Viện Quy hoạch Thủy lợi tham gia Hội nghị triển khai công tác phòng, chống hạn hán khu vực Tây Nguyên năm 2016

2015.03.23 - 1258 lượt xem

Sáng 22/3, tại thị xã Gia Nghĩa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị triển khai công tác phòng, chống hạn hán khu vực Tây Nguyên. Các đồng chí Hoàng Văn Thắng - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT; Trần Việt Hùng - Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nguyên; Trương Thanh Tùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Đến dự còn có đại diện lãnh đạo Tổng cục Trồng trọt, Tổng cục Thủy lợi, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương và lãnh đạo 5 tỉnh Tây Nguyên. Về phía Viện Quy hoạch Thủy lợi, đồng chí Đặng Thị Kim Nhung – Trưởng phòng QHTL Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đã tham gia Hội nghị.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn từ cuối năm 2014, El Nino đã ảnh hưởng đến nước ta, năm 2015 ở khu vực Tây Nguyên đã có gần 95.000 ha cây trồng bị hạn hán, thiếu nước và hàng chục ngàn người thiếu nước sinh hoạt. Dự báo mùa khô năm nay sẽ kéo dài đến hết tháng 4 năm 2016. Mực nước trên các sông xuống dần và ở mức thấp. Lượng dòng chảy trên các sông chính liên tục thiếu hụt từ 20 – 70%, có nơi lên 90%.

Hiện nay, trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên có trên 40.670ha cây trồng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hạn hán trong thời gian qua: gồm 5.392ha lúa, trong đó 1.514ha lúa mất trắng và thiệt hại trên 70%; 33.448ha cà phê, trong đó 2.000ha cà phê mất trắng và thiệt hại trên 70% và 1.719ha hồ tiêu.

Dự báo đến cuối tháng 3 năm 2016 nếu không có mưa sẽ có 135.600ha cây trồng ảnh hưởng do hạn hán, trong đó 11.230ha lúa, 119.450 ha cà phê, 2.920 hoa màu, 350ha cây ăn quả và 703ha cây trồng khác bị ảnh hưởng của hạn hán. Đối với vấn đề nước sinh hoạt, hiện nay đã có gần 17.600 hộ gia đình bị thiếu nước sinh hoạt, thời gian tới dự báo sẽ có khoảng 43.000 hộ bị thiếu nước sinh hoạt, nặng nhất là Đắk Lắk 25.000 hộ, Đắk Nông 9.000 hộ và Lâm Đồng 4.000 hộ. Về nguy cơ cháy rừng, hiện tại đang ở cấp IV, V cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm và sẽ duy trì trong thời gian dài.

Do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino thời tiết năm 2015 và đầu năm 2016 trên địa bàn có nhiều diễn biến thất thường, lượng mưa năm 2015 thấp hơn mức trung bình nhiều năm, mùa mưa chấm dứt sớm, nhiều hồ đập nước không đạt dung tích thiết kế, mực nước trên các sông suối ở mức thấp, lượng dòng chảy bình quân thiếu hụt từ 27-85% so với trung bình nhiều năm, mực nước ngầm giảm sâu so với năm trước.

Tại tỉnh Đắk Nông, tình trạng hạn hán xảy ra gay gắt, thiếu nước đã xảy ra tại các huyện phía Bắc của tỉnh như Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil. 183/183 hồ nước có mực nước thấp hơn mực nước dâng bình thường. Đến nay có 5 công trình hết nước và 1 công trình dưới mực nước chết. Đến đầu tháng 3/2016 hạn hán đã ảnh hưởng đến 22.386ha cây trồng, gồm 386ha lúa, 22.000ha cà phê và hồ tiêu.

 Trước tình hình hạn hán xảy ra nghiêm trọng, các đại biểu tham dự hội nghị đã tập trung thảo luận và đề xuất các giải pháp cấp bách để chống hạn. Cụ thể trước mắt sẽ đề nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ cứu đói đối với người dân vùng hạn hán; thống nhất kế hoạch điều tiết, sử dụng nước hợp lý, ưu tiên nước cho sinh hoạt, nước uống cho gia súc, tưới cho cây trồng lâu năm có giá trị kinh tế cao; đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng các công trình thủy lợi, tiến hành duy tu, sữa chữa các công trình thủy lợi hư hỏng, phát triển hệ thống ao hồ nhỏ; tập trung thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng cháy chữa cháy rừng và trồng rừng mới; vận hành công trình tưới nước tiết kiệm, khuyến cáo nhân dân chuyển đổi mùa vụ gieo trồng sớm, sử dụng cây ngắn ngày, chịu hạn hoặc chuyển đổi diện tích trồng lúa không đảm bảo nguồn nước sang trồng cây chống hạn; thực hiện tủ gốc hoặc phủ màng nilon hạn chế bốc hơi. Các địa phương chủ động thực hiện phương châm 4 tại chỗ trong công tác chống hạn.

Trong thời gian tới, giải pháp lâu dài cần đánh giá lại một số công trình thủy điện ở Tây Nguyên; tăng cường trồng rừng mới; cần quản lý mạch nước ngầm; rà soát lại các hồ đập để tiến hành xây dựng các hồ đập lớn để chứa nước lâu dài, tăng cường xây dựng các hồ đập nhỏ ở các thôn, bon nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng đề nghị cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến các địa phương ở khu vực Tây Nguyên cần vào cuộc để giúp dân chống hạn hán; đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân về ý thức tiết kiệm nước; tỉnh cũng cần tập trung đẩy mạnh việc hoàn thành các công trình thủy lợi đã và đang xây dựng, nâng cấp, nạo vét các công trình thủy lợi, kênh mương để tăng lượng nước dự trữ; xây dựng, triển khai cơ chế hỗ trợ cho nhân dân xây dựng các hồ chứa nhỏ…

Một số hình ảnh Hội nghị:

Toàn cảnh Hội nghị

Đại biểu tỉnh Kon Tum tham gia thảo luận Hội nghị

Tin cùng loại