quy hoạch Thủy lợi đề xuất thông qua tính toán bằng mô hình toán để lựa chọn phương án tối ưu, phù hợp nhu cầu lấy nước của các địa phương và có tổng lượng xả thấp.

Lịch lấy nước đã được lấy ý kiến của EVN, các địa phương, các công ty khai thác công trình thủy lợi và được công bố theo thông báo số 8128/TB-BNN-TL ngày 10/11/2023, của Bộ Nông nghiệp và PTNT; Theo đó lịch lấy nước phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2023-2024, khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ, tổng cộng 12 ngày, gồm 2 đợt: Đợt 1: Từ 0 giờ 00’ ngày 23/1 đến 24 giờ 00’ ngày 30/1/2024 (8 ngày); Đợt 2: Từ 0 giờ 00’ ngày 18/2 đến 24 giờ 00’ ngày 21/2/2024 (4 ngày).

Trong thời gian lấy nước Đợt 1, các nhà máy thủy điện sẽ vận hành tối đa công suất phát điện để tăng cường nguồn nước về hạ du (mực nước dự kiến trung  bình đạt khoảng 1,70-1,90 m tại trạm thủy văn Hà Nội); Đợt 2 các hồ chứa thủy điện vận hành bảo đảm dòng chảy đủ để đẩy mặn, mực nước cho các trạm bơm dã chiến và các công trình đã được nâng cấp hoạt động (mực nước tại trạm thủy văn Sơn Tây trung bình khoảng 1,8-2,0 m).

Với lịch lấy như trên, dự kiến sẽ gặp một số khó khăn: (i) Tình trạng hạ thấp lòng dẫn sông Hồng vẫn tiếp diễn, mặc dù các nhà máy thủy điện sẽ vận hành tối đa công suất phát điện trong Đợt 1 nhưng khả năng mực nước vẫn ở mức thấp hơn so với một năm trước đây, một số công trình thủy lợi sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng đến hiệu quả lấy nước (nhà máy thủy điện Hòa Bình chỉ phát tối đa được 7/8 tổ máy, do có 1 tổ vào thời kỳ bảo trì); (ii) Với khung thời vụ gieo cấy sau tiết Lập Xuân (4/2), do vậy Đợt 1 được đề xuất từ ngày 23/01 đến ngày 30/01/2024 là phù hợp; tuy nhiên, sau Đợt 1 là kỳ nghỉ Tết Nguyên đán (ngày 10/2 là mùng 1 Tết Âm lịch),  nên khoảng cách giữa đợt 1 và đợt 2 khá dài (18 ngày). Do đó cần tăng cường các giải pháp giữ nước trên ruộng để hạn chế thất thoát nước.

 

Hình: Lịch lấy nước phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2023- 2024 khu vực Trung Du và đồng bắc Bắc Bộ

Để tăng cường tiết kiệm nước, bảo đảm đủ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp đề nghị: (1) Thực hiện theo thông báo số 8128/TB-BNN-TL ngày 10/11/2023, của Bộ Nông nghiệp và PTNT; (2) Chủ động lấy nước sớm, tích trữ nước vào hệ thống khi điều kiện nguồn nước cho phép; (3) Các địa phương vùng triều lưu ý, cần theo dõi mực nước độ mặn tranh thủ khi điều kiện cho phép lấy nước con triều trước đợt 1 (từ ngày 9-15/1/2024), để thau chua, rửa mặn.

Nguồn: Phòng Khí tượng Thuỷ văn – Viện Quy hoạch Thuỷ lợi