Ứng dụng, phát triển công nghệ viễn thám trong Quy hoạch, quản lý Thuỷ lợi

2023.07.25 - 1619 lượt xem

Ứng dụng được công nghệ viễn thám và GIS là yêu cầu bức thiết hiện nay nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước và các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, nâng cao chất lượng sản phẩm của ngành thủy lợi và phòng chống thiên tai, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh nguồn nước, thích ứng với biến đổi khí hậu và phù hợp với xu thế phát triển ứng dụng công nghệ trên thế giới.

Quan điểm trong chiến lược phát triển công nghệ viễn thám tại Viện Quy hoạch thuỷ lợi là: Ứng dụng công nghệ viễn thám và GIS vào quản lý ngành thủy lợi theo từng giai đoạn phù hợp với điều kiện hạ tầng kỹ thuật, nguồn nhân lực và vốn đầu tư, kết hợp với các kết quả ứng dụng mô hình toán, trí tuệ nhân tạo và dữ liệu thực đo… để đáp ứng tốt nhất các mục tiêu phục vụ quản lý ngành thủy lợi. Các sản phẩm tạo ra từ công nghệ viễn thám và GIS phải đa dạng, đáp ứng được các yêu cầu quản lý của ngành thủy lợi, gồm các cơ sở dữ liệu, sản phẩm nghiên cứu, báo cáo, bản tin ngắn hạn, trung hạn và dài hạn hỗ trợ quản lý, chỉ đạo điều hành sản xuất, phòng chống thiên tai, điều tra, giám sát, dự báo, cảnh báo… đảm bảo độ tin cậy và mang lại hiệu quả cao hơn, kịp thời hơn so với các phương pháp và công cụ truyền thống.

Ứng dụng các kỹ thuật, công nghệ viễn thám trong tính toán giám sát hệ số cây trồng Kc và tình hình phát triển của cây trồng (chỉ số NDVI) theo thời gian, đây là triển vọng mới trong việc bổ trợ cho các tính toán cân bằng nước hiện nay vốn đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức (Hình 1)

Ứng dụng kết quả phân tích ảnh viễn thám kết hợp với các dữ liệu khảo sát tại thực địa trong việc số hóa và giám sát lòng hồ, kênh mương, đồng ruộng (ví dụ về hệ thống thủy lợi Ayun Hạ, tỉnh Gia Lai) (Hình 2)

Dữ liệu bản đồ phân tích vùng ngập úng huyện Gio Linh, Vĩnh Linh tỉnh Quảng Trị

Mục tiêu ứng dụng, phát triển công nghệ viễn thám của Viện Quy hoạch Thủy lợi:

Giai đoạn 2021-2030: Xây dựng cơ sở hạ tầng: trung tâm điều hành, nhà làm việc; lắp đặt thiết bị, công nghệ cơ bản; xây dựng đội ngũ cán bộ kỹ thuật đảm bảo triển khai các hoạt động ứng dụng công nghệ viễn thám và GIS trong giai đoạn đầu 2021-2025; Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, công cụ ứng dụng viễn thám kết hợp với GIS và các nguồn dữ liệu khác; Từng bước triển khai các ứng dụng, sản phẩm phục vụ và hỗ trợ quản lý nhà nước có tính cấp thiết cao của ngành thủy lợi.

Giai đoạn 2030-2045: Hoàn thiện lắp đặt các trang thiết bị, công nghệ; xây dựng được bộ phận chuyên môn mạnh; đảm bảo đầy đủ nhân lực, vật lực để phát triển ứng dụng đa dạng của công nghệ viễn thám và GIS; Triển khai ứng dụng công nghệ viễn thám và GIS đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng sản phẩm của quản lý nhà nước của ngành; phát huy được hiệu quả trong hỗ trợ điều hành cấp nước, tiêu thoát nước, ứng phó với lũ, ngập lụt, úng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước và các lĩnh vực khác liên quan nhằm góp phần phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh nguồn nước, thích ứng với biến đổi khí hậu; Từng bước phát triển được các hoạt động cung ứng dịch vụ, đáp ứng được nhu cầu sử dụng sản phẩm từ công nghệ viễn thám và GIS của thị trường.

Như vậy, trong giai đoạn sắp tới, với định hướng về mặt chiến lược, với các nhiệm vụ đã và đang triển khai, Viện sẽ từng bước hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý nhà nước về thủy lợi, đặc biệt là trong lĩnh vực chuyển đổi số gắn liên với công nghệ Viễn thám và cơ sở dữ liệu WebGIS.

Nguồn: Phòng KHCN&MT

 

Tin cùng loại