Ngập lụt ở thành phố Hà Giang: Nguyên nhân và các giải pháp

2020.08.02 - 6188 lượt xem

Thành phố Hà Giang là một trong những khu vực có nguy cơ cao về lũ, ngập lụt trong khu vực Miền núi phía Bắc. Thành phố thường xuyên bị ngập bởi lũ sông Lô, sông Miện và các trận mưa lớn nội tại, điển hình là trận lũ tháng 9/2014, tháng 6/ 2018 và trận lũ vừa qua vào ngày 20-21/07/2020. Lũ, ngập lụt đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho tỉnh Hà Giang nói chung và thành phố nói riêng. Ngày 03/07/2020, Đề tài “Nghiên cứu đánh giá rủi ro, ngập lụt và đề xuất các giải pháp phòng tránh, thích ứng cho các khu vực tập trung đông dân cư, đô thị vùng miền núi Bắc Bộ”đã tổ chức thành công hội thảo cho khu vực TP Hà Giang. Kết quả nghiên cứu về các nguyên nhân và đề xuất giải pháp phòng chống ngập lụt cho Thành phố được các đại biểu đánh giá cao về tính khoa học và thực tiễn, phù hợp với tình hình của địa phương. 

Trận mưa từ ngày 19/7 đến 21/7 đã làm cho nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Hà Giang bị thiệt hại nặng nề. Tại khu vực xã Thái An, huyện Quản Bạ, mưa lớn đã gây lũ ống kéo theo hàng nghìn m3 đất đá chảy xuống vùi lấp Nhà máy thủy điện Thái An, làm nhà máy phải dừng hoạt động hoàn toàn. Tại TP. Hà Giang, trận mưa đã làm cho gần như toàn bộ các tuyến đường trên địa bàn thành phố bị ngập nặng, một số tuyến quốc lộ bị sạt lở, ùn tắc giao thông cục bộ; làm ngập cả quảng trường 26/3.

Theo thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Giang, các trạm mưa đo được lượng mưa phổ biến 100-300 mm trong 24 giờ. Riêng tại TP Hà Giang, lượng mưa từ 19h ngày 20/7 đến 19h ngày 21/7 đạt 347 mm. Đây là lượng mưa trong 24 giờ lớn nhất theo số liệu quan trắc từ năm 1961 đến nay trên địa bàn. Mưa to khiến nước thượng lưu sông Lô tại Hà Giang lên nhanh, biên độ lũ lên khoảng 5,8 m, đạt mức 101,37 m (trên báo động II 0,37 m) lúc 10h ngày 21/7. Thiệt hại trong đợt mưa lũ trên toàn bộ tỉnh Hà Giang ước khoảng 80 tỷ đồng (chưa tính đến thiệt hại của 2 nhà máy thủy điện).  Nguyên nhân cơ bản gây ngập lụt ở thành phố được xác định là do mưa lớn tập trung làm cho hệ thống thoát nước không tiêu thoát kịp.

Nguồn: Phòng Quy hoạch Đê điều và phòng chống thiên tai