Hà Tĩnh: Phá bờ thửa, mở rộng mô hình cánh đồng lớn

2021.05.27 - 1268 lượt xem

Vụ hè thu 2021, Hà Tĩnh tiếp tục đẩy mạnh phong trào phá bờ vùng, bờ thửa, hình thành cánh đồng lớn theo hướng “một giống, một thời vụ, một quy trình canh tác”.

Ông Ngô Đức Hợi, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở NN-PTNT Hà Tĩnh) cho biết, đầu vụ hè thu 2021, mực nước nhiều hồ lớn trên địa bàn tỉnh đạt đang ở mức từ 70 - 80% so với dung tích thiết kế và thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020.

Tuy nhiên theo dự báo, nhiệt độ trung bình từ tháng 4 - 9/2021 tại Hà Tĩnh có xu hướng xấp xỉ hoặc thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 0,5 – 1 độ C và thấp hơn nhiều so với năm 2020. Nắng nóng dự báo không gay gắt và kéo dài như năm 2020 nên nguồn nước tưới phục vụ vụ hè thu 2021 tại Hà Tĩnh sẽ đáp ứng đủ diện tích sản xuất theo cơ cấu của tỉnh (khoảng 44.186 ha).

 

Hồ chứa nước Ngàn Trươi đi vào vận hành đã góp phần rất lớn chống hạn vụ hè thu 2021 cho các huyện Vũ Quang, Đức Thọ, Can Lộc, Thị xã Hồng Lĩnh... Ảnh: TN.

Mặc dù vậy, ông Ngô Đức Hợi cũng đề nghị các địa phương cần phải chủ động thực hiện các giải pháp phòng chống nguy cơ xẩy ra hạn cục bộ như: Ra quân làm thủy lợi nội đồng, khơi thông dòng chảy; thực hiện công tác vận hành, điều tiết nước hợp lý, khoa học và tiết kiệm nhằm đảm bảo khu vực cuối kênh không bị thiếu nước.

Cập nhật mới nhất của Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh cho thấy, mực nước một số hồ lớn như: Kẻ Gỗ hiện đạt dung tích hơn 240 triệu m3, thấp hơn 3,82 m3 so với mực nước thiết kế (khoảng 105 triệu m3); hồ Ngàn Trươi dung tích hơn 389,62 triệu m3 (so với dung tích thiết kế thì công trình này chỉ mới đạt khoảng 50%), tuy nhiên so với cùng kỳ năm 2020 thì dung tích tăng thêm 8 triệu m3.

Trong khi đó, nhiều hồ đập nhỏ trên địa bàn lại có mực nước khá cao (90 - 100% thiết kế) như: Hồ Đá Bạc (89,9% dung tích thiết kế); hồ Xuân Hoa (88,8% thiết kế); hồ Khe Xai (94,22% thiết kế); hồ Đá Cát (100% thiết kế)…

Vụ hè thu 2021, tỉnh Hà Tĩnh phấn đấu sản xuất 44.186 ha lúa; hơn 3.700 ha đậu; trên 1.500 ha ngô lấy hạt; 760 ha ngô sinh khối; 2.502 ha rau các loại…

 

Nông dân Hà Tĩnh tập trung đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa xuân, song song công tác chuẩn bị sẵn sàng triển khai vụ hè thu 2021. Ảnh: TN.

Để thực hiện đạt mục tiêu trên, ngành chuyên môn, chính quyền địa phương huy động các đoàn thể hỗ trợ nông dân đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa vụ xuân trong bối cảnh nhiều hộ gia đình có người phải cách ly do dịch Covid-19.

Ngành nông nghiệp Hà Tĩnh đã khuyến cáo nông dân thu hoạch vụ xuân đến đâu, dọn sạch rơm rạ, phụ phẩm trên ruộng và làm đất đến đó. Riêng những vùng thấp trũng làm hè thu chạy lũ, tổ chức gieo cấy sớm, tận dụng triệt để nguồn nước sẵn có trên đồng ruộng để xuống giống đúng khung lịch thời vụ.

Đối với vùng cao cưỡng, không chủ động được nước tưới ở các huyện miền núi như Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang… chuyển đổi sang trồng ngô sinh khối và đậu làm nguyên liệu phục vụ chăn nuôi, hạn chế bỏ hoang đất.

Đặc biệt, từ năm 2017, sau khi thực hiện “cuộc cách mạng” phá bờ vùng, bờ thửa, xây dựng cánh đồng lớn, hơn 2.400 ha đất lúa ở huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Kỳ Anh, Can Lộc rất thuận lợi trong việc áp dụng cơ giớ hóa trong quá trình làm đất, tưới tiết kiệm nước, bón phân, phòng trừ sâu bệnh, góp phần tăng hiệu quả kinh tế trung bình từ 1,5 - 2 triệu đồng/ha.

 

Phá bờ thửa nhỏ, hình thành cánh đồng lớn là một trong những giải pháp tạo điều kiện thuận lợi để áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tiết kiệm nước tưới, gia tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích. Ảnh: TN.

Hà Tĩnh cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc hình thành cánh đồng lớn theo hướng “một giống, một thời vụ, một quy trình canh tác” trong vụ hè thu 2021, tạo sản phẩm hàng hóa đồng nhất, số lượng đủ lớn tạo tiền đề cho doanh nghiệp liên kết các khâu trong quá trình sản xuất và hướng tới tích tụ ruộng đất.

“Từ thành công bước đầu của phong trào phá bờ vùng, bờ thửa, xây dựng cánh đồng lớn ở 4 huyện trong tỉnh, vụ hè thu 2021, Hà Tĩnh phấn đấu mở rộng mô hình cánh đồng mẫu thêm khoảng 1.100 ha, tập trung ở huyện Thạch Hà (200 ha); Cẩm Xuyên (500 ha); Kỳ Anh (100 ha); Đức Thọ (100 ha) và Can Lộc (200 ha)”, ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Tĩnh cho biết thêm.

 

        Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang cho biết: Do đặc thù đất đai manh mún, chủ yếu ruộng bậc thang nên vụ hè thu 2021, địa phương chỉ sản xuất 350 ha/hơn 1.000 ha lúa.

         Những diện tích chuyên ngập lụt ở các xã như Đức Hương, Đức Bồng… buộc phải bỏ hoang, còn khoảng 20 ha đất cao cưỡng có thể sản xuất được thì chuyển đổi sang trồng ngô và đậu.

 

Nguồn: nongnghiep.vn