Tỉnh Nghệ An: Chủ động đảm bảo nguồn nước tưới vụ lúa Hè Thu 2021

2021.06.10 - 1792 lượt xem

Mặc dù, thời tiết ở tỉnh Nghệ An đang cao điểm nắng nóng nhưng bà con nông dân nhiều địa phương trên địa bàn đang tích cực tập trung làm đất gieo cấy lúa vụ Hè Thu.

 

Nước tưới cũng được các trạm bơm chủ động cung cấp nên đầu vụ Hè Thu.

Dù được dự báo hạn hán không gay gắt như năm 2020 nhưng để chủ động đảm bảo nguồn nước tưới, ngay từ đầu vụ, ngành thủy lợi cùng chính quyền các địa phương đã lên các phương án sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nguồn nước. Các trạm bơm dã chiến đang được lắp đặt, bảo dưỡng máy móc thiết bị, sẵn sàng vận hành bơm chống hạn.

Với phương châm gieo cấy “càng sớm, càng tốt”, ngay sau khi thu hoạch xong vụ lúa Đông Xuân, bà con nông dân Nghệ An đã nhanh chóng xuống đồng làm đất gieo cấy sản xuất vụ Hè Thu 2021. Hệ thống thủy lợi cũng đã nỗ lực cung cấp nguồn nước đầy đủ để bà con nông dân làm đất, gieo cấy kịp thời vụ. Tuy nhiên, với thời tiết nắng nóng kéo dài, nước tưới vẫn là vấn đề bà con lo lắng nhất.

 

Công nhân Công ty TNHH-MTV thuỷ lợi Nam (Nghệ An) vận hành trạm bơm đảm bảo cung cấp đủ nguồn nước tưới phục vụ bà con nông dân. 

Ông Tạ Văn Nam, trú tại xóm Đại Huệ, xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên cho biết, toàn bộ ruộng ở xã Hưng Tây năm nào cũng rất khó khăn về nguồn nước, có năm đến lúc lúa đón đòng thì thiếu nước khiến mùa màng thất bát. Năm nay, ngay sau khi thu hoạch xong vụ Đông Xuân gia đình ông cùng bà con nông dân ở đây đã bắt tay ngay vào việc làm đất, sớm gieo cấy đảm bảo cho kịp thời vụ. Nước tưới cũng được các trạm bơm chủ động cung cấp nên không còn cảnh thiếu nước như mọi năm, 8 sào ruộng của gia đình hiện đã được gieo cấy.

Hiện nay, mực nước ở các công trình đầu mối như: thượng lưu cống Nam Đàn, cống Bến Thủy, cống Nghi Quang.. đều đạt thấp hơn so với thiết kế. Riêng nước hồ Bản Vẽ chỉ đạt dung tích trên 922 triệu m3, đạt 50,3% dung tích thiết kế. Trong khi theo dự đoán của ngành khí tượng, thủy văn, từ tháng 6 - 9/2021, nhiệt độ phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ phổ biến từ 0,5 – 1 độ C. Lượng dòng chảy trên các sông ở Nghệ An có khả năng thấp hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ 15-25%. Từ thực trạng đó, Chi cục thủy lợi Nghệ An nhận định việc cấp nước cho sản xuất nông nghiệp vụ Hè thu trong những tháng giữa cuối mùa khô năm 2021 sẽ gặp khó khăn nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn có thể xảy ra sớm và trên diện rộng.

 

Ngay sau khi thu hoạch xong vụ lúa Đông Xuân, bà con nông dân Nghệ An đã nhanh chóng xuống đồng làm đất gieo cấy sản xuất vụ Hè Thu 2021. 

Cụ thể, đối với vùng trung du, miền núi, tình hình thiếu nước khô hạn tập trung ở khu tưới các hồ chứa nhỏ do xã, hợp tác xã quản lý ở các vùng: Tân Kỳ, Anh Sơn, Thanh Chương, Đô Lương, Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Yên Thành, Quỳnh Lưu… Đối với vùng nằm trong hệ thống thủy lợi Bắc, hệ  thống thủy lợi Nam do lưu lượng nước lấy vào đầu kênh thiếu nên sẽ thiếu nước ở các vùng cuối kênh.

Quản lý vận hành hệ thống thủy lợi Nam, ngay từ đầu vụ, Công ty TNHH Một thành viên Thuỷ lợi Nam đã triển khai nhiều giải pháp nhằm kịp thời cung cấp đủ nước tưới phục vụ bà con nông dân sản xuất vụ Hè Thu. Cống đầu mối Mụ Bà, Nam Đàn được đơn vị vận hành linh hoạt nhằm tăng tối đa lượng nước có thể lấy vào hệ thống. Những cống tiêu ở cuối hệ thống được đóng kín để ngăn mặn, giữ ngọt và chỉ thực hiện giao thông thủy theo đúng quy trình được duyệt. Riêng các trạm bơm lấy nước ở sông Lam, sông Cấm, kênh Gai, kênh Hoàng Cần, sông Vinh, sông Bùng.... thường xuyên kiểm tra nồng độ mặn trên các kênh dẫn và tại bể hút các trạm bơm trước và trong khi vận hành.

 

Ngay sau khi thu hoạch xong vụ lúa Đông Xuân, bà con nông dân Nghệ An đã nhanh chóng xuống đồng làm đất gieo cấy sản xuất vụ Hè Thu 2021.

Ông Lê Đức Cường, Trạm trưởng Trạm bơm 16A, Công ty TNHH Một thành viên Thuỷ lợi Nam cho biết, trạm bơm có 5 máy bơm, phục vụ tưới tiêu cho trên 520 ha lúa Hè Thu ở các huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên và thành phố Vinh. Trước nhận định về tình hình hạn hán, thiếu nước của Chi cục thủy lợi, ngay từ đầu vụ, đơn vị đã lên phương án bơm luân phiên, phân phối hợp lý nhằm sử dụng có hiệu quả, tiết kiệm nguồn nước phục vụ bà con nông dân gieo cấy đúng khung thời vụ. Đến nay, hầu hết các diện tích đã được đơn vị cung cấp đủ nước tưới phục vụ bà con sản xuất.

Để chủ động phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn, đảm bảo cấp nước phục vụ sản xuất vụ Hè Thu năm 2021, UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị tiếp tục rà soát tình hình nguồn nước. Đồng thời, lập phương án tưới chống hạn cho từng vùng, từng công trình, sẵn sàng thực hiện khi hạn hán, thiếu nước xảy ra.

 

 Ngành nông nghiệp Nghệ An đã hướng dẫn bà con nông dân sử dụng các giống lúa ngắn ngày vào vụ Hè Thu 2021. 

Còn theo ông Nguyễn Trường Thành, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi Nghệ An, để đảm bảo nguồn nước tưới cho vụ Hè Thu 2021, đơn vị đã phối hợp, làm việc với nhà máy thủy điện Bản Vẽ, Khe Bố, Chi Khê để đảm bảo xả lưu lượng nước đáp ứng nhu cầu dùng nước phục vụ sản xuất, dân sinh cho vùng hạ du. Chi cục yêu cầu các đơn vị quản lý vận hành cần quản lý chặt chẽ nguồn nước, chống rò rỉ thất thoát, sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả; tăng cường sử dụng các biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn; phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức nạo vét hệ thống kênh mương, các cửa vào cống lấy nước, bể hút các trạm bơm tưới đảm bảo dẫn nước, thông thoáng từ đầu mối tới mặt ruộng, tận dụng mọi nguồn nước phục vụ sản xuất.

Đối với những vùng không cân đối được nguồn nước thì chuyển đổi sang các loại cây trồng khác có khả năng chịu hạn phù hợp với tình hình thức tế. Đồng thời, lắp đặt các trạm bơm dã chiến, bảo dưỡng máy móc thiết bị, sẵn sàng vận hành bơm chống hạn.

Nghệ An hiện có hơn 1.000 hồ chứa lớn nhỏ, so với cùng kỳ năm trước, năm nay lượng nước trên các hồ có cao hơn, nhưng cũng chỉ có trên 340 hồ chưa đạt trên 70% dung tích thiết kế. Với việc chuẩn bị chu đáo của ngành thủy lợi, công tác chống hạn ở Nghệ An đã chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với hạn hán có thể xảy ra.

Nguồn: TTXVN