Thái Nguyên - Nhiều công trình cấp nước cần cải tạo, sửa chữa

2022.11.08 - 952 lượt xem

Ngoài việc cho nước qua giàn phun mưa để khử sắt, nhân viên Nhà máy nước Nga My - Hà Châu (Phú Bình) thường xuyên tiến hành vệ sinh, sục rửa hệ thống lọc nước bằng phương pháp thủ công.

Hơn 10 năm trước, người dân ở 2 xã Nga My, Hà Châu (Phú Bình) phải sử dụng nguồn nước ngầm tại chỗ bằng cách đào giếng khơi hoặc khoan giếng. Tuy nhiên, do địa hình gần sông nên những lúc mưa lớn, mực nước dâng cao, cộng thêm tác động từ hoạt động sản xuất - kinh doanh đã ảnh hưởng đến chất lượng nước sinh hoạt. Từ khi công trình Nhà máy nước Nga My - Hà Châu đi vào hoạt động, hơn 1.300 hộ dân của hai địa phương đã gỡ được nỗi lo trên.

Vậy nhưng, sau 10 năm khai thác, sử dụng, việc vận hành của Nhà máy đang gặp phải những khó khăn nhất định. Nguồn nước đầu vào tại chỗ bị nhiễm sắt nặng và bằng mắt thường có thể nhìn thấy những vệt ố vàng ngay tại khu vực xử lý của Nhà máy.

Anh Dương Văn Tám, Tổ trưởng Nhà máy nước Nga My – Hà Châu, cho biết: Để xử lý nguồn nước, chúng tôi phải thực hiện thêm nhiều biện pháp. Trước hết, nước sau khi bơm từ giếng khoan lên phải được chảy qua hệ thống giàn mưa khử sắt, tiếp tục qua 8 khoang lắng và lọc sơ bộ bằng phương pháp thẩm thấu. Nhân viên Nhà máy ngày nào cũng phải sục rửa hệ thống lọc bằng phương pháp thủ công rất vất vả. Sau đó, nước được đưa qua thiết bị lọc chuyên dụng, đến khi đảm bảo chất lượng mới cung cấp đến khách hàng. Do nước bị nhiễm sắt và mất quá nhiều công đoạn xử lý nên tỷ lệ nước thành phẩm chỉ đạt khoảng 60-70% so với lượng nước khai thác đầu vào. Cùng với đó, một số hạng mục công trình đã xuống cấp, trong đó có cả hệ thống đường ống đến hộ dân.

Tương tự, Nhà máy nước Úc Kỳ (Phú Bình) cũng cho thấy hiệu quả hoạt động từ năm 2013 đến nay. Hiện, Nhà máy đang cung cấp nước cho 420 hộ dân và trung bình mỗi năm, lắp thêm cho khoảng 15-20 hộ theo đăng ký. Hiện tại, nhu cầu sử dụng nước của người dân còn khá nhiều nhưng Nhà máy chưa thể đáp ứng.Trong khi đó, đơn vị quản lý mới chỉ khai thác chưa đạt 50% công suất thiết kế của công trình.

Về điều này, anh Dương Văn Hòa, Tổ trưởng Nhà máy nước Úc Kỳ, cho hay: Sau gần 10 năm hoạt động, nhà máy đang gặp phải một số khó khăn. Đó là tình trạng thất thoát do ảnh hưởng từ quá trình xây dựng công trình, nhất là các tuyến đường bê tông tại địa phương. Điều đó khiến hệ thống đường ống nằm sâu dưới mặt đất, việc phát hiện các điểm rò rỉ, sự cố để khắc phục khó khăn, nhiều chỗ không thể kiểm soát. Bên cạnh đó, còn rất nhiều hộ dân có nhu cầu lắp đặt, đấu nối nhưng mạng lưới đường ống chưa vươn tới. Ngoài ra, hàng trăm đồng hồ nước cần phải thay mới nhưng đơn vị vẫn chưa thực hiện được. Nhà máy hiện rất cần kinh phí đầu tư sửa chữa cũng như khoan thêm giếng, mở rộng mạng lưới đường ống để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của người dân.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 và Đề án Điều chỉnh xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025 đã đề ra mục tiêu đến hết năm 2025: Tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 98%; 95% số xã đạt chuẩn nông thôn mới trong đó 40% số xã xây dựng nông thôn mới nâng cao (ít nhất 06 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, 31 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 51 xã xây dựng nông thôn mới nâng cao).

Theo ông Nguyễn Văn Trường – Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và VSMT nông thôn tỉnh: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 254 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung (Trung tâm Nước sinh hoạt và VSMT nông thôn quản lý 25 công trình, còn lại là do UBND cấp xã, hợp tác xã, doanh nghiệp và các tổ chức khác quản lý). Đến hết năm 2021, toàn tỉnh đạt tỷ lệ 95% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Tuy nhiên, hiện nay, một số công trình đã xuống cấp, ảnh hướng đến chất lượng cung cấp nước sạch cho cư dân nông thôn.

Để đạt được mục tiêu tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 98%, đồng thời đảm bảo chiến lược về an ninh nguồn nước và cấp nước bền vững, cải thiện điều kiện cung cấp nước sạch, vệ sinh, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi vệ sinh và giảm thiểu ô nhiễm môi trường... cho người dân nông thôn thì "việc tiếp tục đầu tư xây dựng mới và cải tạo, nâng cấp các công trình cấp nước tập trung để mở rộng quy mô và củng cố bền vững các hộ dân được sử dụng nước sạch và VSMT nông thôn là rất cần thiết" - ông Nguyễn Văn Trường nói.

Nguồn: baothainguyen.vn