Hậu Giang - Chú trọng đầu tư hạ tầng thủy lợi

2023.03.27 - 892 lượt xem

Những năm qua, thành phố Vị Thanh luôn tranh thủ huy động nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng hệ thống thủy lợi nhằm thúc đẩy lĩnh vực nông nghiệp phát triển.

Ông Võ Tứ Phương, Trưởng phòng Kinh tế thành phố Vị Thanh, cho biết: Để đảm bảo an toàn cho vùng sản xuất nông nghiệp, hạn chế ảnh hưởng đến canh tác của người dân, thời gian qua, UBND Vị Thanh đã chỉ đạo phòng kinh tế tập trung thực hiện công trình thủy lợi trên địa bàn. Đến nay, toàn thành phố có diện tích đất sản xuất nông nghiệp được phân theo vùng thủy lợi là 8.908,6ha, gồm 50 tiểu vùng sản xuất, đã khép kín được 5.776ha, đạt 64,9%.

Tổng chiều dài tuyến đê bao kênh cấp 1, cấp 2, kênh cấp 3 của thành phố gồm 538km. Trên địa bàn có 110 cống hở và cống ngầm, trong đó tỉnh quản lý 33 cống hở, 10 cống ngầm. Hiện tại, thành phố quản lý 26 cống hở và 41 cống ngầm, có 11 trạm bơm điện phục vụ bơm tát cho 1.810ha đất trồng lúa, khóm ở phường III, xã Vị Tân, xã Hỏa Lựu và xã Hỏa Tiến. Bên cạnh đó, có 3 đập ngăn mặn cải tiến như đập kênh Mới, ông Cả và đập Cái Su (xã Hỏa Lựu).

Thời gian qua, cùng với việc đầu tư xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng phục vụ nông nghiệp như duy tu sửa chữa, cải tạo và làm mới bằng nhiều nguồn vốn từ các chương trình, dự án mục tiêu Quốc gia, trong năm 2022 thành phố đã đầu tư hệ thống thủy lợi với tổng kinh phí trên 8,1 tỉ đồng. Trong đó, nạo vét 5 tuyến kênh, chiều dài 7.315m với kinh phí 750 triệu đồng, còn lại tập trung sửa chữa, nâng cấp cống, sửa chữa trạm bơm, nạo vét bùn để phục vụ sản xuất lúa trên địa bàn các xã, phường.

Nhờ chú trọng đầu tư nên đến nay hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn thành phố Vị Thanh khá hoàn chỉnh, góp phần đảm bảo phục vụ sản xuất cho các vùng cây ăn trái tập trung. Trong đầu tư luôn gắn với xây dựng hạ tầng nông thôn mới hoàn thiện, để tạo thuận lợi cho nhà vườn thực hiện rải vụ, áp dụng các quy trình sản xuất an toàn, góp phần cải tạo môi trường cũng như đảm bảo trong công tác phòng, chống thiên tai.

Gia đình ông Ngô Lợi, ở ấp 7, xã Vị Tân, lúc này đang thu hoạch vụ lúa Đông xuân, năng suất đạt khá cao nên rất vui. Phải khẳng định rằng, khi Nhà nước quan tâm đầu tư hệ thống đê bao thủy lợi khép kín, gia đình ông cũng như nhiều hộ dân nơi đây sản xuất trúng mùa. Tuyến đê bao, cống hoàn thành giúp gia đình ông làm lúa thuận lợi hơn trước đây rất nhiều, an tâm sản xuất mà không phải lo lắng triều cường hay mặn xâm nhập như trước đây nữa.

Ông Danh Tuẩn, Trưởng ấp 7, xã Vị Tân, cho biết: Từ khi có trạm bơm đã giúp cho những hộ dân có đất nằm trong khu vực trạm bơm sản xuất tốt hơn rất nhiều, ứng phó được với biến đổi khí hậu, nước lũ, thuận lợi trong bơm tưới, giảm bớt thiệt hại và đạt năng suất cao hơn. Hiện nay, trên địa bàn ấp còn 30 hộ, với 10ha đất nông nghiệp nằm ngoài trạm bơm. Do đó, để những hộ này sản xuất có hiệu quả, ấp đã có đề nghị về trên cho mở rộng diện tích trạm bơm để đáp ứng nhu cầu của hộ dân.

Theo ông Võ Tứ Phương, Trưởng phòng Kinh tế thành phố Vị Thanh, mặc dù kết cấu hạ tầng thủy lợi được quan tâm đầu tư tương đối hoàn chỉnh, tuy nhiên một số tuyến kênh bị bồi lắng cần nạo vét, chủ yếu là kênh cấp II. Tình hình triều cường tăng cao kèm theo nước lũ gây ảnh hưởng sản xuất cần đầu tư thêm nhiều trạm bơm điện như địa bàn xã Tân Tiến, xã Hỏa Lựu...

Đối với hệ thống ngăn mặn cũng cần phải cải tiến để đảm bảo vừa ngăn mặn vừa phục vụ thoát lũ, nhưng hiện nay chỉ đảm bảo ngăn mặn do nguồn kinh phí còn hạn chế. Nguyên nhân các nguồn vốn hỗ trợ cho địa phương hàng năm về hạ tầng thủy lợi như từ nguồn kinh phí hỗ trợ sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi; nguồn kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ để bảo vệ và phát triển đất trồng lúa năm 2019 theo Nghị định số 62/2019/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa để cải tạo nâng cấp, tu bổ, sửa chữa hệ thống thủy lợi trên địa bàn, tuy nhiên nguồn vốn kinh phí này còn hạn chế, do đó chưa đảm bảo đầu tư hoàn thiện hệ thống thủy lợi.

Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng thành phố luôn tranh thủ mọi nguồn lực để đầu tư hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất cho người dân. Ngay từ đầu năm, Phòng Kinh tế đã tham mưu UBND thành phố đầu tư các công trình thủy lợi từ duy tu sửa chữa, cải tạo đến xây dựng mới và đang triển khai thực hiện như công trình nạo vét 2 tuyến kênh số 1 và kênh Tư Nho, ở xã Hỏa Tiến với kinh phí 500 triệu đồng. Mục đích đầu tư nhằm đảm bảo cho việc khai thông dòng chảy, chủ động trong công tác phòng, chống hạn hán và xâm nhập mặn, dự trữ nước ngọt và tạo điều kiện thuận lợi trong công tác tưới tiêu để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp được tốt hơn. Đồng thời, xây dựng mới trạm điện kênh Út Đinh, ở xã Tân Tiến với tổng kinh phí 2,7 tỉ đồng, nhằm đảm bảo cho việc bơm tác có hiệu quả hơn, phục vụ cho hơn 250ha đất sản xuất mà chủ yếu là trồng lúa.

Nguồn: baohaugiang.com.vn