Hội thảo lấy ý kiến khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ cho Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

2021.04.21 - 2582 lượt xem

Ngày 16/4/2021, tại thành phố Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận, Tổng cục Thủy lợi đã tổ chức Hội thảo tham vấn chuyên gia và các địa phương thuộc các vùng Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ cho các nội dung đã thực hiện của Quy hoạch Phòng, chống thiên tai và Thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hội thảo do Ông Đồng Văn Tự - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ lợi, Ông Vũ Xuân Thành - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục phòng, chống thiên tai, Ông Đỗ Văn Thành - Viện trưởng Viện Quy hoạch Thuỷ lợi đồng chủ trì. Tham dự Hội thảo có đại diện các đơn vị trực thuộc Tổng cục Thủy lợi, Tổng cục Phòng chống thiên tai, Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, đại diện Trường Đại học Thủy lợi, CPO Thủy lợi; các Công ty THHH một thành viên Khai thác thuỷ lợi: Cửa Đạt, Tả Trạch, Dầu Tiếng - Phước Hòa và đại diện các cơ quan tư vấn lập quy hoạch. Đặc biệt, đại biểu từ 25 tỉnh, thành phố thuộc 4 vùng Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ đã tham dự và đóng góp ý kiến cho các nội dung của quy hoạch.

Thay mặt cho liên danh tư vấn lập quy hoạch, ông Đỗ Văn Thành, Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi, chủ nhiệm dự án đã giới thiệu chi tiết các nội dung đã thực hiện cho đến nay của Quy hoạch Phòng, chống thiên tai và Thủy lợi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó nhấn mạnh kết quả xác định các quan điểm, mục tiêu, xây dựng các kịch bản quy hoạch và định hướng các giải pháp lớn, quan trọng trong phát triển kết cấu hạ tầng phòng, chống thiên tai và thủy lợi cho các giai đoạn đến năm 2030 và 2050 theo các kịch bản khác nhau tại các vùng, địa phương nhằm đáp ứng yêu cầu tưới, cấp nước, tiêu, thoát nước, phòng chống lũ và các loại hình thiên tai khác, đảm bảo phát triển kinh tế xã hội và an toàn trước thiên tai. Bên cạnh đó, đại diện Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam đã trình bày các phương án phòng, chống thiên tai cho vùng Đông Nam Bộ.

Các đại biểu tham dự hội thảo, đặc biệt là đại diện cho các địa phương trong các vùng quy hoạch đã đánh giá cao kết quả đạt được của quy hoạch và đóng góp nhiều ý kiến có ý nghĩa thực tiễn cao để các đơn vị tư vấn tiếp tục hoàn thiện hơn các nội dung nghiên cứu, tính toán, định hướng các giải pháp phù hợp với đặc thù của các vùng miền, địa phương.

Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Đồng Văn Tự nêu rõ:

- Quy hoạch lập theo hướng mở, trong đó xác định các giải pháp và định hướng lớn có tính chất liên vùng, liên lưu vực, làm cơ sở cho các quy hoạch cấp dưới triển khai thực hiện cụ thể.

- Nội dung định hướng phát triển hạ tầng thủy lợi và phòng, chống thiên tai phải bảo đảm lợi dụng tổng hợp, đa mục tiêu, gắn kết liên ngành, phù hợp với yêu cầu đảm bảo an ninh nguồn nước và phòng, chống thiên tai và định hướng phát triển kinh tế - xã hội cho từng vùng, từng lưu vực sông trên cơ sở đánh giá được thực trạng, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và dự báo các tác động ảnh hưởng đến điều kiện nguồn nước do phát triển thượng nguồn, phát triển nội tại có tính đến các tác động do biến đổi khí hậu.

- Ngoài các giải pháp phát triển và hoàn thiện hệ thống hạ tầng thủy lợi và phòng, chống thiên tai, cần nghiên cứu, bổ sung các giải pháp đối với việc bảo vệ và cải thiện chất lượng nước trên các lưu vực sông và trong hệ thống công trình thủy lợi; các giải pháp về nâng cao hiệu quả quản lý, vận hành và đảm bảo an toàn công trình trong đó chú trọng áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật.

- Quá trình lập quy hoạch cần nghiên cứu, kế thừa các kết quả nghiên cứu của các đề tài khoa học, nhất là các đề tài trọng điểm cấp Nhà nước liên quan đến thủy lợi và phòng, chống thiên tai.

Cùng ngày, Viện Quy hoạch Thủy lợi và các đơn vị liên quan cũng đã tổ chức thực địa tuyến công trình Hồ Sông Cái và đập dâng Tân Mỹ thuộc tỉnh Ninh Thuận.

Một số hình ảnh tại Hội thảo và hoạt động thực địa:

 

Nguồn: Phòng KHCN&MT, IWRP

 

Tin cùng loại