Chiến lược xây dựng và phát triển Viện Quy hoạch Thủy lợi trong tình hình mới

2023.07.10 - 1078 lượt xem

Trên cơ sở đánh giá tình hình phát triển mới của đất nước và của ngành thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai, các thách thức và cơ hội, điểm mạnh điểm yếu của Viện hiện nay, các chính sách mới về quản lý các đơn vị sự nghiệp công lập trong giai đoạn tới. Viện Quy hoạch Thủy lợi đã xây dựng chiến lược phát triển mới đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045, phù hợp với các định hướng, chiến lược trong giai đoạn tới của đất nước, của ngành, đảm bảo hiệu quả sử dụng nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước, xã hội hóa công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.

Quan điểm phát triển Viện Quy hoạch Thủy lợi trở thành đơn vị tư vấn công lập hàng đầu của Bộ NN&PTNT trong xây dựng định hướng chiến lược, quy hoạch - kế hoạch, nghiên cứu khoa học và điều tra cơ bản về thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai, nước sạch nông thôn, an ninh nước, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; cung cấp dịch vụ sự nghiệp công chất lượng cao hàng năm; Phát triển tiềm lực khoa học công nghệ có chiều sâu, bao gồm phát triển đội ngũ cán bộ nhiều thế hệ, đội ngũ chuyên gia được đào tạo rèn luyện bài bản nắm các vị trí chủ chốt của đơn vị; Phát triển các sản phẩm của Viện theo hướng chủ động hỗ trợ có hiệu quả công tác quản lý nhà nước của Bộ NN&PTNT và các địa phương, cung cấp cho các cơ quan quản lý nhà nước các sản phẩm tư vấn, dịch vụ công chất lượng cao; Phát triển các sản phẩm chất lượng cao của Viện theo hướng phát huy tối đa lợi thế về tài nguyên nguồn nhân lực, cơ sở dữ liệu của Viện trong quá trình phát triển, song song với việc tích cực nghiên cứu khoa học, hợp tác trong và ngoài nước, ứng dụng các công nghệ cao vào các hoạt động của Viện.

Mục tiêu phát triển Viện Quy hoạch thủy lợi là Viện hàng đầu tại Việt Nam trong các hoạt động tư vấn và dịch vụ lập quy hoạch, dịch vụ sự nghiệp công và điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, đào tạo và hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai, nước sạch nông thôn, an ninh nước, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Góp phần nâng cao vai trò vị thế của ngành thủy lợi, phòng, chống thiên tai và đảm bảo chủ động thích ứng, giảm thiểu rủi ro thiên tai, ổn định và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

a) Về tổ chức bộ máy

Tiếp tục sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả. Từng bước phát triển Viện thành đơn vị quy hoạch thủy lợi hàng đầu tại Việt Nam, có nền tảng công nghệ mạnh, đa ngành, đa lĩnh vực, làm đầu tàu và động lực phát triển khoa học và công nghệ ngành, lĩnh vực thủy lợi và phòng, chống thiên tai, góp phần nâng cao trình độ và khẳng định vị thế của Viện trong khoa học, kỹ thuật thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai, nước sạch nông thôn, an ninh nước, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; cung cấp dịch vụ sự nghiệp công hàng năm.

b) Về nguồn nhân lực

Xây dựng được đội ngũ cán bộ đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng, trình độ cao, hợp lý về cơ cấu, trong đó chú trọng các cán bộ khoa học đầu ngành, có năng lực chuyên môn sâu và chuyển tiếp liên tục giữa các thế hệ. Đến năm 2030, duy trì ổn định đội ngũ từ 160 đến 180 người, có trên 70% nguồn nhân lực khối trực tiếp có trình độ thạc sỹ trở lên, trong đó có khoảng từ 15-20 tiến sĩ tập trung đội ngũ cán bộ có khả năng đảm nhiệm nhiều loại công việc khác nhau với chất lượng cao. Giai đoạn sau 2030, ổn định đội ngũ cán bộ và đào tạo bổ sung hàng năm từ 1-3 tiến sỹ về các lĩnh vực chuyên sâu là lợi thế của Viện.

c) Về cơ sở vật chất, trang thiết bị

Đến năm 2030, triển khai các dự án đầu tư tăng cường năng lực Viện Quy hoạch Thủy lợi nhằm tạo nền tảng công nghệ, kỹ thuật cho việc hoàn thiện sản phẩm theo chức năng, nhiệm vụ được giao của Viện với chất lượng cao, đồng thời mở rộng thêm các sản phẩm khai thác, ứng dụng các sản phẩm khoa học công nghệ cao khác (viễn thám - GIS, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn,) theo nhu cầu thị trường và yêu cầu quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

Giai đoạn 2030 - 2045, đưa vào vận hành ổn định Trung tâm viễn thám và GIS ngành thủy lợi; Viện có được cơ sở vật chất và trang thiết bị tiên tiến ngang tầm khu vực và quốc tế.

d) Về nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ

Đảm bảo trình độ khoa học và công nghệ của Viện phát triển ngang bằng với các quốc gia trong khu vực và tiệm cận với thế giới trong lĩnh vực quy hoạch và quản lý thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai, nước sạch nông thôn, an ninh nước, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó tăng cường năng lực hạ tầng, trang thiết bị, công nghệ trong nghiên cứu về quy hoạch thủy lợi, đê điều và phòng chống thiên tai để phục vụ công tác quản lý chuyên ngành của Bộ. Góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ. Đóng góp vào doanh thu của Viện đến năm 2030 đạt 20-25% tổng nguồn thu hàng năm và tăng lên đến 25-30% trong giai đoạn 2030-2045.

đ. Về sản phẩm, dịch vụ tư vấn

Phát triển sản phẩm chủ lực gồm quy hoạch, dịch vụ sự nghiệp công, điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học, khảo sát kỹ thuật với chất lượng không ngừng nâng cao, đồng thời mở rộng ra các sản phẩm khai thác ứng dụng các sản phẩm khoa học công nghệ cao khác theo nhu cầu thị trường và yêu cầu quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và PTNT, các địa phương. Đảm bảo thời gian và chất lượng kỹ thuật, mỹ thuật cao cho các sản phẩm đầu ra của đơn vị.

f) Về doanh thu và thu nhập

Đảm bảo tính tự chủ về tài chính, trong đó phấn đấu tăng doanh thu hàng năm khoảng 10-15% trên tổng doanh thu trung bình của 3 năm trước liền kề. Đa dạng hóa nguồn thu; mở rộng phát triển nguồn thu từ các hợp đồng của địa phương trong tất cả các lĩnh vực theo chức năng nhiệm vụ và năng lực kinh nghiệm của Viện, đảm bảo ổn định đời sống cho cán bộ công nhân viên trong Viện.

g) Kinh phí thực hiện chiến lược

Kinh phí thực hiện các nội dung Chiến lược được bố trí từ các nguồn vồn: Ngân sách nhà nước; Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của Viện; Huy động, hợp tác liên danh liên kết với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; Các nguồn thu hợp pháp khác.

Nguồn: Phòng Khoa học Công nghệ và Môi trường

Tin cùng loại