2022.05.11 - 2956 lượt xem
Ngày 9/5/2022, Viện Quy hoạch thuỷ lợi đã tổ chức “ Hội nghị công tác nghiên cứu khoa học năm 2022”. Tham dự Hội nghị có đại diện của Tổng cục Thuỷ lợi, Bộ Khoa học Công nghệ, Trường Đại học Thuỷ lợi, Hội Tưới Tiêu và các cán bộ làm công tác nghiên cứu khoa học tại các phòng chuyên môn thuộc Viện Quy hoạch Thuỷ lợi.
Trong những năm qua, công tác nghiên cứu khoa học luôn được Viện coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng, song hành và hỗ trợ, tạo phương pháp luận, cơ sở khoa học, xây dựng các công cụ tính toán, cơ sở dữ liệu… phục vụ tốt hơn công tác lập quy hoạch. Các đề tài nghiên cứu của Viện đã có sự đa dạng về đối tượng, địa bàn nghiên cứu. Lĩnh vực nghiên cứu khoa học đã tập trung nghiên cứu các vấn đề có tính cấp thiết cao trong các lĩnh vực quản lý, sử dụng hợp lý nguồn nước; quản lý vận hành công trình thủy lợi; nhận diện bản chất và các tác động của các yếu tố tự nhiên, hoạt động phát triển kinh tế xã hội đến nguồn nước và công trình thủy lợi; bản chất, nguyên lý và các giải pháp quản lý, thích nghi, ứng phó với thiên tai hạn hán, lũ, ngập lụt, úng… Các nghiên cứu về biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn, lũ, ngập lụt, úng... đã làm rõ được bản chất, sự biến động và cơ chế tác động của các vấn đề này đến công tác thủy lợi, phòng chống thiên tai, làm cơ sở cho việc quy hoạch các hệ thống công trình có chức năng lợi dụng tổng hợp, có cơ chế phối hợp liên công trình, có quy trình vận hành tối ưu, thích ứng với mọi biến động của nguồn nước, thiên tai như các Quy hoạch tổng thể thủy lợi trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Đồng bằng sông Hồng và miền Trung, Quy hoạch tổng thể thủy lợi vùng Tây Nguyên, Quy hoạch lũ và Quy hoạch đê điều sông Hồng, Quy hoạch các tuyến sông có đê vùng Hà Nội, Quy hoạch lũ sông Đáy, Quy hoạch thủy lợi các lưu vực sông, các địa phương ở miền Trung, Tây Nguyên... Điển hình như với lưu vực sông Hồng hiện nay đã có đầy đủ các nghiên cứu về kịch bản vận hành liên hồ chứa với hàng trăm nghìn phương án phối hợp khác nhau, các phương án tiêu úng, kiểm soát mặn vùng ven biển với bộ công cụ tính toán hiện đại, linh động kèm theo cơ sở dữ liệu khổng lồ, trực tuyến, cận thời gian thực... là cơ sở khoa học đa dạng, phong phú mà một dự án quy hoạch thông thường không thể tính toán đầy đủ, chuyên sâu.
Các mô hình toán, các kịch bản luận chứng vị trí và hiệu quả, tác động của các phương án công trình hồ chứa, đập dâng, trạm bơm từ những nghiên cứu khoa học ở hệ thống sông Hồng - Thái Bình, lưu vực sông Cả, sông Mã, sông Hương, sông Vu Gia - Thu Bồn, sông Trà Khúc, sông Ba... đã là cơ sở quan trọng cho việc phân tích, lựa chọn, định hướng các phương án quy hoạch cấp nước, phòng chống hạn hán, quy hoạch tiêu úng, quy hoạch phòng chống lũ, quy hoạch đê điều và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành liên quan ở các lưu vực sông này.
Đặc biệt, hiện nay Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2050 đang dựa rất nhiều vào các luận chứng khoa học về bản chất, nguyên nhân, phân vùng, dự báo hạn hán, úng ngập, xâm nhập mặn, lũ, ngập lụt, úng, sụt lún đất, ô nhiễm nguồn nước..., các quy trình vận hành công trình, liên công trình..., cùng với các kết quả nghiên cứu về các giải pháp lớn, mang tính đột phá như các tuyến đập dâng trên sông Hồng, sông Mã, sông Cả, các tuyến chuyển nước ở miền Trung, Tây Nguyên, các phương án công trình lớn ở vùng cửa sông, ven biển, các giải pháp công nghệ tạo nguồn và tưới cho cây trồng cạn...
Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự đã tích cực đóng góp ý kiến để xây dựng công tác nghiên cứu khoa học, giữ vững và phát huy uy tín nghiên cứu của Viện đối với Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và PTNT, các Bộ ngành, địa phương khác.
Phát biểu chỉ đạo và kết luận Hội nghị, ông Đỗ Văn Thành - Viện trưởng Viện Quy hoạch Thuỷ lợi đã nhấn mạnh tầm quan trọng, ý nghĩa và các đóng góp của công tác nghiên cứu khoa học của Viện. Ông Thành cũng chỉ ra những định hướng cho công tác khoa học công nghệ của Viện trong thời gian tới:
- Viện cần phát huy thành tựu, tiềm năng, thế mạnh để tiếp tục đề xuất và thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ mang lại hiệu quả cao hơn nữa.
- Viện cần xây dựng Chiến lược phát triển khoa học công nghệ và hoàn thiện các quy trình quản lý nghiên cứu khoa học từ ý tưởng, đề xuất, xây dựng đề cương, tham gia tuyển chọn đến triển khai thực hiện các đề tài...
- Cần có cơ chế thúc đẩy sự phối hợp, chia sẻ giữa các đơn vị trong Viện, hợp tác với các đơn vị ngoài Viện hiệu quả hơn trong các hoạt động khoa học công nghệ
- Đề nghị các cơ quan quản lý khoa học công nghệ: Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tổng cục thuỷ lợi, Tổng cục Phòng chống thiên tai... tiếp tục tạo điều kiện để Viện được tham gia thực hiện nhiều đề tài khoa học, đóng góp nhiều hơn nữa cho ngành, cho đất nước.
Một số hình ảnh tại Hội nghị:
Nguồn: IWRP