Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp: Đưa các công trình phòng chống hạn, mặn vào sử dụng càng sớm càng tốt

2020.01.15 - 1751 lượt xem

Phải đẩy nhanh tiến độ thi công, làm 3 ca trong ngày, đảm bảo đúng và vượt tiến độ, để đưa các công trình phòng chống hạn, mặn vào sử dụng càng sớm càng tốt.

 

Đoàn thị sát tại công trình đang thi công cống Kênh Nhánh, tại TP Rạch Giá.

Đó là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, tại buổi thị sát quá trình xây dựng các công trình điều tiết mặn, ngọt và phương án phòng chống hạn mặn trong những tháng cao điểm mùa khô 2020, trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, vào sáng 10/1.

Buổi sáng, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp dẫn đầu đã đi thị sát công trình cống Kênh Nhánh trên địa bàn TP Rạch Giá. Đây là công trình cống ngăn mặt, giữ ngọt, kết hợp với cầu giao thông đô thị.

 

Đoàn đã trực tiếp đến thị sát công trường thi công dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn, Cái Bé giai đoạn 1.

Khi hoàn thành, cống Kênh Nhánh, cùng với các công trình đã xây dựng trước đó như: Sông Kiên, Kênh Cụt… sẽ đảm bảo điều tiết mặn, ngọt cho cả khu vực TP Rạch Giá, huyện Châu Thành, Tân Hiệp, Hòn Đất. Đặc biệt là ngăn không cho nước mặn từ biển Tây xâm nhập vào nhà máy nước Rạch Giá, đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho hàng trăm ngàn hộ dân.

Nhà máy nước Rạch Giá chủ yếu sử dụng nguồn nước mặt trên tuyến kênh Tân Hội – Ba Thê (An Giang). Khi nước đầu nguồn đổ về yếu, nước biển rất dễ xâm nhập nếu không có công trình ngăn mặn, do nhà máy này chỉ cách biển có vài km.

 

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp chỉ đạo các đơn vị đại diện chủ đầu tư, đơn vị giám sát, nhà thầu, phải tập trung mọi nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thi công.

Sau đó, đoàn đã trực tiếp đến thị sát công trường thi công dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn, Cái Bé giai đoạn 1, tại xã Bình An, huyện Châu Thành. Đây là công trình có quy mô lớn, tầm ảnh hưởng liên vùng, với tổng vốn hơn 3.309 tỷ đồng, do Bộ NN-PTNT làm chủ đầu tư. Nhiệm vụ của dự án nhằm kiểm soát nguồn nước, tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững đối với các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái ngọt, mặn, lợ, ngọt lợ luân phiên.

Cống Cái Lớn có thiết kế chiều rộng thông nước là 455 m, gồm 11 khoang, mỗi khoang rộng 40 m và khoang âu thuyền rộng 15 m. Cống Cái Bé có chiều rộng thông nước 85 m, gồm 2 khoang, mỗi khoang rộng 35 m và 1  khoang âu thuyền rộng 15m. Ngoài ra, trên cống kết hợp cầu giao thông nông thôn và tuyến đê nối cống Cái Lớn, Cái Bé với quốc lộ 61, có chiều dài hơn 5,7 km, bề rộng mặt đê 9 m, chiều rộng phần xe chạy 7 m, bao gồm 3 cây cầu và 9 cống tròn, cống hộp.

 

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp yều cầu tuyệt đối không để xảy ra tình trạng nhà thầu làm nhanh phải chờ nhà thầu làm chậm, làm gián đoạn thi công.

Vùng hưởng lợi của dự án với diện tích tự nhiên là 384.120 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp, thủy sản là 346.241 ha, thuộc địa bàn 4 tỉnh: Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu và Cà Mau. Kết hợp với tuyến đê biển Tây, tạo thành cụm công trình chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phòng chống thiên tai, giảm ngập úng… Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông bộ, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trong khu vực.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp chỉ đạo, các đơn vị đại diện chủ đầu tư, đơn vị giám sát, nhà thầu, phải tập trung mọi nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thi công. Phải xây dựng kế hoạch, ngay sau Tết Nguyên đán, sẽ tiến hành thi công 3 ca/ngày, để đưa công trình vào sử dụng càng sớm càng tốt. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, công trình hoàn thành sớm, đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả ngay, càng có ý nghĩa thiết thực hơn.

 

Công trình cống Cái Lớn, Cái Bé đang được đẩy nhanh tiến độ thi công, sau tết sẽ thi công 3 ca/ngày đêm.

Thuận lợi của dự án này là ngay khi bắt đầu khởi công đã có mặt bằng sạch, đường giao thông vận chuyển vật tư, máy móc, thiết bị vào công trường cũng rất thông thoáng. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành trong thời gian 24 tháng (tháng 11/2021) nhưng tại lễ khởi công, các nhà thầu cùng với địa phương đã ký kết phong trào thi đua, cam kết sẽ đưa công trình về đích trước 3 tháng.

“Đây là công trình lớn, Bộ NN-PTNT đã chọn liên doanh các nhà thầu mạnh, có quyết tâm cao để đảm bảo kỹ thuật, mỹ thuật cũng như tiến độ thi công. Vì vậy, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng nhà thầu làm nhanh phải chờ nhà thầu làm chậm, làm gián đoạn thi công. Mà đơn vị nào làm nhanh sẽ làm tràn sang công việc của các đơn vị khác. Phải quyết tâm để sớm hoàn thành và đưa công trình vào sử dụng sau hơn 20 tháng thi công như đã cam kết”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp chỉ đạo./.

Nguồn: nongnghiep.vn