Họp trực tuyến hoàn thiện Đề án “Bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến 2045”

2021.08.21 - 3449 lượt xem

Ngày 20/8, Tổng cục Thủy lợi tổ chức cuộc họp với Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội về việc hoàn thiện dự thảo Đề án “Bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến 2045”. Đề án hiện đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình và xin ý kiến các thành viên Chính phủ trước khi được Chính phủ trình Quốc hội.

Tham dự cuộc họp trực tuyến về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, ông Đỗ Văn Thành, Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi cùng các lãnh đạo Tổng cục Thủy lợi, các Viện trực thuộc Bộ, lãnh đạo, chuyên viên các Cục, Vụ, Văn phòng trực thuộc Tổng cục và các chuyên gia. Về phía Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội có bà Trần Ngọc Hoa, Phó Vụ trưởng.

Theo Tổng cục Thủy lợi, để đảm bảo mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, đưa Việt Nam thành nước phát triển vào năm 2045 như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra, có nhiều vấn đề cần giải quyết, việc đảm bảo an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước là chìa khóa then chốt.

Dự thảo Đề án đưa ra mục tiêu bảo đảm số lượng, chất lượng nước cấp cho sinh hoạt trong mọi tình huống; đáp ứng nhu cầu nước cho sản xuất và các ngành kinh tế quan trọng, thiết yếu; giảm phụ thuộc vào các nguồn nước liên quốc gia. Ứng phó hiệu quả với các loại hình thiên tai liên quan đến nước, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, bảo đảm sức khỏe, đời sống, sản xuất của người dân. Bảo đảm an toàn tuyệt đối đập, hồ chứa nước quan trọng; chủ động ứng phó khi có sự cố, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân; chủ động tích, trữ, điều hòa nguồn nước.

Tại cuộc họp, bà Trần Ngọc Hoa, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nêu một số vấn đề phía Bộ Nông nghiệp và PTNT cần tiếp tục hoàn thiện nhằm phục vụ công tác thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Trong đó, đặc biệt dự thảo đề án cần chú ý làm rõ quan điểm và xu thế trên thế giới về đảm bảo an ninh nguồn nước, chú trọng áp dụng các công nghệ tiên tiến cũng như những tiến bộ trong quản trị nước.

Phát biểu trực tuyến từ Viện Quy hoạch Thủy lợi, ông Đỗ Văn Thành, Viện trưởng, cho rằng: Trong bối cảnh Việt Nam, đảm bảo ANNN cần gắn chặt với chủ động đảm bảo số lượng, chất lượng nước, phục vụ nhu cầu dân sinh, phát triển kinh tế-xã hội và phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong trước mắt và lâu dài, cần tiếp tục coi nước là nguồn tài nguyên thiết yếu, phục vụ nhu cầu của nhân dân, đảm bảo môi trường, phát triển bền vững, tuy nhiên dần hình thành cơ chế quản lý trong đó nước là một loại hàng hóa, mang lại giá trị kinh tế. Công tác quản lý nước cần được định hướng theo cơ chế thị trường như một số quốc gia phát triển đã áp dụng, ví dụ như Úc mất gần 30 năm từ năm 1992 để xây dựng và vận hành thành công thị trường trao đổi quyền sử dụng nước.

“Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, điều tra cơ bản là một trong 11 nhóm giải pháp nhằm đảm bảo hoàn thành được các mục tiêu của trong Đề án”, ông Đỗ Văn Thành nói.

Theo dự thảo Đề án Bảo đảm An ninh nguồn nước, An toàn hồ đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến 2045, các giải pháp thực hiện chính bao gồm 11 nhóm, đó là: hoàn thiện thể chế, chính sách; công tác quy hoạch, điều tra cơ bản; bảo đảm chất lượng môi trường nước; chủ động cấp, tưới tiêu, thoát nước; đảm bảo an toàn hồ đập, hồ chứa nước; phòng chống, giảm thiểu tác động bất lợi do thiên tai, biến đổi khí hậu; bảo vệ, phát triển rừng; xây dựng hệ thống theo dõi, đánh giá an ninh nguồn nước trên cơ sở nền tảng công nghệ, kỹ thuật hiện đại, tiên tiến; hợp tác quốc tế để thực hiện các giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước, đảm bảo an toàn hồ đập, hồ chứa nước; truyền thông, nâng cao nhận thức cho toàn xã hội. Dự kiến cần tối thiểu 610.000 tỷ đồng để triển khai các nhóm nhiệm vụ của Đề án đến năm 2030.

Nguồn: IWRP

Tin cùng loại