Kon Tum chủ động chống hạn cho cây trồng

2021.03.19 - 1077 lượt xem

Tại tỉnh Kon Tum nhiều diện tích cây trồng hiện đã bắt đầu thiếu nước tưới trong khi mùa khô có thể kéo dài hơn 1 tháng nữa. Trước tình hình này, chính quyền và ngành nông nghiệp địa phương đang tích cực chủ động chống hạn cho cây trồng.

Xã biên giới Rờ Kơi, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum có 70ha lúa nước vụ Đông- Xuân cùng trên 2.000ha cây công nghiệp các loại. Để đảm bảo nước tưới cho diện tích cây trồng này, xã có 9 công trình thủy lợi với chủ yếu là đập dâng. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều công trình thủy lợi không được sửa chữa tu bổ nên xuống cấp hư hỏng dẫn đến khả năng cấp nước hạn chế.

 

Chủ động nguồn nước tưới cho cây trồng trong mùa khô hạn ở huyện Dak Ha

Ông Trần Lệnh Tuyến, Chủ tịch UBND xã Rờ Kơi cho biết, chính quyền xã đã thành lập 8 tổ chỉ đạo việc điều tiết nước tại các đập dâng để sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, song hiện tượng thiếu nước tưới cho cây trồng đã bắt đầu xảy ra.

“Đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn xã, một số diện tích gò cao đã xuất hiện thiếu nước cục bộ. Theo như dự báo của địa phương, khoảng 15 ngày tới mà không có mưa thì địa phương sẽ bị khô hạn khoảng trên 4ha lúa nước. Với diện tích cây công nghiệp, hiện nay chúng tôi đang vận động nhân dân khơi thông dòng chảy, đặc biệt đào hố chứa nước tập trung để bà con đảm bảo tưới cho cây cà phê”, ông Trần Lệnh Tuyến nói.

Toàn tỉnh Kon Tum hiện có 178 công trình thủy lợi, gồm 73 hồ chứa, 98 đập dâng, 7 trạm bơm điện đảm bảo nước tưới cho gần 11.000 ha cây trồng với chủ yếu là lúa nước và cây công nghiệp. Đến đầu tháng 3 vừa qua các công trình thủy lợi này vẫn đảm bảo nước tưới cho cây trồng. Thế nhưng, nếu mùa khô kéo dài tới cuối tháng 3 đầu tháng 4 thì tình trạng thiếu nước sẽ xảy ra với khoảng 1.000ha cây trồng tập trung ở địa bàn các huyện: Sa Thầy, Đăk Hà, Kon Rẫy và thành phố Kon Tum.

 

Chăm sóc lúa nước vụ Đông Xuân ở huyện Sa Thầy

Ông Nguyễn Văn Dẫn, Phó Giám đốc Ban Quản lý - Khai thác các công trình thủy lợi tỉnh Kon Tum cho biết, đơn vị đang tích cực chủ động trong việc điều tiết nguồn nước, thực hiện giải pháp tưới luân phiên và tưới tiết kiệm để chống hạn.

 “Ban quản lý thường xuyên cập nhật kiểm tra nguồn nước. Đối với những vùng trọng điểm tưới nhất là vùng lúa, ban cũng đã lập lịch tưới luân phiên tại các công trình có khả năng hạn hán, thiếu nước. Đồng thời, thực hiện quy chế phối hợp giữa Ban quản lý khai thác với chính quyền địa phương nhất là tổ sử dụng nước lập lịch tưới luân phiên để thông báo cho địa phương cũng như tổ sử dụng nước được biết để chủ động trong việc sử dụng nguồn nước có hiệu quả”, ông Nguyễn Văn Dẫn cho hay./.

Nguồn: vov.vn