Đánh giá hiện trạng thuỷ lợi trên lưu vực sông Hồng – Thái Bình

2024.01.17 - 759 lượt xem

1.    Hiện trạng công trình tưới

Tổng số công trình tưới trên lưu vực là 21.678 công trình. Trong đó: Hồ chứa: 2.461 công trình, bao gồm: 169 hồ lớn, 329 hồ vừa và 1.963 hồ nhỏ; Đập dâng: 16.826 công trình, bao gồm: 1 đập lớn, 3 đập vừa và 16.822 đập nhỏ; Trạm bơm: 2.174 công trình, bao gồm: 11 bơm lớn, 381 bơm vừa và 1.782 bơm nhỏ; Cống tưới: 217 công trình, bao gồm: 26 cống tưới lớn, 100 cống vừa, 91 cống nhỏ.

Đánh giá về hiện trạng tưới: Tổng diện tích yêu cầu tưới toàn lưu vực hơn 1,1 triệu ha; diện tích tưới chủ động bằng công trình là hơn 960 nghìn ha, so với diện tích yêu cầu tưới đạt 87%. Còn lại khoảng 150 nghìn ha chưa được tưới chủ động bằng công trình (trong đó diện tích chưa có công trình tưới khoảng 59.000ha, chủ yếu tập trung tại khu vực miền núi). Tần suất đảm bảo tưới các khu vực đồng bằng đã đảm bảo tần suất tưới 85% còn các vùng miền núi tần suất bảo đảm tưới mới đạt được 75%, hệ số tưới mặt ruộng hiện nay nhìn chung mới đạt từ 0,7÷ 0,9 l/s/ha.
Tồn tại đối với tình hình thủy lợi tưới: Hệ thống thủy lợi hiện có chủ yếu phục vụ tưới cho lúa, diện tích tưới cho cây trồng cạn hiện nay rất hạn chế chỉ khoảng 6% yêu cầu. Nhu cầu tưới cho cây trồng cạn rất lớn, đặc biệt là khu vực trung du và miền núi, do hầu hết diện tích được phân bố trên các khu vực cao, nền đất dốc, nguồn nước hạn chế, việc phát triển công trình tưới rất khó khăn. Tổng diện tích cây trồng cạn toàn lưu vực khoảng 285 nghìn ha để đạt chỉ tiêu đến năm 2030, tưới cho 70% diện tích cây trồng cạn, trong đó tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đạt 30% theo Chiến lược Thủy lợi Việt Nam (số 33/2020/QĐ-TTg) sẽ khó có khả năng đáp ứng.

Việc hạ thấp mực nước trên sông Hồng gây khó khăn cho việc lấy nước của các công trình đầu mối ven sông trục chính vào mùa cạn. Đặc biệt là khu vực khai thác nguồn nước dòng chính sông Hồng đoạn chảy qua thủ đô Hà Nội gồm các tỉnh, thành phố: Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương ….

Phần lớn các công trình có thời gian phục vụ trên 30 năm, hệ thống công trình miền núi chịu tác động của thiên nhiên, vùng đồng bằng chịu tác động của các hoạt động phát triển kinh tế xã hội dẫn đến nhiều công trình bị hỏng hóc, xuống cấp. Một số khu ở các tỉnh miền núi hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp phát triển nhưng công trình hiện có chưa đáp ứng được nhu cầu hoặc còn thiếu công trình thủy lợi phục vụ tưới.

Ô nhiễm nguồn nước ngày càng nghiêm trọng, không đảm bảo để khai thác phục vụ cấp nước như hệ thống sông Nhuệ, Ngũ Huyện Khê, Bắc Hưng Hải.

Khu vực cửa sông, ven biển do tác động của hạ thấp mực nước phía thượng lưu và phân lưu dòng chảy qua sông Đuống dẫn đến diễn biến mặn khá phức tạp; có thời điểm mặn 3‰ đã lấn sâu trên 40 km ảnh hưởng đến khả năng lấy nước của các công trình. Cơ chế, chính sách đầu tư, quản lý, vận hành khai thác còn nhiều bất cập.

Hệ thống Các công trình thủy lợi các loại – đã được số hóa

 

Hệ thống công trình thuỷ lợi đã được số hóa

 

2.     Hiện trạng tiêu và công trình tiêu

Tổng số công trình tiêu trên lưu vực là 1.357 công trình. Trong đó: trạm bơm: 837 công trình, bao gồm: 39 bơm lớn, 449 bơm vừa và 349 bơm nhỏ; Cống tiêu: 520 công trình, bao gồm: 28 cống lớn, 86 cống vừa, 406 cống nhỏ.

Đánh giá về hiện trạng tiêu: Tổng diện tích yêu cầu tiêu toàn lưu vực trên 1,3 triệu ha, diện tích tiêu chủ động 1,1 triệu ha so với diện tích yêu cầu tiêu đạt 89%. Diện tích cần tiêu bằng công trình chủ yếu tập trung khu vực trung du và đồng bằng. Hiện nay tiêu ở nội đồng mới đảm bảo tần suất tiêu 10% với tần suất mực nước ngoài sông tiêu cũng là 10%, hệ số tiêu của hệ thống đạt 4,5÷ 5l/s/ha, một số hệ thống tiêu độc lập đã đạt 6÷7 l/s/ha, các trạm bơm tiêu cho đô thị như ở Hà Nội, Hải Dương... đã thiết kế từ 10÷15 l/s/ha.
Tồn tại đối với tình hình thủy lợi tiêu: Mưa lớn xuất hiện bất thường và trái quy luật như các năm 2008, 2017, 2018... Mưa với cường độ lớn (300 đến trên 400 mm/24 giờ). Hệ thống công trình tiêu phần lớn đều có thời gian phục vụ nhiều năm, hiện nhiều công trình bị xuống cấp, hư hỏng. Kinh tế xã hội phát triển dẫn đến yêu cầu tiêu thoát gia tăng, đồng thời cũng có những tác động bất lợi đến các công trình tiêu, dẫn đến nhiều hệ thống công trình chưa đáp ứng được yêu cầu. Ảnh hưởng của thủy triều gia tăng, một số khu vực thuộc vùng cửa sông ven biển trước đây tiêu tự chảy thuận lợi, nhưng hiện nay thường xuyên bị úng ngập khi có mưa lớn kết hợp triều cường như ở các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình.

Các đô thị khu vực miền núi ven các sông chính như: TP Hà Giang, TP Tuyên Quang, TP Yên Bái, TP Lào Cai… hiện được tiêu thoát tự nhiên, nhưng thường bị úng ngập do mưa lớn và lũ trên sông chính, khi xảy ra úng ngập thường gây chia cắt nhiều khu dân cư, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân. Ở khu vực đồng bằng do đô thị hóa, công nghiệp hóa đang diễn ra mạnh mẽ, yêu cầu tiêu thoát gia tăng. Nhiều thành phố hệ thống công trình tiêu hiện có chưa đáp ứng như: TP Hà Nội, TP Vĩnh Yên, TP Bắc Giang…

3. Hiện trạng công trình phòng, chống lũ

a. Công trình cắt lũ thượng nguồn: Trên dòng chính sông Hồng có 4 hồ chứa tham gia cắt lũ cho vùng Đồng bằng sông Hồng, với dung tích phòng chống lũ khoảng 8,45 tỷ m3 (Hòa Bình, Sơn La, Thác Bà, Tuyên Quang).

b. Hệ thống đê sông: Toàn vùng hiện có 59 tuyến đê, chiều dài 2.106,2km, trong đó đê cấp đặc biệt là 37,32km, đê cấp I là 551,9km, đê cấp II là hơn 606,9km, còn lại là đê cấp III với chiều dài 910km. Trên hệ thống từ đê cấp III trở lên có 1.159 cống dưới đê; 744,8km kè bảo vệ đê và 1.537 điếm canh đê.

Nhìn chung hệ thống đê cơ bản đảm bảo yêu cầu với mực nước thiết kê đê đã được quy định, còn một số đoạn chưa đảm bảo đủ cao trình khoảng 200km chủ yếu tập trung ở vùng hạ du sông Hồng-Thái Bình. Ngoài ra còn có 140 tuyến đê với hơn 2.397km đê cấp IV, V, đê bao và đê chuyên dùng do các địa phương quản lý.

Hệ thống đê sông tương đối ổn định và khép kín. Đây cũng là vùng có hệ thống đê điều lớn nhất cả nước. Nhìn chung các tuyến đê hiện nay đều tương đối đảm bảo an toàn chống lũ theo mực nước lũ thiết kế. Một số đoạn đê khu vực hạ du thuộc các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng còn chưa đủ cao trình.

Về chất lượng của hệ thống đê được đánh giá khá ổn định, một số khu vực đê sát sông và đầm ao ven đê có hiện tượng thẩm lậu, rò rỉ nước trong thân đê. Nhìn chung những tuyến đê có chiều cao trên 5m đều đã có cơ đê, khu vực đê qua khu dân cư được ngăn cách bởi các đường hành lang chân đê để chống xâm lấn, vi phạm hành lang đê điều trên toàn tuyến.

Về các công trình dưới đê: Hệ thống các công trình kè, cống dưới đê tuy đã được đầu tư nâng cấp, tu bổ hàng năm, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều công trình cống do xây dựng từ rất lâu trong quá trình khai thác, sử dụng, vận hành đã bị xuống cấp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ nguy hiểm gây mất an toàn đê điều trong trường hợp lũ lên cao. Các tuyến kè do dòng chảy chủ lưu áp sát gây ra các hiện tượng sạt lở, bong tróc kè chân đê gây mất an toàn cho hệ thống đê điều.

 

Các công trình thủy điện đã được số hóa

4. Hiện trạng hệ thống đê biển

Hệ thống đê biển trên lưu vực hiện nay có chiều dài tổng cộng 461,87km thuộc 5 tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình. Trong đó hệ thống đê biển từ cấp III trở lên có 160,84km còn lại là đê cấp IV trở xuống và đê chưa phân cấp là trên 301km.

Trên toàn bộ hệ thống đê biển của các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Đinh, Ninh Bình có tất cả 138 tuyến kè với tổng chiều dài gần 240km. Trong đó số lượng kè bảo vệ đê cấp III trở lên là 25 tuyến với tổng chiều dài 131,3km. Nhìn chung các tuyến đê kè bảo vệ từ đê cấp III trở lên hiện nay chịu được bão cấp 9-10 và triều cường 5%. Các tuyến đê, kè dưới cấp III hiện nay gần như đảm bảo chống chịu được bão cấp 9-10.

Tổng số lượng cống dưới các tuyến đê biển là 231 cống trong đó cống thuộc các tuyến đê cấp III trở lên là 78 cống còn lại 153 cống thuộc các tuyến đê dưới cấp III.

Một số tồn tại của hệ thống công trình phòng chống lũ

* Về mặt cắt hình học: Hiện tại có khoảng 423 km đê thiếu độ cao gia thăng, trong đó 239 km đê hệ thống sông Hồng và 184 km đê hệ thống sông Thái Bình.

Tổng hợp theo chiều dài hiện có khoảng 448 đê hệ thống sông Hồng và 790 km đê thuộc hệ thống sông Thái Bình còn chưa bảo đảm mặt cắt hình học.

* Về thân đê: Hiện có khoảng 251km đê hệ thống sông Hồng và 212 km đê thuộc hệ thống sông Thái Bình có tình trạng thân đê yếu.

* Về nền đê: Căn cứ vào các tài liệu thu thập được cho thấy có khoảng 226 km đê đi qua nền đất yếu, trong đó 194 km đê thuộc hệ thống sông Hồng và 32 km đê thuộc hệ thống sông Thái Bình.

Nguồn: Văn phòng Ban QLQHLV sông Hồng – Thái Bình