Bình Định: Hồ đập an toàn nhờ ứng dụng công nghệ phòng chống thiên tai

2021.08.16 - 1620 lượt xem

Mùa mưa bão đã cận kề, hiện ngành nông nghiệp Bình Định vừa thực hiện phòng chống dịch Covid-19 vừa kiểm tra từng công trình để triển khai công tác an toàn hồ đập.

Lo những hồ chứa nhỏ

Theo ông Nguyễn Xuân Phú, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Bình Định, năm nay, dù trong bối cảnh dịch Covid-19 đang hoành hành trên địa bàn, nhưng trong thời gian này, ngành chức năng Bình Định đang khẩn trương thành lập hội đồng tư vấn đánh giá an toàn hồ đập theo quy định của Luật Thủy lợi và tiến hành đi kiểm tra thực tế tại các công trình.

Bởi, hàng năm, trong số những hồ đập đã xuống cấp nghiêm trọng cần sửa chữa, Bình Định đã nâng cấp một số công trình, do đó cần kiểm tra cụ thể để đánh giá lại thực trạng. Từ kết quả kiểm tra, trong mùa mưa bão tới, ngành chức năng biết cần quan tâm đến công trình nào để công tác an toàn hồ đập đạt hiệu quả.

“Trên địa bàn Bình Định hiện có 165 hồ chứa nước lớn nhỏ, trong đó có 160 hồ có dung tích chứa từ 50.000m3 trở lên, tất cả các hồ này phải được kiểm tra toàn bộ để đánh giá độ an toàn của từng công trình trước mùa mưa bão mới. Trong giai đoạn 2021-2025, trên địa bàn Bình Định còn 25 hồ chứa nước qua thời gian dài vận hành và do tác động của thiên nhiên nên đã xuống cấp nghiêm trọng. Trong thời gian qua tỉnh đã nâng cấp, sửa chữa được 7 công trình, số công trình còn lại là những đối tượng cần được quan tâm trong công tác an toàn hồ chứa trong mùa mưa bão tới đây”, ông Nguyễn Xuân Phú cho hay.

Lãnh đạo Công ty Thủy lợi Bình Định kiểm tra đập dâng Văn Phong nằm trên địa bàn huyện Tây Sơn để chuẩn bị công tác an toàn hồ đập trong mùa bão lũ năm 2021. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Theo Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định, ngoài 15 hồ chứa lớn công ty quản lý lâu nay, đơn vị vừa tiếp nhận thêm 51 hồ chứa nhỏ có dung tích chứa từ 3 triệu m3 trở lên, hoặc hồ chứa có chiều cao đập từ 15m, hồ chứa có đập dài từ 300m trở lên để quản lý, vận hành, duy tu bảo dưỡng phục vụ sản xuất theo Quyết định 64/2020 của UBND tỉnh Bình Định. Như vậy, hiện nay Công ty Thủy lợi Bình Định đang quản lý 66 hồ chứa cùng 24 đập dâng lớn trên các sông Kôn, Hà Thanh, La Tinh, Lại Giang và trên 1.080km kênh mương. Số hồ chứa còn lại gồm 99 hồ chứa nhỏ và vừa do các huyện, thị xã quản lý.

Theo ông Nguyễn Văn Phú, Chủ tịch Công ty Thủy lợi Bình Định, trước mùa mưa bão năm nay, đối với 15 hồ chứa nước lớn công ty quản lý lâu nay độ an toàn được bảo đảm, mọi âu lo chỉ nhắm đến 51 hồ chứa công ty vừa tiếp nhận. Bởi, từ trước đến nay số hồ chứa nói trên do địa phương quản lý, vận hành; trong khi năng lực quản lý hồ chứa của các địa phương rất yếu, dẫn tới hầu hết các công trình xuống cấp nghiêm trọng, mất an toàn.

“Sau khi tiếp nhận 51 hồ chứa do các địa phương bàn giao, trong thời gian khai thác, khi đang vận hành tưới trong vụ ĐX 2020-2021 bỗng dưng cống bị rớt, chúng tôi đã phải sửa cấp tốc 3-4 trường hợp như vậy. Hiện chúng tôi đang nỗ lực kiểm tra cụ thể những hồ chứa nước mới tiếp nhận để báo cáo với Sở NN-PTNT. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ triển khai thi công sửa chữa mái đập đất của 1 hồ chứa ở huyện Phù Mỹ và 1 hồ ở huyện Hoài Ân để bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão sắp tới”, ông Nguyễn Văn Phú cho hay.

Ứng dụng công nghệ bảo vệ hồ đập

Theo ông Nguyễn Văn Phú hiện đơn vị này đã hoàn tất việc rà soát, sửa chữa các thiết bị, máy móc tại các công trình thủy lợi trọng điểm trên địa bàn như: Hồ Định Bình (huyện Vĩnh Thạnh), hồ Thuận Ninh (huyện Tây Sơn), hồ Vạn Hội (huyện Hoài Ân), hồ Hội Sơn (huyện Phù Cát) và đập dâng Văn Phong (huyện Tây Sơn) nhằm đảm bảo phục vụ công tác quản lý, vận hành công trình trong mùa mưa lũ.

Tất cả hình ảnh, dữ liệu tổng quan công trình, cao trình mặt nước, mực nước trong hồ chứa và việc đóng mở các cửa tràn… được cập nhật liên tục. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Riêng tại hồ Định Bình, hồ chứa có dung tích lớn nhất tỉnh Bình Định với 226 triệu m3 nước đã được lắp đặt hệ thống camera giám sát 12 cửa tràn và 4 trạm đo mưa tự động lưu vực hồ. Tất cả hình ảnh, dữ liệu tổng quan công trình, cao trình mặt nước, mực nước trong hồ chứa và việc đóng mở các cửa tràn… được cập nhật liên tục và truyền về Trung tâm Công nghệ phần mềm thủy lợi (Bộ NN-PTNT), Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Công ty Thủy lợi Bình Định để nắm bắt kịp thời, chỉ đạo chính xác.

Những năm gần đây Bình Định đã đầu tư chiều sâu trong công tác phòng chống thiên tai các công trình thủy lợi trọng điểm trên địa bàn. Với sự hỗ trợ từ Trung ương, các tổ chức quốc tế và nguồn lực của tỉnh, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào quan trắc cảnh báo thiên tai tại địa phương ngày càng hoàn chỉnh; mạng lưới quan trắc khí trượng thủy văn được thiết lập ở các lưu vực sông hồ, hồ chứa nước lớn; các bản đồ rủi ro từng loại hình thiên tai được xây dựng ngày càng chi tiết, đảm bảo cung cấp kịp thời thông tin tham mưu phục vụ lãnh đạo các cấp chỉ đạo điều hành.

Trong những năm gần đây, Bình Định đã đầu tư chiều sâu trong công tác phòng chống thiên tai các công trình thủy lợi trọng điểm trên địa bàn. Ảnh: Vũ Đình Thung.

“Cùng với việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật, việc tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác phòng chống thiên tai đã giúp ngành chức năng chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa”, ông Phú khẳng định.

Ông Phú giải thích thêm, dữ liệu từ các trạm đo mưa chuyên dùng tự động được kết nối trực tuyến, liên tục cập nhật lên cơ sở dữ liệu dùng chung; với ứng dụng trên thiết bị di động, cán bộ theo dõi có thể trích xuất mọi thông tin cần thiết, một số thông tin còn được hệ thống cảnh báo tự động. Đến nay, toàn tỉnh Bình Định đã lắp đặt gần 100 trạm đo mưa tự động, trong đó 30 trạm đo mưa tự động chuyên dùng phục vụ phòng chống thiên tai; 600 điểm quan trắc lũ cộng đồng; các trạm quan trắc mực nước ở các hồ chứa.

Theo đánh giá của ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, trong công tác phòng chống thiên tai, việc chủ động phòng ngừa được đánh giá là hiệu quả và là yếu tố quan trọng quyết định khả năng hạn chế thiệt hại. Đến nay, dù mới chỉ ở mức độ cơ bản, nhưng cảnh báo sớm của hệ thống đã góp phần rất tích cực.

“Trong cảnh báo thiên tai, thông tin đưa sớm 1 giờ là quý 1 giờ. Ví như 1 cơn lũ lớn ở thượng nguồn hình thành và chảy về hạ lưu trong khoảng thời gian 3 giờ đồng hồ, ngay khi có dự báo mưa lớn xảy ra trên địa bàn từ Trung tâm Khí tượng thủy văn, sau khi tập hợp dữ liệu, cơ quan chức năng đã có để lên nhiều kịch bản khác nhau về khả năng hình thành lũ, sau đó theo dữ liệu cập nhật thường xuyên trên hệ thống sẽ đưa ra cảnh báo sớm để chính quyền các địa phương theo đó điều hành, người dân cũng được tiếp cận thông tin sớm để chủ động phòng ngừa, di chuyển đến nơi an toàn”, ông Chương chia sẻ.

“Với sự hỗ trợ của khoa học công nghệ, các dự báo ngày càng đạt độ chuẩn cao, theo đó các cảnh báo cũng chính xác hơn, dẫn tới mức độ rủi ro, thiệt hại cũng giảm thiểu hơn trước rất nhiều. Tuy nhiên, trong công tác phòng chống thiên tai, điểm cốt yếu vẫn là năng lực phối hợp giữa chính quyền với các ngành có liên quan, kể cả người dân. Công tác phòng chống thiên tai đang vận hành theo phương châm “4 tại chỗ”, nên việc cảnh báo sớm góp phần phát huy tối đa tác dụng, đồng thời giúp địa phương xây dựng sớm các kịch bản phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai”, ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định.

Nguồn: nongnghiep.vn